Tin thủy sản Cá cam, đặc sản tỉnh Kagoshima đã có mặt tại thị trường Việt Nam

Cá cam, đặc sản tỉnh Kagoshima đã có mặt tại thị trường Việt Nam

Tác giả Nguyên Vỹ, ngày đăng 06/03/2017

Cá cam, đặc sản tỉnh Kagoshima đã có mặt tại thị trường Việt Nam

Cá cam đã được biết đến từ lâu trong phong cách ẩm thực tươi sống của Nhật. Để mở rộng kênh phân phối, tỉnh Kagoshima – quê hương của cá cam đã chính thức giới thiệu các đặc sản địa phương đến thị trường Việt Nam.

Trong ảnh: Món ăn tươi sống được chế biến từ cá cam Bury

Đầu tháng 3, các sản phẩm tươi ngon từ đánh bắt, nuôi trồng và chế biến có giá trị dinh dưỡng cao đã được các tỉnh Kagoshima giới thiệu tại TP.HCM, đồng thời mở cơ hội hợp tác kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Kagoshima là tỉnh cực nam Nhật Bản. Được thiên nhiên ưu đãi với các dòng hải lưu bao bọc, ngành ngư nghiệp của địa phương đã phát triển mạnh với nhiều sản phẩm phong phú.

Ông Murase Takuya – Chủ nhiệm phòng xúc tiến thương mại thủy sản tỉnh Kagoshima cho biết người Nhật tin rằng nguồn dinh dưỡng của cá cam giúp kéo dài tuổi thọ và ăn cá cam sẽ mang lại an lành. Trong đó, cá cam Buri và cá cam cao cấp Kanpachi là đại diện không thể thiếu trong phong cách ẩm thực tươi sống Sushi, Sashimi của Nhật.

Món cá tươi thái mỏng từ cá cam cao cấp Kanpachi

“Gần đây, nuôi trồng và chế biến được đẩy mạnh phát triển và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm không hề thua kém so với đánh bắt. Các dòng thủy sản địa phương đã xuất ra 29 quốc gia”, ông Takuya nói.

Cá cam sọc vàng Buri đã được tỉnh Kagoshima bắt đầu nuôi từ năm 1960 là sản phẩm giàu chất béo, được biết đến ở nước ngoài với tên gọi Hamachi. Ông Nakazono Yasuhiko – Giám đốc phòng kinh doanh số 2 của hợp tác xã (HTX) ngư nghiệp Azuma-Cho cho biết mỗi năm đơn vị xuất khoảng 2 triệu con. Năm 2014 cá cam được đăng ký với các quốc gia Việt Nam, Thái Lan… về quy trình, thiết bị sản xuất để chuẩn bị cấp phép xuất khẩu. Gần đây HTX có sản phẩm cá cam nuôi bằng trái cây.

Cũng trong năm 2014, cá cam Kanpachi được chứng nhận là sản phẩm đại diện của tỉnh Kagoshima. Đây là dòng sản phẩm cao cấp được được nuôi từ những năm 1990. So với cá cam Buri, cá cam Kanpachi thích hợp ở vùng biển ấm áp, lượng mỡ ít hơn nhưng cá có vị béo vừa phải và cảm giác giòn tan khi ăn.  

Các món ăn khác kết hợp cá tươi và cơm 

Ông Kawamoto Hiromi – Trưởng Phòng đảm bảo chất lượng HTX ngư nghiệp Tarumizu-Shi giới thiệu sản phẩm của đơn vị được phối trộn trà và rượu shochu (bã hèm) trong thức ăn của cá. Chất Catechin và Vitamin E có trong trà xanh làm mất đi mùi tanh của cá, giảm hàm lượng cholesterol, làm cho thịt cá trắng mịn… 

Tại Kagoshima, 2 loại cá cam này có sản lượng lớn nhất Nhật Bản. Ngoài ra, các loại cá tự nhiên như cá sòng, nục, thu ngựa, mòi, tráp đỏ… cũng làm nên thương hiệu chả cá SatsumaAge nổi tiếng, có truyền thống lâu đời, như công ty Arimuraya sản xuất chả cá từ năm 1912.

Các thực khách thưởng lãm phong cách ẩm thực Nhật

Đại diện Tham tán thương mại tỉnh Kagoshima cho biết, ngoài đường biển, các mặt hàng tươi sống từ Nhật có thể vận chuyển bằng đường không. Với các quy trình nuôi trồng, kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, các sản phẩm được đảm bảo 100% độ tươi ngon khi có mặt ở Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước kết nối hợp tác thương mại với tỉnh Kagoshima có thể liên hệ thông qua đối tác là công ty Ten Trang có trụ sở ở quận Gò Vấp, TP.HCM.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản từ Nhật sang Việt Nam đạt 20 tỷ yên hàng năm, chiếm khoảng 60% tổng giá trị mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Mức tiêu thụ thủy sản tại trong nước ngày càng tăng. Hiện có gần 1.000 cửa hàng ẩm thực Nhật ở Việt Nam. Điều này cho thấy người tiêu dùng trong nước ngày càng chấp nhận và yêu thích các món ăn Nhật Bản.


Nuôi cá ngựa cho hiệu quả kinh tế cao Nuôi cá ngựa cho hiệu quả kinh tế… Bội thu cá nục, ngư dân vẫn buồn vì tư thương ép giá Bội thu cá nục, ngư dân vẫn buồn…