Ca cao, loài cây trồng mẫn cảm
Cây ca cao thích hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, với ánh sáng tán xạ và với tầng đất canh tác dày. Tánh Linh là vùng đất trồng nhiều cây ca cao vì phù hợp với những điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu đó. Qua khảo sát một số vườn như vườn anh Phương Phụng, vườn anh Trung, vườn Phương Lan ở thôn Tân Thành, Lạc Tánh, chúng tôi có những ghi chép từ thực tế của những người đã trồng, chăm sóc và thu hoạch ca cao, nghĩ rằng cần thiết cho bà con nông dân khi trồng loài cây mẫn cảm này.
Chăm sóc cây ca cao.
Trồng một lần thu hoạch 30 năm
Chị Võ Thị Lan ở xóm 8, thôn Tân Thành, Lạc Tánh, tiếp chúng tôi ngay trong vườn ca cao đang thu hoạch của mình. Khu vườn rộng một mẫu ba với lúc lỉu những trái ca cao chín vàng, chín cam trông thật đẹp mắt. Ca cao là cây công nghiệp lâu năm, phát triển tốt với ánh sáng tán xạ. Chị Lan cho biết phải chịu khổ trong thời gian đầu, ngoài việc trồng cây chắn gió, cây che nắng trước còn phải che túp khi cây vừa trồng xuống. Với khoảng cách 3 x 3m, 1 ha có thể trồng đến 1.000 cây, phải che chắn cẩn thận cho từng cây một. Rất may là vườn chị Lan trước đây là vườn điều lộn hột, vì cây điều cho năng suất thấp nên anh chị quyết định chuyển sang cây ca cao khi có gợi ý của thôn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vườn điều, ánh sáng cũng chỉ 40 - 50% nên cây ca cao trong vườn chị không gặp phải nạn gió giật mạnh và nắng quá gắt.
Trong thời gian cây ca cao chưa giao tán, khoảng 12 tháng đầu tiên, đây là thời kỳ kiến thiết cơ bản, những tác nhân gây hại chưa nhiều nhưng phải chú ý đến những biểu hiện thiếu chất. Qua kinh nghiệm của những người trồng ca cao ở Tánh Linh có thể đúc kết vài điểm như sau: thiếu đạm, lá vàng hoặc vàng xanh đọt chuối, nếu thiếu nặng sẽ có biểu hiện lá rụng; thiếu lân, lá xỉn màu, mép lá ửng đỏ; thiếu kali, lá vàng cam, khô dần và rụng… Bón phân theo hình thức xới nhẹ quanh tán, bón xong lấp đất lại. Cần dùng thêm phân bón lá có chứa các nguyên tố trung và vi lượng (lưu ý hàm lượng kẽm cao) phun 2 - 3/lít/ha cho năm đầu tiên. Với các đợt bón phân trong năm cần để ý cây tốt bón ít, cây xấu bón nhiều hơn, tùy theo quan sát cây mà bón mức độ phù hợp.
Nếu chăm sóc đúng và không để thiếu chất ở giai đoạn này cây phát triển khỏe mạnh thì từ 12 đến 14 tháng sẽ cho lứa hoa đầu tiên, 4 tháng sau ta sẽ có vụ trái bói năng suất cao (cao nhất là từ năm thứ 5 trở đi). Và nếu tiếp tục chăm sóc tốt sẽ kéo dài thời gian thu hoạch đến 30 năm.
Theo chị Võ Thị Lan, ước tính chi phí phân thuốc, công cán tưới tiêu các loại khoảng 40% thu nhập, người nông dân lời khoảng 60%. Khoảng tháng 6 đến tháng 7 hàng năm cây ra bông, tháng 10, 11, trái chín, bắt đầu cho mùa thu hoạch. Trước đây chị Lan bán ca cao khô với giá 57.000 đồng/kg, nhưng vì tốn nhiều thời gian ở khâu phơi khô (lại không được để bị đen và có mùi lạ) nên chị chuyển sang bán tươi. Hiện nay, chị đang ký hợp đồng giá cả năm với Công ty Trọng Đức (Đồng Nai), tức giá thu không thay đổi trong cả năm với mức 5.100 đồng/kg ca cao tươi. Tiền vận chuyển bên công ty chịu, cứ đến hẹn, chị Lan cắt ca cao để sẵn, xe công ty sẽ đến tận vườn để chở đi. So với nghề trồng trọt thì trồng ca cao hơi cực một chút nhưng bù lại thì có thu nhập cao và ổn định. Nhờ cây ca cao mà gia đình chị Lan nuôi 3 con ăn học đàng hoàng, lại có tiền đầu tư tiếp vào 1 ha cao su.
Loài cây trồng mẫn cảm
Cây ca cao phù hợp với đất vườn có tầng canh tác dày (khoảng trên 30 phân), nhất là đất mùn, đất đen trên núi hoặc phù sa, phù sa cổ xen đá cũng được nhưng đừng nghiêng quá 45 độ. Cây kỵ đất chua, nếu đất chua cần bón thêm vôi ngay từ khi đào hố trồng, hố kích thước 50 x 50x 50 cm, đào hố xong phải để cách 30 ngày. Thời vụ trồng tốt nhất là đầu mùa mưa, khoảng tháng 6, tháng 7, qua khỏi tháng 8 là hết thời điểm xuống giống. Nếu đất xấu hơn, nền đất là sét thì mật độ cây dày hơn (khoảng 30x 2.5 m) và hố trồng phải rộng hơn.
Cây ca cao càng phát triển càng có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn, cụ thể cây thu bói yêu cầu dinh dưỡng cao hơn cây chưa giáp tán, cây thu hoạch mùa chính nhu cầu dinh dưỡng cao hơn cây thu bói. Do vậy riêng trong mùa mưa là mùa cây phát triển mạnh phải bón phân làm 3 đợt: Đầu mưa, bón bù cho nguyên mùa nắng thiếu dinh dưỡng, giữa mưa, cây tăng trưởng rất mạnh nên cần nhiều dinh dưỡng, cuối mưa, ưu tiên hàm lượng kali (tốt nhất là dùng loại phân hỗn hợp).
Theo kinh nghiệm của những người làm vườn ở thôn Tân Thành thì nên rong tỉa cây làm 2 đợt chính trong năm: Đầu mùa mưa, loại bỏ những cành khô, cành hư, cành không hiệu quả, cành cao hoặc cành thấp quá; giữa mùa mưa thì cắt tỉa chú trọng đến tạo tán. Cắt tỉa hợp lý là sau khi cắt tỉa xong ánh sáng có thể xuyên đến vùng thân cây cho trái, tán của các hàng cây không chồng lên nhau, vùng thân gốc phải trống. Với cây ca cao nên để một thân duy nhất và từ 3 đến 5 cành. Công việc cắt tỉa tốt sẽ hạn chế được bào tử nấm hại xâm nhập, đây chính là tác nhân chính gây ra bệnh thối trái.
Cây ca cao là loài cây mẫn cảm và hút nhiều dinh dưỡng, nhất là kali. Đây là loại cây có nhu cầu khá cao về dinh dưỡng. Cây càng lớn nhu cầu dinh dưỡng và việc phòng chống tác nhân gây hại càng tăng. Đối với bà con nông dân ở thôn Tân Thành, Lạc Tánh, với sẵn tính cần cù, chịu khó nên vườn ca cao nào cũng xanh tốt và cho năng suất cao.
Cây ca cao có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ, đã được trồng nhiều ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay. Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, hiện nhu cầu chế biến và tiêu thụ ca cao của thế giới tăng từ 3 -4%/năm (tương đương 100.000 -120.000 tấn). Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các cơ quan chuyên ngành xây dựng quy hoạch trồng ca cao trên cả nước. Với thực tế và tương lai như vậy, nông dân không phải lo thiếu đầu ra và giá thành không ổn định. Vấn đề chính là giống, kỹ thuật chăm sóc và cách thu hái, bảo quản, làm sao để cây ca cao cho năng suất cao và bán được giá tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ