Cá chết trắng ao, nhiều hộ dân khốn đốn
Tại ao của ông Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hàng ngàn con cá rô phi chết trương phình nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cá chết phủ trắng xóa cả mặt ao rộng 3.500m2 và bốc mùi hôi, thối nồng nặc. Ông Hùng xót xa: “Từ ngày 15/4, tôi phát hiện cá trong ao bắt đầu chết. Ban đầu, cá bị chết ước từ 2 - 3 tạ/ngày.
Khi phát hiện cá chết hàng loạt, tôi đã dùng máy bơm nước từ ao này qua áo kia để cứu nhưng không được. Đến chiều ngày 17/4, toàn bộ hơn 8 tấn cá rô phi trong ao của tôi đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Tôi phải nhờ thêm 5 người hàng xóm đến phụ vớt xác cá từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối mà dọn chưa xuể. Chắc đêm nay, cả gia đình tôi phải thức suốt đêm để vớt hết cá lên bờ và gọi người tới cho họ chở về làm phân, không thì ngày mai mùi hôi thối sẽ làm ảnh hưởng tới hàng xóm”.
Trong tổ hợp tác nuôi cá xóm 6, gia đình ông Hùng là hộ đầu tư nuôi cá nhiều nhất, với 3 ao có tổng diện tích khoảng 12.000m2. Trong lứa cá này, gia đình ông đã đầu tư với số vốn khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, mới có 1 ao đến kỳ thu hoạch và ông đã xuất bán được khoảng 10 tấn cá các loại, thu được khoảng 350 triệu đồng. Riêng, cá trong 2 ao còn lại mới khoảng 8 tháng tuổi và ước tính tổng sản lượng đạt gần 30 tấn.
“Gần 10 năm nuôi cá, chưa năm nào tôi thấy thời tiết nắng hạn kéo dài như năm nay. Nắng nóng làm nước trong hồ thiếu oxy khiến cá chết hàng loạt, không cách nào cứu chữa được. Ước tính, hơn 8 tấn cá rô phi bị chết khiến gia đình tôi thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Nếu cứ đà này, hơn 20 tấn cá còn lại trong ao bị chết nữa thì gia đình tôi không chỉ “trắng tay” mà sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất” - ông Hùng ngậm ngùi.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hùng, cá của gia đình ông Phan Minh Vương cũng đã bị chết mất hơn 3 tấn. Ông Vương cho hay: “Cũng giống như các hộ nuôi cá khác trong tổ hợp tác, phần lớn cá của gia đình tôi bị chết là cá rô phi sắp đến kỳ thu hoạch và có trọng lượng trên dưới 1kg/con. Hầu hết cá bị chết đều trương phình và bốc mùi hôi thối rất nhanh, nên chỉ có cách năn nỉ người ta đến lấy về làm phân chứ chẳng thu được đồng nào. Toàn bộ vốn liếng tôi đem đầu tư hết để nuôi cá. Gia đình tôi đang còn 1 ao cá hơn 10 tấn chưa đến kỳ thu hoạch. Giờ thì chỉ có trời mưa mới cứu được gia đình tôi khỏi cảnh “trắng tay” mà thôi”.
Ông Hoàng Văn Liết, Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi cá xóm 6 cho biết, hầu hết các hộ trong tổ hợp tác đều có thâm niên nuôi cá trên 5 năm. Các loại cá mà họ đang nuôi là rô phi, chép, trắm và cá mè. Thường thì năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng là cá lại bị chết, nhưng tổng thiệt hại của tất cả các hộ trong Tổ hợp tác cũng chỉ ở mức từ 3 đến 5 tạ/năm. Ông Liết cho biết: “Hiện tượng cá chết đồng loạt bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 3. Nhiều khả năng do nắng hạn kéo dài. Đến thời điểm này, cá của tất cả các hộ trong tổ hợp tác đều đã bị chết và ước tính thiệt hại đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Trung bình, mỗi hộ có từ 500kg đến 3 tấn cá đã bị chết. Riêng, hộ ông Hùng bị thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 8 tấn cá bị chết. Hiện, tình trạng cá bị chết vẫn chưa dừng lại khiến bà con rất hoang mang, lo lắng”.
Nhiều hộ dân trong Tổ hợp tác nuôi cá vẫn đang trong tình trạng như “ngồi trên đống lửa” bởi cá vẫn chết hàng loạt mà UBND xã Lộc Châu và các ngành chức năng của TP. Bảo Lộc vẫn chưa có mặt để hỗ trợ bà con tìm nguyên nhân, giải pháp giúp bà con giảm thiểu thiệt hại, dù các hộ dân đã trình báo để “cầu cứu” chính quyền địa phương ngay sau khi hiện tượng cá chết trắng ao xảy ra.
"Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cá bị chết là do nắng hạn kéo dài làm nguồn nước tụt giảm khiến môi trường sinh thủy trong ao nuôi bị đảo lộn như thiếu ô xy, nguồn nước bị nhiễm độc tố; đồng thời, do nguồn nước tụt giảm làm mật độ cá trong ao dày lên vượt quá mức khuyến cáo từ 5 - 6 con/m2. Cùng với đó, nắng nóng làm giảm khả năng tiêu thụ thức ăn của cá, nhưng do người dân chưa nắm bắt được để điều chỉnh lượng thức ăn làm dư thừa thức ăn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước". (Ông Trần Trung Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc)
Khuyến cáo của cơ quan chức năng
Ông Trần Trung Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp TP. Bảo Lộc, cho biết: Thực tế cho thấy, các điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Bảo Lộc rất thích hợp để nuôi thâm canh các loại cá nước ngọt như rô phi, trắm cỏ, chép và cá mè. Hiện tại, cá rô phi đơn tính được người dân nuôi thâm canh để phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao và chiếm gần 50% diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Để đảm bảo cho các vụ nuôi sau, người dân cần phải chú ý đến việc tiêu độc, khử trùng để cải tạo lại ao trước khi thả cá vụ sau. Để ao nuôi đảm bảo tốt các điều kiện, người dân nên tháo cạn nước để vét sạch bùn dưới đáy ao. Sau đó, dùng vôi với tỷ lệ từ 10 - 15kg/100m2 để bón khử mầm bệnh. Sau khi bón vôi, cần cho nước vào 1 - 2 lần để rửa sạch ao. Sau đó, dùng thuốc tím hoặc chất Zeolite với tỷ lệ từ 1 - 2kg/1.000m2 để khử các mầm bệnh và độc tố trong ao và tiếp tục phơi ao trong 7 - 10 ngày.
Sau khi cải tạo ao, nên dùng phân vi sinh và phân hữu cơ ủ hoai để tạo màu nước đảm bảo rồi mới thả cá lại. Khi thả cá phải tuân thủ đúng thời vụ từ tháng 3 đến tháng 10 và mật độ quy định từ 3 - 5 con/m2. Đặc biệt, về mùa nắng hạn, người dân nên giảm lượng thức ăn xuống dưới 40% để tránh thức ăn bị dư thừa. Cùng với đó, người dân nên chuẩn bị ao dự phòng để chủ động nguồn nước thay đổi cho cá để đảm bảo lượng ô xy hòa tan trong nước và duy trì nhiệt độ trong nước đảm bảo từ 25 - 30 độ C.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ