Cà gai leo lãi gấp ba ngô, lúa
Trồng cà gai leo lãi gấp ba lần so với cây rau màu khác, vì vậy nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã có thu nhập khá từ loài cây này.
Cán bộ nông nghiêp huyện Sơn Dương hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà gai leo.
Chất đất ruộng, đất soi bãi dọc chân núi Tam Đảo của huyện Sơn Dương khá phù hợp với loài cây cà gai leo. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm, thì cây cà gai leo trồng tại đồng đất nơi đây không những sinh trưởng, phát triển nhanh, ít sâu bệnh mà còn có dược tính cao.
Loài cây này được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Hợp Hòa từ tháng 6, năm 2018 với diện tích 10 ha. Đây là cây dược liệu khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh và phát triển quanh năm. Cây được trồng ở nơi cao ráo không úng nước, không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ cần chăm bón bằng phân chuồng hoại mục. Đến nay, diện tích cà gai leo của xã đã mở rộng lên 20 ha.
Gia đình anh Đỗ Khắc Oánh, thôn Ninh Hòa là hộ trồng cà gai leo đầu tiên của xã Hợp Hòa. Ngày mới đưa vào trồng anh cũng e ngại. Bởi trồng ngô, lúa còn đảm bảo lương thực chứ trồng loài cây này nhỡ không bán được thì không biết lấy gì mà ăn. Nhưng được cán bộ khuyến nông huyện và doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua nên anh đã mạnh dạn trồng 7 sào.
Anh Oánh cho biết, cây cà gai leo khá dễ trồng nên không đòi hỏi kỹ thuật nhiều. Sau 3 tháng chăm sóc, diện tích đã cho thu hoạch với nặng suất đạt 1,6 tạ/sào. Với giá bán 40.000 đồng/kg, vụ thu hoạch đầu tiên 7 sào cà gai leo của gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng. Đến nay, diện tích cà gai leo của gia đình anh Oánh đã cho 3 lần thu hoạch/năm. Năm 2019, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 5 sào.
Điều thuận lợi nhất với người trồng loài cây dược liệu này là được các Công ty TNHH Sơn Trung Du (Phú Thọ) và Công ty Nhất Tâm Đường (Tuyên Quang) cho nông dân vay hạt giống và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giá được thu mua là tối thiểu 30 nghìn đồng/kg. Chính vì vậy, nười nông dân yên tâm không lo về đầu ra vào vụ thu hoạch.
Hiệu quả kinh tế mang lại cao, năm 2019, huyện Sơn Dương đã có 3 xã tiếp tục trồng cà gai leo. Ngoài xã Hợp Hòa thì xã Sầm Dương trồng được 4,7 ha, xã Văn Phú trồng 4 ha.
Tại xã Sầm Dương, cây cà gai leo được đưa vào trồng từ đầu năm 2019 với diện tích 4,7 ha. Sự khác biệt của mô hình này với những cây trồng thông thường khác là có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”.
Cà gai leo khô có giá trung bình 30.000 đồng/kg, thời kỳ cao điểm lên đến 50.000 đồng/kg.
Trung bình, mỗi vườn cà gai leo 3 tháng sẽ cho thu hoạch 1 đợt. Cây có chu kỳ sinh trưởng, phát triển 3 năm. Khi thu hoạch, nông dân các xã đã sử dụng máy cắt để sơ chế cây trước khi phơi khô. Có đầu ra tiêu thụ sản phẩm, cà gai leo đang là cây hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Sầm Dương cho biết, sau một thời gian trồng, chăm sóc, đến nay toàn bộ diện tích cà gai leo trên địa bàn đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của người dân, so với một số cây trồng khác như đỗ, ngô, lạc… thì loài cây này cao gấp từ 2 đến 3 lần trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình sẽ là cơ sở để khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Gia đình bà Phạm Thị Hường là một trong những hộ nghèo của thôn Thái Thịnh, xã Sầm Dương. Tham gia mô hình, nhà bà trồng 3 sào đất soi bãi; được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch.
Bà Hường cho biết, mỗi đợt thu hoạch, vườn cà gai leo cho gia đình bà 400 kg sản phẩm khô. Các doanh nghiệp về tận thôn thu mua với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình còn thu lãi 10 triệu đồng. Trung bình 1 năm vườn cà gai leo cho thu từ 3 đến 3,5 lần, như thế bà thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm.
Việc các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vòng 3 năm giúp người dân yên tâm về đầu ra. Năm tới, gia đình bà Hường và các hộ dân trong xã sẽ tiếp tục đăng ký cây giống với công ty để mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ