Mô hình kinh tế Cả Làng Làm Trang Trại

Cả Làng Làm Trang Trại

Ngày đăng 15/08/2011

Cả Làng Làm Trang Trại

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phấn đấu đến hết năm 2011, Bình Dương, một trong sáu xã được chọn thí điểm, sẽ đạt các tiêu chí công nhận nông thôn mới. Trong thành công chung này, Hội Làm vườn (HLV) đã có những đóng góp quan trọng.

Cả làng làm trang trại

Đã có nhiều lời ca ngợi dành cho Bình Dương trong việc chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa năng suất bấp bênh sang làm trang trại VAC. Ông Nguyễn Duy Kiếm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại, một trong những người đầu tiên ra khu ruộng trũng xây dựng trang trại vẫn chưa quên những ngày gian khó. "Đó là vào đầu những năm 1990, lúc đó, Bình Dương vẫn là xã thuần nông nghèo xơ xác. Đồng ruộng bao la nhưng chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt nên năng suất bấp bênh. Không thể sống mãi cảnh nghèo, một số người "đánh liều" đắp bờ nuôi cá, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt", ông Kiếm nhớ lại.

Từ một, hai người làm thành công, đến nay, Bình Dương đã hình thành cả một làng trang trại khá quy mô, bề thế với vườn cây, ao cá, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm khang trang. Câu lạc bộ trang trại, lực lượng chủ công của HLV, thu hút 25 hội viên. "Đây là những chủ trang trại có kinh nghiệm, đi đầu trong phong trào làm VAC và có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên", ông Kiếm nói.

Bây giờ về Bình Dương, không khó để gặp những ông, bà chủ trang trại đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên. Điển hình như ông Trần Văn Lịch ở thôn Gia Phú chuyên nuôi lợn siêu nạc. Trang trại của gia đình ông luôn duy trì 200 con/lứa, ngoài ra còn có 40 con lợn nái, 20 con lợn rừng, cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Hay như trang trại của bà Nguyễn Thị Định ở thôn Gia Phú, nuôi 40 con lợn nái, 200 lợn siêu nạc, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm. Riêng ông chủ nhiệm câu lạc bộ lại chuyển hướng đầu tư sang ba ba. Ông Kiếm cho biết: "Trước, tôi chỉ nuôi cá thịt và cá giống, năm 2006, trong một chuyến tham quan ở Yên Bái, thấy người ta nuôi ba ba gai hiệu quả, tôi đã mạnh dạn chuyển hướng sang con nuôi đặc sản này. Hiện tôi có 2.000m2 chuyên nuôi ba ba, chia làm 3 ao, ngoài ra, tôi còn có hơn 1 mẫu ao nuôi cá thịt và cá giống qua đông, bình quân thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm".

Ông Kiếm cho biết thêm, trong tổng số 160 hội viên HLV, hầu hết các hộ đều phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại.

Chính quyền vào cuộc

Hiện nay, việc phát triển kinh tế trang trại ở Bình Dương đã hội đủ các điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Xã còn gần 50ha ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp đang nằm trong kế hoạch chuyển đổi, người dân cần cù, chịu khó và nhạy bén trong cách làm ăn. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí khó thực hiện khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế trang trại. Theo đó, bà con có nhu cầu phát triển trang trại, xã cho thuê đất với định mức 90kg thóc/sào (giá thóc tính theo giá thuế, chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường); thời gian cho thuê đất lâu dài, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho các hộ gặp khó khăn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi (mỗi hộ được vay 20 triệu đồng/năm). Xã cũng trích ngân sách và huy động các nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống điện, đường giao thông cho khu chuyển dịch. "Với những chính sách thuận lợi như thế, không khó hiểu khi kinh tế trang trại ở Bình Dương khá phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương", ông Kiếm nói.

Điều đáng ghi nhận trong hoạt động của Câu lạc bộ trang trại xã Bình Dương là đã thành lập được Công ty TNHH VAC Nam Hà (năm 2007) do ông Nguyễn Duy Kiếm làm Giám đốc, các cổ đông là thành viên Ban chấp hành Câu lạc bộ trang trại. Công ty này hoạt động khá hiệu quả, đảm nhận việc thu mua sản phẩm VAC cho bà con với giá cả ổn định, đồng thời cung ứng vật tư nông nghiệp với giá thành hợp lý. Ông Kiếm bộc bạch: "Chúng tôi lấy lợi ích của bà con làm trọng, vì vậy, không bao giờ có chuyện ép giá. Việc thành lập Công ty giúp Câu lạc bộ ký hợp đồng cung cấp sản phẩm VAC cho các doanh nghiệp trên địa bàn và làm đại lý cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một liên hiệp sản xuất VAC khép kín, mang lại lợi nhuận cao".

Tương lai của mô hình kinh tế trang trại ở Bình Dương đang thực sự rộng mở khi xã có chủ trương khuyến khích phát triển, tiềm năng đất bãi còn nhiều. Hơn thế nữa, xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân đang được coi trọng. Ông Kiếm bật mí: "Hiện đã có thành viên trong Câu lạc bộ lập dự án xây dựng trang trại hiện đại rộng 10ha và còn nhiều hộ gia đình cũng mong muốn được thuê đất trũng làm VAC. Chỉ vài năm nữa thôi, Bình Dương sẽ có thêm nhiều trang trại cho thu nhập bạc tỷ. Tôi nghĩ, lúc đó, bức tranh nông thôn mới ở Bình Dương mới thật sự hoàn thiện".

BOX: Hiện có 3/4 thôn của xã Bình Dương thực hiện chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản hoặc mô hình VAC. Thôn chuyển dịch nhiều đạt 80ha, thôn ít 30-40ha. Cả xã có 140ha nuôi trồng thủy sản, 268 mô hình VAC


Mô Hình Trình Diễn 8 Giống Lúa Mới Mô Hình Trình Diễn 8 Giống Lúa Mới Ốc Bươu Vàng Ốc Bươu Vàng "Hoành Hành" Trên Diện Rộng