Mô hình kinh tế Cá Linh Đầu Mùa

Cá Linh Đầu Mùa

Ngày đăng 11/08/2014

Cá Linh Đầu Mùa

Mùa nước nổi tràn về, mùa cá linh cũng đến. Người dân vùng đầu nguồn lại tất bật chuẩn bị khai thác loài cá từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng sông nước Cửu Long.

Cuối tháng 6 âm lịch, cá linh theo con nước tràn về vùng đầu nguồn An Phú. Chẳng biết quá trình sinh sản của loài cá này bắt nguồn từ đâu nhưng khi về đến xã biên giới Vĩnh Hội Đông thì chúng đã to bằng đầu đũa ăn. Từ xưa, người dân vùng lũ không dùng từ “nhỏ” để gọi những con cá linh còn bé xíu, thay vào đó họ dùng từ “non”. Đây là cách gọi đã thành thói quen và cá linh non trở thành món ngon được nhiều người tìm mua khi chúng vừa xuất hiện tại các chợ.

“Trong các loại cá về theo mùa nước nổi thì cá linh xuất hiện sớm nhất, giá bán tại chợ tương đối cao. Mới tháng 4, tháng 5 âm lịch, người ta đã rục rịch chuẩn bị lưới, đáy để sẵn sàng cho mùa cá linh.

Gia đình tôi từ xưa đến giờ vẫn sống với con cá này mỗi khi nước lũ đến” - anh Lê Văn Cứng, người dân ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), cho biết. Cũng theo anh Cứng, đóng đáy cá linh là nghề cha truyền con nối của gia đình, tuy cực nhọc nhưng con cá linh chưa bao giờ phụ lòng những người đã mong chờ nó. Năm nay, gia đình anh Cứng trúng thầu khai thác cá linh với sự cấp phép của cơ quan chức năng.

Anh hớn hở khoe: “Năm nay, tôi trúng thầu gian nhất (được đóng đáy ở vị trí đầu tiên của dòng chảy) nên có thể thu hoạch được sản lượng cá nhiều. Những người ở gian nhì, gian ba thì thu nhập cũng đáng kể lắm! Nói chung, nếu ai kiên trì gắn bó với con cá linh thì cũng kiếm được thu nhập kha khá qua mùa nước nổi”.

Có người ví von rằng, con cá linh hấp thụ được vị ngọt của phù sa nên cũng tạo nên vị ngon đặc trưng từ thịt của chúng. Về cách chế biến, tùy vào sở thích, các bà nội trợ có thể chiên bột, kho lạt để chấm bông súng đồng hay nấu canh chua với bông điên điển… Mỗi món có hương vị riêng nhưng sự hấp dẫn thì không thể cưỡng lại được. Đó là món quà của mùa nước nổi, là sự hào phóng của sông Mê Kông ban tặng cho những người dân trót nặng tình với nó.

Hiện tại, cá linh non chỉ mới xuất hiện với số lượng ít nên anh Cứng cũng chỉ thu hoạch cầm chừng mỗi ngày vài chục ký. Khi bước vào vụ rộ, một ngày anh có thể bắt được vài trăm, thậm chí cả tấn cá để cân cho thương lái. “Hổm rày chưa có cá nhiều nên giá cũng cao. Tôi cân cho thương lái 20.000 đồng/kg cá còn sống. Độ nửa tháng nữa thì cá về nhiều, giá sẽ giảm dần nhưng được cái mình bán với số lượng lớn nên thu nhập cũng ổn định” – anh Cứng thiệt tình.

Cá linh lớn rất nhanh theo con nước, tháng 8- 9 âm lịch đã to bằng ngón tay cái và đó cũng là lúc anh Nguyễn Văn Kiệm (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, An Phú) xuống xuồng đi giăng lưới cá linh. Anh tâm sự: “Năm nào cũng vậy, khi nước ngoài sông đục thì tôi cũng lo đóng mấy tay lưới cá linh, cá chạch để mưu sinh mùa nước nổi. Gia đình khó khăn, chỉ nhờ vào mấy con cá để kiếm đồng ra đồng vô”.

Anh Kiệm sử dụng loại lưới 2,3 phân nên chỉ bắt được cá lớn. Mùa nước năm nào anh cũng giông xuồng đi khắp nơi từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến vùng trũng Tứ giác Long Xuyên để giăng lưới. Mỗi ngày kiếm được 70-80 kg cá linh, thu nhập cũng được 100.000-150.000 đồng/ngày.

Anh Kiệm nhớ lại khoảng chục năm trước, đi giăng lưới mà cá dính đến “se viền”, anh phải cuốn lưới mang về gỡ cả buổi vẫn chưa xong. “Ngày trước cá linh nhiều vô kể, ai cũng có thể đánh bắt được, bán không hết thì đem về ăn, ăn không hết thì ủ mắm, mà mắm cá linh thì nhứt xứ! Tháng 10 âm lịch, cá to bằng 2 ngón tay, bắt được đem nướng thì ngon hết biết!” – anh Kiệm huyên thuyên. Hiện nay, cá linh không còn nhiều như lời kể của anh Kiệm nhưng chúng vẫn là nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập cho người dân vùng lũ trong những tháng nước tràn đồng.

Một mùa cá linh nữa lại về, những người gắn bó với loại cá này lại bắt đầu tất bật với công việc của mình và mong ước một mùa cá bội thu.


Cá Cơm Khô Mũi Né (Phan Thiết) Cơ Hội Để Vào Sâu Thị Trường Hàn Quốc Cá Cơm Khô Mũi Né (Phan Thiết) Cơ… Xuất Khẩu Nông Sản Sang UAE Tăng Mạnh Xuất Khẩu Nông Sản Sang UAE Tăng Mạnh