Cà Mau chỉ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi đủ điều kiện
Cũng như mọi năm, ngay từ đầu mùa mưa, vợ chồng ông Phạm Văn Thọ, ấp Chủ Ến, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời phát dọn bờ vuông tôm, liếp vườn để gieo mạ chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ông Thọ cho biết: “Từ khi thực hiện chuyển dịch đến nay, năm nào gia đình cũng làm 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt trên 20 giạ/công. Nhưng điều quan trọng để làm được 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm phải tháo rửa mặn ngay đầu vụ, giữ được nước ngọt ổn định cho tới cuối vụ”.
Ông Nguyễn Văn Tận, người cùng xóm với ông Phạm Văn Thọ, cho biết, nếu muốn nuôi tôm đạt hiệu quả thì nên làm 1 vụ lúa. Vì nếu để đất trống chắc chắn mặt ruộng sẽ sinh nhiều rong đá, còn khi làm 1 vụ lúa thì không có rong. Khi thu hoạch lúa, đất có thêm gốc rạ, có thêm nguồn thức ăn cho tôm nuôi, tôm nuôi ít bị rủi ro.
Qua nhiều năm sản xuất, ông Nguyễn Thanh Dũng, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết, gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Những năm có lượng mưa thấp, sản xuất lúa trên đất nuôi tôm sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, những năm thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, mô hình lúa - tôm đạt kết quả. Từ thực tế sản xuất, kết hợp với nhận định của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau, năm nay lượng mưa cũng như mùa mưa kéo dài xấp xỉ trung bình nhiều năm nên ông đang chủ động chuẩn bị đầu tư gieo sạ gần 2 ha lúa trên đất nuôi tôm.
Mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học đánh giá là bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế qua nhiều năm chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa, đời sống kinh tế người dân được nâng lên rõ rệt. Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, năm nay chỉ tiến hành gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi có đủ điều kiện về ngăn mặn giữ ngọt, chủ động rửa phèn, mặn ngay từ đầu mùa mưa, độ mặn trong ruộng ổn định ở mức 2%o trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy.
Ðể sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa. Theo đó, bà con nông dân ở huyện Cái Nước, Trần Văn Thời và TP Cà Mau tập trung gieo sạ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (dương lịch) để thu hoạch vào đầu tháng 12 (dương lịch). Giống lúa gieo sạ có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi tốt với điều kiện đất nhiễm mặn như: OM 2517, OM 2395, OM 6677, ST20, ST5… Các huyện còn lại: U Minh và Thới Bình gieo cấy tập trung trong tháng 9 (dương lịch), thu hoạch vào cuối tháng 12 đến tháng 1 (dương lịch) năm sau. Chọn những giống lúa mùa thích ứng khá tốt với điều kiện đất đai ở địa phương như: Một bụi đỏ, Tép hành, Một bụi lùn, ST5, ST20, Trắng tròn...
Ðể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo, bà con nông dân nên tuân thủ sản xuất vụ mùa đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống. Chỉ gieo cấy ở những nơi được quy hoạch, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt tại chỗ, không bị xâm mặn khi thuỷ triều dâng cao vào những tháng cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ