Tin thủy sản Cà Mau năm thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD

Cà Mau năm thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD

Tác giả Quốc Việt - Trọng Linh, ngày đăng 04/11/2024

Cà Mau năm thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD

Cà Mau có kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh vượt qua cột mốc này.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản với hơn 280.000ha, cùng với bờ biển dài 256km, với nhiều loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với tôm - lúa, tôm - rừng, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm trên 230.000 tấn, riêng kế hoạch năm 2024 là 243.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1,1 tỷ USD. 

Mặc dù vậy, trong thời gian dài, ngành tôm của Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu giảm sâu và kéo dài. Thời gian gần đây, giá tôm đã tăng trở lại, xem như tín hiệu khởi sắc thúc đẩy cho ngành tôm tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2024.

Theo ông Bằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD nhưng lợi nhuận trong sản xuất của các hộ dân không nhiều, kể cả trong mô hình lúa - tôm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Trọng Linh.

Do đó, rất cần thiết đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, chú trọng đầu tư thay thế máy móc, thiết bị động cơ sang các thiết bị sử dụng điện, sử dụng điện năng lượng mặt trời, để hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.

“Sản lượng thì có, nhưng lợi nhuận của người nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì không đạt, thậm chí bị lỗ. Đây là thách thức lớn đối với ngành tôm", ông Bằng thông tin.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tỉnh vừa phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo tìm rõ nguyên nhân khó khăn ngành nuôi tôm hiện nay, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp, giúp cho các địa phương nuôi tôm và giúp nghề nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), nhận định, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, dịch bệnh trong nuôi trồng. Các dịch bệnh như bệnh đốm trắng, hội chứng tôm chết sớm (EMS), và các bệnh do vi khuẩn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cũng như chất lượng tôm. Quản lý dịch bệnh trong ao nuôi còn nhiều bất cập, khiến rủi ro bùng phát dịch bệnh cao, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

"Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, và hạn hán, ảnh hưởng đến môi trường nước và gây khó khăn trong việc duy trì điều kiện nuôi trồng. Xâm nhập mặn cũng khiến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe tôm nuôi", ông Luân nói.

Chi phí sản xuất tôm trong nước so với các như quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia còn khá cao. Ảnh: Trọng Linh.

Cũng theo ông Luân, cạnh tranh quốc tế và rào cản thương mại ngày càng lớn. Các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng có ngành tôm phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.  

Giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho tôm ở Việt Nam còn khá cao, thêm vào đó, việc kiểm soát chi phí chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc giá tôm Việt Nam chưa đủ cạnh tranh so với các nước khác.

Khó khăn trong tiếp cận công nghệ và kỹ thuật mới, nhiều hộ nuôi tôm vẫn áp dụng kỹ thuật nuôi truyền thống, thiếu sự đầu tư vào công nghệ hiện đại và các quy trình nuôi bền vững. Việc tiếp cận công nghệ mới trong quản lý dịch bệnh, cải thiện năng suất, và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ngành tôm đang thiếu nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cao để triển khai các quy trình nuôi tôm hiện đại và bền vững, cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn.

Mục tiêu của ngành tôm là năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Luân, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Lợi nhuận của người nuôi tôm thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Gà, heo thì có thể có một chuồng, còn tôm nuôi thì rất nhiều ao nuôi với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cấp, nên công tác quản lý dịch bệnh luôn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, ngành tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để có vị thế trên thị trường quốc tế.

Trong 10 tháng năm 2024, sản lượng tôm nuôi tỉnh Cà Mau trên 200.000 tấn, đạt 82,30% so kế hoạch, tăng hơn 2% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 968 triệu USD, bằng 87% so kế hoạch, tăng trên 12% so cùng kỳ.

Dự báo 3 tháng cuối năm nay, điều kiện thời tiết, môi trường không thuận lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tuân thủ đúng quy trình nuôi từ khâu chuẩn bị ao nuôi đúng kỹ thuật, chọn con tôm giống có chất lượng tốt, thay thế hóa chất, thuốc kháng sinh bằng các sản phẩm sinh học, chọn thời điểm, kích cỡ phù hợp để thu hoạch tôm nuôi nhằm đảm bảo được lợi nhuận cao nhất.


Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo không thiếu nguồn cung Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo… Thức ăn chiếm tới 60% chi phí sản xuất tôm Thức ăn chiếm tới 60% chi phí sản…