Cà phê Việt Nam - một năm đầy sóng gió
Giá giảm, lượng giảm
Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa), tổng sản lượng cà phê trên thế giới trong năm 2014 – 2015 là 141 triệu bao, tương đương 8,5 triệu tấn, so với niên vụ trước giảm 3,5%.
Trong đó, các nước sản xuất cà phê chính trên thế giới, đầu tiên là Brazil sản xuất tới 45 triệu bao, chiếm khoảng 31% tổng sản lượng cà phê trên thế giới; tiếp đến Việt Nam sản xuất 27,5 triệu bao, chiếm 19,4%; đứng sau là Colombia và Indonesia.
Cũng theo Vicofa, tính riêng về sản lượng cà phê robusta thì Việt Nam đứng hàng thứ nhất, chiếm hơn 50% tổng sản xuất trên toàn cầu.
Trong niên vụ 2014-2015, tổng diện tích canh tác cà phê của Việt Nam là 617.700ha, tương đương 1,5 triệu tấn.
Con số này so với những năm trước giảm tương đương 20%.
Giai đoạn 2011-2014, sản lượng cà phê của nước ta ổn định ở mức 1,5-1,7 triệu tấn/niên vụ.
Về lượng xuất khẩu cà phê, năm 2014-2015, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn, so với năm 2013-2014 giảm tới 20%.
Các thị trường chính của cà phê Việt Nam, gồm Đức chiếm 16%, Mỹ 12%, tiếp đến là Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hùng - ủy viên Ban chấp hành Vicofa, cùng với sản lượng giảm, kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua cũng giảm tới 20% (tổng kim ngạch xuất khẩu là 2,62 tỷ USD, so với năm trước là 3,15 tỷ đô, giảm 20,1%).
Xuất khẩu giảm do kinh doanh...ngây thơ
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, sản lượng cà phê Việt Nam giảm 20% có nhiều nguyên nhân, trước hết do ảnh hưởng của thời tiết, ảnh hưởng của El Nino làm cà phê ra hoa không tập trung.
Chương trình tái canh vườn cà phê già cỗi hơn 20 năm trở lên diễn ra chậm nên sản lượng cũng như diện tích vườn cà phê già cỗi tăng làm cho sản lượng cà phê giảm.
“Có nghịch lý là khi sản lượng giảm, giá cũng giảm theo.
Hiện tại giá cà phê không còn tuân theo nhu cầu của cung cầu mà theo thị trường tài chính.
Đầu vụ, giá tương đối cao, 41-42 triệu đồng/tấn, nhưng bây giờ giảm còn 33,5-34 triệu đồng/tấn”- ông Hùng cho hay.
Theo phân tích của Vicofa, có mấy nguyên nhận khiến cà phê Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu: Trong năm vừa qua giá cả biến động rất mạnh theo thị trường cũng như các cơn bão tài chính cuốn qua; kinh doanh của Việt Nam chủ yếu theo lối truyền thống, không có các công cụ để kiểm soát những rủi ro; đặc biệt hai cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và thị trường chứng khoán ảnh hưởng.
Giới đầu tư rút tiền khỏi các quỹ cũng gây ảnh hưởng rất nhiều tới giá hàng hóa, nhất là nông sản.
Ông Hùng cũng cho biết, một điều cực kỳ quan trọng là các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới, đồng tiền của họ mất giá.
Đối với Brazil, nước này giảm tới 32% giá trị đồng nội tệ, Indonesia giảm 8,6%, Colombia cũng mất 30%.
Điều này dẫn tới khi giá cà phê giảm, những nước này càng bán, đồng nội tệ của họ giảm và làm cho thị trường giảm theo.
Khi đó, Việt Nam chần chừ giữ lại hàng thì bị ảnh hưởng lớn.
Tái canh cà phê- chìa khóa sống còn
Theo Bộ NNPTNT, diện tích cà phê cả nước hiện đã lên đến 650.000ha, trong khi định hướng của Bộ NNPTNT giới hạn ở diện tích 530.000ha.
Trong số này, theo thống kê của Cục Trồng trọt, có tới 86.000ha cà phê đã trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000ha từ 15-20 năm tuổi (chiếm 25%).
Như vậy, tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000-160.000ha.
Chính vì thế, theo định hướng của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, sắp tới chương trình tái canh cà phê sẽ được triển khai bài bản với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hành Thế giới (WB).
Theo đó, Dự án sẽ sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn (7-10 năm) cho hộ nông dân tái canh cà phê thông qua các ngân hàng thương mại trên diện tích khoảng 9.000ha, phù hợp với kế hoạch tái canh của các địa phương.
Dự án cũng sẽ cung cấp đào tạo tập huấn cho ngân hàng bán buôn và các ngân hàng bán lẻ để hỗ trợ quá trình thẩm định và giải ngân khoản vay cho nông dân tái canh cà phê, cũng như hỗ trợ các chủ vườn ươm tư nhân để sản xuất cây giống chất lượng cao đáp ứng các nhu cầu giống cho tái canh cà phê.
Cụ thể, dự án sẽ cung cấp khoản vay dài hạn cho hộ nông dân tái canh cà phê thông qua các ngân hàng thương mại bán lẻ.
Các khoản vay sẽ được hỗ trợ một phần lãi suất trong thời gian đầu (3-5 năm) vì giai đoạn này cây chưa trưởng thành và chưa có thu nhập.
Tất cả nông dân tham gia dự án đều được đào tạo và kế hoạch tái canh cà phê của họ phải phù hợp với kế hoạch tái canh tổng thể của tỉnh đã được Bộ NNPTNT phê duyệt...
Bộ NNPTNT đặt mục tiêu cung cấp đào tạo tập huấn về nông học và quản lý cà phê bền vững cho khoảng 63.000 hộ ND trồng cà phê ở 12 huyện trọng điểm với tổng diện tích khoảng 69.000ha.
Trong đó, có khoảng 9.000 hộ tham gia tái canh cà phê trên diện tích khoảng 10.000ha.
Việc đào tạo sẽ được thực hiện theo phương pháp lớp học đầu bờ (FFS) thông qua xây dựng các mô hình điểm và đào tạo các ND chủ chốt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ