Mô hình kinh tế Cá Tra, Chấm Dứt Cảnh Thả Trôi Sản Lượng?

Cá Tra, Chấm Dứt Cảnh Thả Trôi Sản Lượng?

Ngày đăng 14/11/2012

Cá Tra, Chấm Dứt Cảnh Thả Trôi Sản Lượng?

Mười tháng nay, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam cứ giảm, dù không phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nào từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới An, TP Cần Thơ, từng nuôi gia công để tránh rủi ro, so sánh: “Giá thu vô của công ty là 23.000 - 23.500 đồng/kg cá theo hợp đồng là bằng với chi phí giá thành, do đó người nuôi bán trôi nổi 20.000 đồng/kg, làm sao không lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg."

Người nuôi gia công luôn trông chờ vào sản lượng để bù chi phí gia công bị kiểm soát. Nhưng giá cá xuất khẩu lại là câu chuyện khác.

Giám đốc một doanh nghiệp có 800 công nhân ở Trà Nóc khẳng định giá cá luôn xấu là do các tỉnh chạy đua đưa sản lượng lên cao, nhưng vẫn bao nhiêu thị trường ấy. Trong khi đó mức tiêu dùng ở các nước nhập khẩu lại giảm xuống.

Không kiểm soát được sản lượng và mỗi năm diện tích cứ tăng; người lỗ lã cứ treo ao và người “làm ăn được” cứ mở rộng diện tích nuôi. Các địa phương, ngay cả vùng nước lợ cho rằng cứ mở rộng diện tích là tốt.

Từ sau lần khủng hoảng do cá tra thừa cách đây năm năm, người nuôi cá nhỏ lẻ tự thu nhỏ, có sự thay đổi vị trí cũng như thứ hạng của các nhà đầu tư. Giai đoạn đầu, nhà đầu tư là chủ tiệm vàng, người có đất, có vốn ở nông thôn, nhưng sau khi số này thất bại thì nhà đầu tư là viên chức nhà nước, người của các công ty xây dựng vùng nguyên liệu, rồi cung ứng cho nhà máy; các nhà cung cấp thức ăn thủy sản nuôi - móc nối với nhà máy chế biến… khiến người nuôi cá nhỏ lẻ treo ao, nhưng thực ra số ao đó cũng sẽ được thuê mướn bởi những nhà đầu tư đang ăn nên làm ra. Dễ thấy nhất là số kinh doanh thức ăn thủy sản, nhanh chóng phất lên từ phong trào mạnh ai nấy nuôi cá.

Ai có tiền thì cứ nuôi, làm sao cấm được. Nghe ra cách làm ăn rất dân chủ, nhưng ở đây là một bài toán kinh tế chứ không phải mô hình dân chủ. Hiện thời, mức thuế áp dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, EU và các nước khác không giống nhau.

Đối với một số DN bị ngân hàng đốc thúc trả nợ đáo hạn sẵn sàng bán 2,2 - 2,3 USD/kg trong khi giá xuất khẩu có thể là 2,5 - 2,6 USD/kg, cách phá giá và chấp nhận bán dưới giá thành sản xuất, chấp nhận lỗ đã khiến cho tình hình càng xấu hơn!

Ông Võ Đông Đức, tổng Giám đốc Cty CP xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) lý giải: “Hiện nay trên thị trường xuất khẩu cá tra khó giữ giá bán cao hơn được vì ai cũng nuôi cá từ tiền vay không bán được thì cũng không thể giữ ngoài ao và giữ hàng kềm giá trong kho lạnh lâu được bởi lãi suất ngân hàng không cho phép”.

Khống chế bằng giá sàn bị xem là giải pháp “hủ lậu”. Theo ông Đức khơi thông nguồn vốn vay, mức lãi suất kích thích sản xuất và làm giá thành sản xuất thấp xuống mới hi vọng cải thiện sức cạnh tranh.

Nghịch lý lâu nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam hơn 6 tỷ USD, nhưng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên 85%! Bất lợi ngay từ đầu vào, không chỉ thấy ở cá tra, tôm… mà ở nhiều vật nuôi khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Thị trường cá tra xuất khẩu Việt Nam chiếm tới 99% sản phẩm cá tra phi-lê và chỉ có 1% là sản phẩm giá trị gia tăng.

Cá tra Việt Nam “một mình, một chợ”, nhưng để mất lợi thế là do tổ chức sản xuất chưa tốt. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia Na Uy, Hội đồng xuất khẩu trước hết phải kiểm soát sản lượng. Trong khi nhu cầu đang giảm do mức tiêu dùng thay đổi thì việc tăng sản lượng lên đến 600.000 tấn cá tra/năm, lại không có thêm thị trường mới thì giá cả giảm sút là chuyện được báo trước.

“Hoặc là cứ để cho “van” thị trường tự điều chỉnh, chấp nhận thắng – thua, hoặc cân đối thực lực để có sản lượng phù hợp cung cầu. Ban chỉ đạo sản xuất – tiêu thụ cá tra phải thôi cách điều hành “thả trôi sản lượng”, một doanh nhân xin giấu tên nói.


Duy Trì Và Phát Triển Tốt Đàn Bò Sữa Ở Châu Thành (Tiền Giang) Duy Trì Và Phát Triển Tốt Đàn Bò… Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Quảng Trị? Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ…