Tin thủy sản Cá tra vẫn mờ mịt lối ra

Cá tra vẫn mờ mịt lối ra

Tác giả Thuận Hải, ngày đăng 09/03/2016

Cá tra vẫn mờ mịt lối ra

Nông dân vẫn “ngán” cá

Những ngày cuối tháng 2, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng thêm 1.000 đồng, lên mức 20.000 – 20.500 đồng/kg. Giá cá nhích lên, một số nông dân phấn khởi cho vụ mùa đầu năm mới. Thế nhưng, theo nhiều hộ khác thì hoạt động nuôi cá tra vùng ĐBSCL thời điểm hiện tại vẫn không mấy sôi động.

Tháng 1.2016, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 149,3 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, mức tăng này chưa nói lên được điều gì cho cả năm 2016. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường lớn khác sẽ giảm dần trong năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ), rầu rĩ cho hay, mấy năm nay, nuôi cá tra không còn hấp dẫn nông dân trong vùng nữa. Phần vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, phần vì sau nhiều năm theo đuổi con cá, hàng nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh vỡ nợ, phải “cắm” nhà, “cắm” đất, cầm cố ngân hàng.

“Giá cá tra có nhích lên nhưng vẫn chưa vượt trên mức giá thành, nếu nông dân nuôi cá không khéo vẫn lỗ to. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu vẫn trì trệ, thị trường không mấy sáng sủa, lại thêm Mỹ siết chặt giám sát cá da trơn… Nông dân ngán lắm rồi” - ông Hải phân tích.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc tăng giá cá nguyên liệu hiện tại chưa đủ sức hấp dẫn đối với nông dân, người nuôi cá vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là đầu ra.

Bộ NNPTNT đánh giá, sản xuất cá tra hai tháng đầu năm nay vẫn chưa có dấu hiệu tích cực do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu thấp. Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL tháng 1.2016 ước đạt 75.000 tấn, giảm 7% so với cùng kỳ 2015.

Một số doanh nghiệp cho rằng, đang xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, đây là “chiêu trò” của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất. Điều quan trọng là sau khi nông dân tăng sản lượng, nhiều doanh nghiệp lại “lật kèo”, lấy lý do sản lượng tăng, dư thừa để ép giá nông dân. “Bà con muốn phát triển sản xuất, tăng hầm nuôi cá thì cũng phải xem xét đầu ra trước hết. Tốt nhất là nên có hợp đồng thu mua sản phẩm hoặc ký hợp tác nuôi cá gia công cho các doanh nghiệp, không thì rủi ro lắm” - ông Hải cảnh báo.

Lo ngại thị trường ngày càng khó

Cùng với tình cảnh chung của người nuôi cá, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nước cũng đang đối diện nhiều khó khăn khi tình hình tiêu thụ không mấy sáng sủa. Thêm vào đó, bắt đầu từ tháng 3 này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ triển khai chương trình giám sát cá da trơn nhập khẩu vào thị trường này.

Theo đánh giá, việc Mỹ siết chặt giám sát cá da trơn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam với kim ngạch hơn 340 triệu USD mỗi năm tại thị trường Mỹ. Để gấp rút hoàn thiện các yêu cầu phía Mỹ đưa ra, mới đây, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan, thống nhất tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra vào danh sách đăng ký với Cơ quan Thanh tra ATTP Mỹ (FSIS). Hiện tại, Nafiqad đã lập danh sách 45 doanh nghiệp, cơ sở đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cá tra vào Mỹ, hoàn thiện hồ sơ gửi cho FSIS.

Đại diện Nafiqad cũng cho biết, đơn vị này đang chờ phản hồi từ phía Mỹ về danh sách các đơn vị được xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Dự kiến, trong vòng vài ngày tới sẽ có kết quả chính thức.

Về phía Mỹ, để góp phần giải đáp những thắc mắc giữa hai bên, dự kiến Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phối hợp với Bộ Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo quốc tế về chương trình thanh tra cá da trơn tại TP.HCM trong tháng 4.2016. Đại diện 17 quốc gia đang xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ bị ảnh hưởng bởi Bộ quy định giám sát cá da trơn sẽ cùng tham dự.

Không chỉ tại Mỹ, hầu hết các thị trường lớn, xuất khẩu cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm, giá bán không tăng trong khi các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn.

Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến cuối năm 2015, trong top 8 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất thì có đến 6 thị trường giá trị xuất khẩu giảm, gồm Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil và Colombia. VASEP dự báo, trong năm 2016, xuất khẩu tiếp tục khó khăn tại hầu hết các thị trường lớn và thị trường tiềm năng khiến giá cá tra sẽ giảm tiếp hoặc bất ổn hơn so với năm 2015.


Lắng nghe ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vốn, bảo hiểm Lắng nghe ngư dân để tháo gỡ vướng… Gặp những người dám cướp cơm của Hà Bá Gặp những người dám cướp cơm của Hà…