Mô hình kinh tế Cá Vụ Ba Bước Chuyển Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Ở Nghệ An

Cá Vụ Ba Bước Chuyển Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Ở Nghệ An

Ngày đăng 16/10/2014

Cá Vụ Ba Bước Chuyển Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Ở Nghệ An

Trước tình trạng một số diện tích ruộng sản xuất kém hiệu quả hoặc không sản xuất trong vụ hè thu ở vùng thấp trũng, gần đây, người dân các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Diễn Châu, Yên Thành, Ðô Lương (Nghệ An) đã chuyển đổi sang nuôi cá vụ ba. Với hình thức chuyển đổi này, bước đầu đem lại hiệu quả tốt.

Tại xã Diễn Ðoài, huyện Diễn Châu, phong trào nuôi cá vụ ba được người dân quan tâm đầu tư phát triển trên các vùng đất lúa thấp trũng, thâm canh kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Trường, xóm 6, cho biết, gia đình ông chuyển đổi một héc-ta đất lúa sang nuôi cá, vụ năm 2013 đã cho năng suất hai tấn/ha, với giá bán 32 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu 64 triệu đồng, trừ chi phí còn 40 triệu lãi ròng, gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Khắc, xóm 12, cho biết: Gia đình ông chuyển 1,2 ha đất lúa sang nuôi cá vụ ba, sản lượng đạt 2,4 tấn/ha, tổng doanh thu 74 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 54 triệu đồng.

Tại huyện trung du miền núi Thanh Chương, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp, xã Thanh Liên, hay bà Nguyễn Thị Tịnh, xóm 10, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên chuyển đất lúa vụ hè thu sang nuôi cá vụ ba cũng đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Những ngày gần đây, tại các diện tích nuôi cá vụ ba, bà con nông dân huyện Hưng Nguyên đang khẩn trương thu hoạch cá để trả đất cho vụ xuân sắp tới. Thị trấn Ðô Lương đã chuyển đổi 45 ha đất lúa sang nuôi cá vụ ba đã giải quyết được tình trạng đất bỏ không vụ hè thu, tạo thêm công ăn việc làm, đem lại thu nhập cao cho người lao động.

Theo ông Lê Văn Hướng, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An), diện tích nuôi cá vụ ba năm 2013 trên địa bàn đạt 3.472/8 nghìn ha cá ruộng lúa, tập trung ở 10 huyện trung du miền núi và đồng bằng, nhưng chủ yếu ở một số huyện, thị xã như: Thanh Chương, Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Ðô Lương, Yên Thành...

Ðối tượng nuôi chủ yếu các loại cá truyền thống như cá chép, trôi, mè, trắm... Năng suất bình quân nuôi cá ruộng lúa đạt 0,95 tấn/ha, cá biệt ở huyện Diễn Châu đạt 1,2 tấn/ha.

Ưu điểm của nuôi cá vụ ba là nhân dân được tập huấn về kỹ thuật nuôi và chỉ đầu tư về giống, còn thức ăn chủ yếu là tự nhiên; làm sục bùn cho đất ruộng, hạn chế cỏ và các loại dịch bệnh phát triển... Sau thời gian từ hơn hai đến ba tháng nuôi, cá đạt kích cỡ từ 0,5 đến 1,5 kg/con là tiến hành thu hoạch để chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân.

Nuôi cá vụ ba đã tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, như: do ảnh hưởng của lụt bão; chưa quản lý tốt hiện tượng dùng kích điện đánh bắt cá trên đồng ruộng; cơ sở hạ tầng (bờ bao, cống, mương cấp thoát nước...) chưa được đầu tư; chủ yếu tiêu thụ nội địa thông qua các thương lái thu mua nhỏ lẻ và các chợ trong tỉnh, chưa có thị trường tiêu thụ số lượng lớn hay chế biến...

Do vậy thời gian tới, chính quyền các cấp cần chỉ đạo, đôn đốc ngành chức năng triển khai việc nuôi cá vụ ba có các biện pháp phòng, chống trong mùa mưa bão; tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo thành những thửa ruộng lớn hơn nhằm thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng công trình nuôi cũng như trong công tác quản lý và chăm sóc.

Ðối với người dân, các hộ trong vùng cần hợp tác trong việc quản lý bờ vùng, mương, cống để công tác cấp, thoát nước được thuận lợi, phòng tránh mưa lũ và thất thoát nước... Mặt khác, bà con nông dân Nghệ An cần sự hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ riêng về kỹ thuật mà còn cả sự hỗ trợ về con giống.


Cà Mau Khai Thác Sứa Biển Cà Mau Khai Thác Sứa Biển Bấp Bênh Thị Trường Tôm Thẻ Chân Trắng Bấp Bênh Thị Trường Tôm Thẻ Chân Trắng