Tin thủy sản Các biện pháp xử lý ao nuôi tôm có kết quả dương tính với bệnh

Các biện pháp xử lý ao nuôi tôm có kết quả dương tính với bệnh

Tác giả Quang Bình, ngày đăng 21/11/2019

Các biện pháp xử lý ao nuôi tôm có kết quả dương tính với bệnh

Theo thông tin mới nhất từ ngành chuyên môn, trong tuần cuối của tháng 10-2018, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng có 38ha tôm nuôi bị thiệt hại; lũy kế đến nay toàn tỉnh có trên 12.597ha tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại, gồm: 5.546,5ha tôm sú và 7.050,7ha tôm thẻ.

Mỹ Xuyên là một trong những địa phương có diện tích thả nuôi tôm nước lợ lớn thứ 2 của tỉnh, với trên 19.247,5ha

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, công tác giám sát dịch bệnh trên tôm luôn được đơn vị quan tâm thực hiện; đã thu mẫu tôm bị thiệt hại lũy kế đến nay được 65 mẫu, qua kết quả phân tích có 8 mẫu dương tính bệnh gan tụy, 15 mẫu dương tính bệnh đốm trắng (WSSV); 38 mẫu dương tính bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), 9 mẫu âm tính, còn lại 13 mẫu chưa có kết quả. Qua đó, ngành chuyên môn đã xác minh và cấp phát 4 tấn chlorin cho 18 hộ có tôm nuôi bị thiệt hại nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Để vụ tôm năm nay thắng lợi, đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra một số khuyến cáo đối với dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó, hiện nay theo kết quả quan trắc các yếu tố môi trường vùng nuôi của Chi cục Thủy sản thì các yếu tố môi trường ngoài tự nhiên như: độ mặn, độ kiềm, độ trong, ôxy… và thời tiết đã không còn thích hợp để nuôi tôm nước lợ, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, đồng thời đã hết lịch khung mùa vụ thả nuôi theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, khuyến cáo bà con không nên tiếp tục thả giống mới, tập trung quản lý diện tích tôm nuôi hiện tại trên đồng, cải tạo diện tích ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2019.

Để hạn chế những tác động bất lợi của điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa đột ngột xen kẽ nhau, làm cho môi trường ao nuôi dễ biến động (biến động nhiệt lớn, giảm độ kiềm, sụp tảo, khí độc bùng phát...) tôm dễ stress và dễ nhiễm bệnh, người nuôi cần ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm.

Đồng chí Đào Văn Bảy khuyến cáo: "Trong quá trình nuôi, bà con phải thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH thấp, sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng 10 - 15kg/1.000m3. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao rửa xuống ao khi mưa làm giảm pH và đục nước, người nuôi nên sử dụng vôi rải đều trên bờ ao. Vôi sẽ giúp trung hòa axit tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa. Khi có mưa, độ kiềm trong ao tụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp. Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi 80 - 160mg/l. Nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi dolomite liều lượng 20 - 30kg/1.000m3. Đối với những ao có mực nước thấp, chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,2 - 1,5m. Ngoài ra, tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt sẽ giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao. Giảm khoảng 20 - 30% lượng thức ăn khi trời mưa, bởi vì nhiệt độ thấp tôm sẽ giảm bắt mồi".

“Ngoài ra, trong quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra cống, bọng ao, quan sát biểu hiện hoạt động, bắt mồi của tôm, nhất là vào những ngày mưa to kéo dài, nhiệt độ thấp... đồng thời thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, thông tin cảnh báo dịch bệnh trên truyền hình, đài truyền thanh để chủ động trong sản xuất” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm.

Riêng đối với giải pháp phòng bệnh bệnh đốm trắng do virus thì tại các kênh cấp đầu nguồn có kết quả giám sát dịch bệnh trên tôm tự nhiên dương tính với bệnh đốm trắng (cầu Hòa Lý, kênh Thạnh Mỹ; bến phà Chăng Ré; cống Sáu Quế 1; cống Nophol), khuyến cáo không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi. Khi cấp nước vào ao nuôi, phải qua hệ thống ao lắng lọc, nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng. Nước cấp vào ao phải lọc qua lưới dày để tránh trứng và ấu trùng của giáp xác mang bệnh đốm trắng. Ao nuôi cần có hàng rào ngăn các loại giáp xác như: cua, còng... xâm nhập vào ao nuôi và phải có lưới ngăn chim.

Để hạn chế lây lan mầm bệnh giữa các ao, không nên sử dụng chung các lưới, chài, vợt... Trước khi sử dụng, các dụng cụ cần phải được ngâm trong dung dịch chlorine. Lựa chọn con giống đạt chất lượng, kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Lượng thức ăn cho tôm không được thừa, sử dụng thức ăn có chất lượng và bổ sung vitamin C, khoáng, beta-glucan... nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Thường xuyên kiểm tra màu sắc cơ thể tôm, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh. Khi các ao khác trong trại hoặc các hộ nuôi xung quanh xảy ra bệnh đốm trắng, người nuôi không nên cấp nước trực tiếp từ bên ngoài vào ao nuôi, tăng cường quản lý các yếu tố môi trường trong ao.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có xuất hiện bệnh báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất, các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng bệnh, kịp thời tránh lây lan trên diện rộng. Tôm bệnh nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch sau đó tiến hành khử trùng ao, công cụ, dụng cụ diệt giáp xác và ký chủ trung gian truyền bệnh; những người tham gia thu hoạch tôm phải được vệ sinh cá nhân, không làm phát tán mầm bệnh, không xả thải nước ao nuôi chưa xử lý ra môi trường bên ngoài. Tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì phải cách ly với những ao xung quanh đồng thời vớt toàn bộ tôm bị bệnh đưa vào hố để tiêu hủy.


Xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản trong mùa đông Xử lý môi trường và phòng trừ dịch… Những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tôm nuôi Những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tôm…