Các HTX Ở Nam Định Không Còn Mặn Mà Sản Xuất Lúa Lai F1
Sau hơn 15 năm triển khai sản xuất, mô hình lúa lai F1 đang có dấu hiệu chững lại. Lãnh đạo nhiều huyện, xã, đặc biệt các chủ nhiệm HTX không còn mặn mà với mô hình một thời là vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vậy nguyên nhân vì sao?
Năm 1992 khi còn là tỉnh Nam Hà, ngành nông nghiệp đã bắt tay vào sản xuất thử giống lúa lai F1 tại trại Bèo, huyện Bình Lục với qui mô 2 ha nhưng không thành công. Tới vụ xuân 1995, chuyên gia Trung Quốc sang giúp sản xuất 5 ha tại trại giống lúa Đồng Văn, năng suất đạt 27tạ/ha. Vụ mùa năm đó, tỉnh mở rộng lên 10 ha bằng tổ hợp lai Nhị ưu 63 tại trại Đồng Văn và HTX NN Minh Tân, huyện Vụ Bản. Năng suất vụ này đạt 17 tạ/ha.
Năm 2001 là thời kỳ "hoàng kim" về mặt diện tích khi mở rộng được 266 ha với sự tham gia của 43 HTX thuộc 10 huyện, thành phố và 1 trung tâm giống cây trồng. Tuy nhiên các năm sau đó diện tích ngày càng thụt giảm, năm 2006 chỉ còn 185 ha. Một năm sau chỉ có duy nhất HTX Việt Hùng, huyện Trực Ninh sản xuất với diện tích vẻn vẹn 3 ha. Cho tới vụ xuân năm nay không còn một HTX nào ở Nam Định tham gia làm lúa lai F1 nữa.
Xoay quanh câu chuyện về cây lúa lai F1, chủ nhiệm HTX NN Minh Tân Nguyễn Quốc Huy giãi bày: Chúng tôi là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình lúa lai F1 nhưng từ năm ngoái và cả năm nay không dám làm nữa!
- Tại sao lại không sản xuất?
- Nghỉ một vài năm xem tình hình chung của tỉnh như thế nào chứ sản xuất giống lúa lai thời điểm vừa qua vất vả lắm. Năm 2006 chúng tôi sản xuất được 11 tấn giống lúa lai, chật vật lắm mới bán hết mà giá chỉ có 12.000 đồng/kg trong khi giống Trung Quốc là 19.500 đồng/kg. Tính ra là hoà vốn vì giá thành sản xuất đã là 11.800 đồng/kg, đấy là chưa kể chi phí bao bì, đóng gói và vận chuyển tiêu thụ. Còn nhìn chung nhiều HTX trong huyện ứ đọng khá nhiều sản phẩm, chỉ còn cách cho vào kho lạnh bảo quản nhưng chắc chắn vụ sau đem ra sử dụng tỷ lệ nảy mầm sẽ kém.
Cùng chung suy nghĩ với anh Huy, chủ nhiệm HTX NN Trung Thành, huyện Vụ Bản Nguyễn Phú Long chia sẻ thêm: Tâm lý chung của nông dân rất sính ngoại cho dù chất lượng giống nội không thua kém, giá bán lại thấp hơn nhiều. HTX chúng tôi khốn đốn vì sản xuất ra không tiêu thụ được. Năm 2006 mặc dù bán ra với giá cạnh tranh là 12.000 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn còn ứ đọng 1,4 tấn. Làm giống mà không tiêu thụ được thì chỉ còn cách bỏ thôi!
Ở các huyện phía nam tỉnh Nam Định tình trạng ế thừa giống lúa lai F1 cũng xảy ra trong các năm gần đây. Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Nam Trực Vũ Văn Thắng cho hay: Địa phương bắt đầu làm lúa lai F1 từ năm 1996, năm 2003 diện tích lên tới 31,5 ha. Tới năm 2006, cả huyện sản xuất được 76,4 tấn nhưng ế đọng tới 14 tấn buộc phải mang vào tận Thanh Hoá để gửi kho lạnh bảo quản. Từ đó đến nay nhiều HTX không dám nghĩ đến việc sản xuất giống F1 nữa!
Như vậy, nguyên nhân làm sụt giảm nhanh chóng diện tích lúa lai F1 ở tỉnh Nam Định chính là ách tắc ở khâu tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo huyện Trực Ninh bày tỏ quan điểm: Làm lúa lai F1 thời gian qua chạy theo phong trào nên không hiệu quả. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy, thay đổi quan điểm sản xuất, không thể ép buộc các HTX triển khai để lấy thành tích mà phải nhìn vào nhu cầu thực tế của từng địa phương. Việc hỗ trợ của tỉnh chỉ nên dừng lại ở những năm đầu sản xuất, sau đó để các HTX tự vận động để tồn tại. Phó chủ nhiệm HTX NN Cốc Thành Bùi Huy Đính thì cho rằng: Làm giống mà phải kinh doanh không ai muốn làm vì bản thân HTX không có chức năng sản xuất giống.
Năm 2005-2006 vừa qua chúng tôi dư thừa khoảng 1 tấn giống mặc dù chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm nguồn tiêu thụ. Đã đến lúc phải thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết cung ứng giống lúa lai sản xuất ra cho các địa phương.
Một nguyên nhân làm phong trào sản xuất hạt lai F1 đi xuống, đó là việc ngành nông nghiệp Nam Định chủ yếu lựa chọn tổ hợp lúa lai Bác ưu đưa vào sản xuất giống cung cấp cho vụ mùa. Trong thời gian dài triển khai giống đã bộc lộ nhiều nhược điểm như bạc lá nặng về cuối vụ, thời gian sinh trưởng dài ngày không phù hợp quỹ thời gian để các địa phương làm vụ đông. Ngoài ra, qui trình sản xuất rất phức tạp bao gồm phải qui vùng sản xuất tập trung ít nhất 3 ha, đảm bảo độ cách ly an toàn, tưới tiêu thuận lợi. Không những thế, trong khâu gạt phấn và thu hoạch nếu gặp trời mưa thì coi như cầm chắc thất bại!
Đặt câu hỏi với Giám đốc trung tâm khuyến nông Nam Định Đào Viết Tâm: "Phải chăng việc sản xuất lúa lai F1 của tỉnh đã đến điểm dừng?". Ông cho biết: "Chúng tôi đã nhìn thấy những nhược điểm cố hữu trong quá trình sản xuất giống lúa lai thời gian vừa qua, và cho tới giờ vẫn phải khẳng định rằng tỉnh Nam Định không từ bỏ việc phát triển mô hình này. Sở dĩ ba năm lại đây phong trào không sôi động như những năm trước vì đây là giai đoạn Nam Định đang tìm tòi và phát triển giống lúa lai mới thay thế tổ hợp lúa lai Bác ưu bộc lộ nhiều nhược điểm trong quá trình canh tác.
Đến thời điểm này, tỉnh xác định các giống lúa cấy chân vàn hiệu quả là lúa lai hai dòng TH 3-3, Phú ưu 4 hay như giống HYT100, HYT102. Ở chân vàn trũng là các giống B-TE1, Bác ưu 25. Các giống này nhiễm bạc lá nhẹ, năng suất ổn định, chất lượng gạo ngon, đặc biệt thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với chủ trương mở rộng diện tích làm vụ đông của các địa phương. "Chủ trương chung trong sản xuất hạt lai F1 thời gian tới là không ép buộc các huyện, xã phải sản xuất bằng mọi giá mà làm theo nhu cầu thực tế ở từng đơn vị trên cơ sở sản xuất phải gắn với tiêu thụ "- ông Tâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ