Các mô hình sả̉n xuất nông nghiệ̣p có hiệu quả
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2017 và hướng đến năm 2020 vừa diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Việc phát triển các mô hình giúp sắp xếp lại hoạt động sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững; đồng thời, giúp phát triển sinh kế cho người dân ở nông thôn, sống chủ yếu nhờ vào làm nông nghiệp.
Thu hoạch xoài trên đất giồng cát ven biển. Ảnh: Mỹ An
Ở lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam; sản lượng bình quân 1,9 tấn/ha. Riêng ở huyện Thạnh Phú có mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa, với quy mô 20ha, sản lượng tôm bình quân 600kg/ha, sản lượng lúa 4,7 tấn/ha. Mô hình nuôi cá sặt rằn thương phẩm được thực hiện ở huyện Mỏ Cày Bắc, Ba Tri; sản lượng bình quân 16 tấn/ha. Mô hình sản xuất giống lươn đồng bán nhân tạo được thực hiện ở huyện Ba Tri, Châu Thành với quy mô 400m2, đã tạo ra 70 ngàn lươn giống cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Các mô hình trồng trọt như vườn dừa xen cây có múi kiểu mẫu, thực hiện tại xã Thạnh Ngãi (Mỏ Cày Bắc), Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre), Lương Hòa (Giồng Trôm). Trên địa bàn huyện Ba Tri đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ và mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình rau ăn lá từ 500 - 700kg/1.000m2/vụ; rau ăn quả từ 700 - 900kg/1.000m2/vụ. Mô hình thâm canh tổng hợp nhãn Ido ở xã Long Hòa (Bình Đại); lợi nhuận đạt 240 triệu đồng/ha, cao hơn nhãn tiêu da bò trên 200 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, các mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn, mặn ở huyện Châu Thành; nâng cao năng suất, chất lượng xoài trên đất giồng cát ven biển theo hướng hữu cơ sinh học ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Hay ở huyện Ba Tri, nhiều nông dân đã nhân rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, với diện tích chuyển đổi khoảng 200ha…
Trong chăn nuôi có các mô hình như chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu, tại các xã Thành An (Mỏ Cày Bắc), Đại Điền (Thạnh Phú), Thuận Điền (Giồng Trôm)… Một trong những mô hình được nhân rộng phổ biến nhất hiện nay là sản xuất giống gà tàu lai nòi có nguồn gốc tại địa phương, đã được thực hiện tại xã Thạnh Ngãi, Tân Trung.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá sản lượng, năng suất bình quân của các mô hình mới tăng bình quân 15% so với sản xuất truyền thống. Tỷ suất lợi nhuận tăng 40 - 60%. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, tận dụng công lao động nhàn rỗi tại địa phương, thân thiện với môi trường, giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận.
Cùng với việc chủ động nhân rộng các mô hình có hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững cho người dân nông thôn là cần đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cơ chế chính sách, thị trường và tài chính. Theo ông Huỳnh Quang Đức, người dân cần lưu ý không ngừng học tập, nhận và chuyển giao các quy trình, tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ hợp tác với viện, trường đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, đào tạo cán bộ nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp và hỗ trợ nông dân trong quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho nông nghiệp về hạ tầng, chính sách, ưu đãi về thuế, lãi suất, về thu hút đầu tư kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ