Mô hình kinh tế Các Nước Sản Xuất Cao Su Có Thể Cùng Hạn Chế Xuất Khẩu Để Tăng Giá

Các Nước Sản Xuất Cao Su Có Thể Cùng Hạn Chế Xuất Khẩu Để Tăng Giá

Ngày đăng 15/11/2014

Các Nước Sản Xuất Cao Su Có Thể Cùng Hạn Chế Xuất Khẩu Để Tăng Giá

Thị trường cao su vẫn đang chịu áp lực giảm giá, nhiều nông dân ở châu Á đang bỏ không thu hoạch mủ hoặc thậm chí có ý định bỏ nghề.

Các nước sản xuất cao su châu Á tuần tới sẽ nhóm họp để tìm thêm giải pháp đẩy giá tăng, có thể sẽ cùng hạn chế cung cấp ra thị trường thế giới.

Hiện giá cao su đang quanh mức thấp nhất 5 năm. Hợp đồng kỳ hạn tham khảo trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đã chạm mức thấp nhất 5 năm là 173,8 yen/kg hồi đầu tháng 10, và từ đó đến nay chỉ hồi phục nhẹ, hiện ở mức 206 yen (1,78 USD)/kg, vẫn thấp hơn 25% so với hồ đầu năm.

Tháng trước, các hiệp hội cao su từ Thái Lan tới Campuchia đã thúc giục các thành viên của mình không bán cao su dưới mức giá tối thiểu 1,5 USD/kg và nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan sau đó đã thông qua kế hoạch trợ cấp 58 tỷ baht (1,8 tỷ USD0 để hỗ trợ người trồng cao su.

Sau đó giá cao su thế giới hồi phục khỏi mức thấp chưa từng có kể từ 2009, song thị trường vẫn đang chịu áp lực giảm giá, và nhiều nông dân ở châu Á đang bỏ không thu hoạch mủ hoặc thậm chí có ý định bỏ nghề.

Ngày 20/11 sắp tới các bộ trưởng của của Thái Lan, Malaysia và Indonesia (Công ty Cao su Quốc tế - IRCo) sẽ nhóm họp. Các lãnh đạo trong ngành cao su của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng tham dự. Những quốc gia này chiếm 77% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.

Theo nguồn tin trong ngành, “Cuộc họp sẽ bàn những biện pháp tối ưu cho những nước sản xuất cao su để ổn định giá”, và “nhiều khả năng là giảm cung ra thị trường thế giới, giảm cung trên thị trường nội địa hoặc tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước”.

Trong năm 2012-13, IRCo đã nhất trí giảm xuất khẩu 300.000 tấn tương đương 3% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, động thái đó cũng chỉ hỗ trợ giá trong ngắn hạn.

Yium Tavarolit, chủ tịch IRCo cho biết cuộc họp lần này sẽ thảo luận các biện pháp ngăn ngừa biến động giá cũng như “khả năng hợp tác” giữa các nước sản xuất để giữ giá cao su thiên nhiên đạt mức hợp lý. Ông nói: “Trên thực tế các nước sản xuất cao su đã có một số hợp tác và đồng thuận mặc dù chưa biến thành hành động – điều có thể tác động tích cực lên thị trường”.

Trong bối cảnh giá cao su thấp khiến nhiều nông dân chán nản như hiện nay, nhiều nhà kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng của ngành này.

Tại Hội thảo Cao su Toàn cầu diễn ra ở Colombo, Sri Lanka mới đây, chuyên gia phân tích cao su Prachaya Jumpasut nhận định xu hướng giá cao su thiên nhiên sụt giảm gần đây chắc chắn sắp kết thúc, với lý do hiện đang là mức đáy và thị trường châu Á – Thái Bình Dương cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng. Ông cho biết sản lượng cao su thiên nhiên đã bắt đầu chậm lại do giá giảm, và lượng tồn trữ sẽ không cao như dự kiến.

Mới đây, Tổng giám đốc Ủy ban Cao su Malaysia Datuk Salmiah Ahmad cũng đưa ra nhận định rằng nhu cầu cao su thiên nhiên năm 2015 sẽ vượt cung. Bà Salmiah cho biết, khi giá cao su xuống thấp, nhiều nông dân đã ngừng khai thác mủ. Nhưng trong vài tháng tới, nguồn cung cao su thiên nhiên sẽ giảm, thời tiết ẩm ướt và nhu cầu toàn cầu ổn định có thể đẩy giá lên.

Nguồn bài viết: http://cafef.vn/nong-thuy-san/cac-nuoc-san-xuat-cao-su-co-the-cung-han-che-xuat-khau-de-tang-gia-201411141708087175ca52.chn


Thái Lan Lỗ Bao Nhiêu Trong Toàn Bộ Chương Trình Trợ Giá Gạo? Thái Lan Lỗ Bao Nhiêu Trong Toàn Bộ… Ngư Dân Vay Gần 17 Tỷ Đồng Để Đánh Bắt Xa Bờ Ngư Dân Vay Gần 17 Tỷ Đồng Để…