Tin thủy sản Các phương pháp vận chuyển thủy sản sống

Các phương pháp vận chuyển thủy sản sống

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 04/01/2021

Các phương pháp vận chuyển thủy sản sống

Lựa chọn phương pháp vận chuyển thích hợp để đảm bảo sức khỏe thủy sản, tăng tỷ lệ sống, đồng thời giảm thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Vận chuyển kín

Phương pháp này dùng các túi polyetylen có độ dày 0,1 mm, thường được lồng 2 – 3 túi với nhau tùy theo kích thước cá và theo loài để đề phòng mất nước hoặc mất ôxy khi túi thủng. Đối với cá lớn có vây sắc đòi hỏi nhiều túi hơn. Túi chứa 20 – 40% nước và 60 – 80% khí ôxy, nước đủ để che phủ cá khi chúng nghỉ ngơi.

Trước tiên, túi cần được tráng sạch bằng nước để loại bỏ các tạp chất trong quá trình sản xuất túi. Sau đó, cho nước sạch vào túi, tiếp đến đưa thủy sản vào và tiến hành bơm ôxy. Nước để vận chuyển thủy sản cần đảm bảo sạch, không chứa các chất gây ô nhiễm: H2S, NH3, CO2,… Ôxy được đưa vào túi thông qua các ống dẫn khí. Đối với cá bột, cá hương thì ôxy được đưa vào phần trên của nước. Đối với cá lớn thì ôxy được sục vào nước. Các túi được buộc bằng dây cao su, sau đó lồng trong các bao dứa hoặc thùng xốp. 

Trường hợp vận chuyển trong thời tiết nóng thì cần đặt các túi đá bên cạnh bao túi hoặc thùng xốp nhằm hạ nhiệt độ trong quá trình vận chuyển. Không nên bỏ trực tiếp đá trong túi cá vì cá sẽ tránh xa tảng đá làm mất diện tích trong túi, mặc dù biện pháp này sẽ giữ lạnh hiệu quả hơn.

Vận chuyển hở

Với hình thức này, thủy sản được giữ trong các bể, thùng, xô có sục khí hoặc sục ôxy. Các dụng cụ vận chuyển là ô tô, xe máy, tàu, thuyền. Thể tích các bể, xô hoặc thùng từ 200 – 3.000 lít, tùy thuộc vào phương tiện vận chuyển. Bể, xô hoặc thùng vận chuyển thường có hình chữ nhật hoặc hình vuông, đôi khi có hình ô van hoặc hình tròn. Chúng được làm bằng khung sắt hoặc nhôm, gỗ, inox hoặc bằng nhựa và thường được lót bạt đảm bảo không thấm nước bên trong. Trong quá trình vận chuyển thường dùng các xe lạnh hoặc dùng đá để điều tiết nhiệt độ nước và dùng các bơm khí hoặc bơm ôxy để cung cấp ôxy cho thủy sản. Trong trường hợp vận chuyển đường dài cần thay hoặc lọc nước để loại bỏ chất thải. Mật độ chứa tối đa trong quá trình vận chuyển phụ thuộc loài, kích cỡ, nhiệt độ, thời gian và chất lượng nước.

Vận chuyển ẩm

Phương pháp này thường được dùng vận chuyển động vật thân mềm, giáp xác, một số loài cá có cơ quan hô hấp phụ hoặc vận chuyển cá biển thông qua hình thức ngủ đông, vận chuyển trứng cá đã thụ tinh… Ở hình thức này, thường sử dụng các thùng thùng xốp cách nhiệt và giữ ẩm hoặc rổ, khay thoáng có lỗ thông. Yêu cầu dụng cụ vận chuyển giữ ẩm và thoáng, tránh xếp các lớp thủy sản quá dày lên nhau. Đối với ếch, ba ba, để tránh hao hụt khi vận chuyển nên cho mỗi con vào một túi lưới, hoặc túi vải mềm mịn, buộc tách riêng thành một chuỗi khoảng 10 – 12 con và xếp vào dụng cụ chứa.

Gây mê cá

Cá thường có phản ứng mạnh khi bị vận chuyển. Gây mê là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tổn thương cho cá trong quá trình vận chuyển. Trước khi sử dụng hóa chất để vận chuyển cá cần tính toán nồng độ thuốc cho phù hợp vì liều sử dụng để vận chuyển và liều gây chết rất gần nhau.

Ngoài việc dùng hóa chất gây mê, ngủ cho cá trong quá trình vận chuyển người ta còn sử dụng hóa chất gây mê, ngủ cho cá trong quá trình chọn lọc, tiêm vaccine, tiêm thuốc kích dục tố. Hết thời gian vận chuyển đưa cá ra nước sạch để cá hồi tỉnh lại.

Thuốc gây mê lý tưởng để sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu như không độc với thủy sản và người sử dụng, an toàn với môi trường, tác dụng gây mê nhanh. Chất gây mê phải chuyển hóa hoặc bài tiết nhanh, thời gian phân hủy ngắn, không để tồn dư hoặc tồn dư không đáng kể trong các mô của cơ thể. Dựa vào các tiêu chí nêu trên, hiện nay tại Mỹ và các nước châu Âu chỉ cho phép sử dụng duy nhất loại thuốc Tricaine methanesulphonate (còn có các tên gọi khác như Metacaine, Tricaine, MS 222, Finquel, TMS) để gây mê cho cá dùng làm thực phẩm cho người. Đây là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới với độ an toàn cao cho nhiều loài cá và tôm.


Vai trò của dầu nhuyễn thể trên tôm hậu ấu trùng Vai trò của dầu nhuyễn thể trên tôm… Giải pháp giảm chi phí thức ăn trong nuôi cá Giải pháp giảm chi phí thức ăn trong…