Mô hình kinh tế Cách Làm Ăn Từ Rồng Sắn Dây
Mô hình kinh tế Cách Làm Ăn Từ Rồng Sắn Dây

Cách Làm Ăn Từ Rồng Sắn Dây

Ngày đăng 22/02/2014

Cách Làm Ăn Từ Rồng Sắn Dây

Vào dịp cuối năm, ta thường gặp bà con ở rất nhiều nơi tiến hành thu hoạch sắn dây.

Rất dễ nhận ra hoạt động này vì nó thường huy động cả nhà tham gia: Người đi đào củ, kẻ cạo vỏ, người xát củ, kẻ lọc lấy bột... khắp nhà bày la liệt chậu, vại, thúng mủng... Những mẻ bột trắng tinh làm sáng mắt mọi người. Bao giờ cũng vậy, sau khi thu hoạch là mọi người lại nghĩ ngay tới việc trồng tiếp sắn dây để sang năm, cả nhà lại bận rộn...

Sắn dây là một loại cây dây leo. Nó có thể sống lâu năm. Nó thường leo lên để chiếm lĩnh đỉnh cao. Khi mọc cạnh một cây cao, nó sẽ leo lên tới tận ngọn của cây đó. Ta thường thấy, nó bám vào các dây thu lôi rồi leo lên tận mái nhà. Nó có thể dài tới hơn 10m. Lá kép, mọc so le.

Bà con mình thường thu lấy lá đó để nuôi thỏ. Sắn dây là cây thuộc họ đậu, lá nó giống với lá của cây đậu ván, đậu đũa, có 3 lá chét. Hoa mọc thành từng chùm ở kẽ lá. Hoa màu xanh tím và có mùi thơm. Ong, bướm thường lui tới. Quả dẹt màu vàng, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt. Tuy nhiên, không ai trồng sắn dây từ hạt mà thường trồng bằng hom thân.

Tác dụng rõ rệt nhất của sắn dây là làm mát cơ thể, hạ huyết, chữa cảm sốt, nhức đầu. Những người hay bị rôm sẩy, mụn nhọt rất nên dùng. Đặc biệt, những ai bị nhiệt và mọc mụn trong miệng, chỉ cần uống 2 cốc sắn dây là hết ngay. Vì vậy, vào mùa hè, ở các quầy giải khát thường có bán nước sắn dây.

Nó xếp vào loại nguyên liệu đắt nhất. Do đó, rất nhiều nhà đã mở rộng diện tích trồng sắn dây và coi đó là một nguồn thu kha khá cho gia đình. Ở Nam Đàn (Nghệ An), Kim Thành (Hải Dương) và nhiều nơi khác, bà con trồng rất nhiều. Có nhà trồng tới vài mẫu. Bây giờ đã có máy xát nên việc thu hoạch không mấy khó khăn. Mặt khác, việc trồng sắn dây tốn ít công, không phải chăm sóc nhiều mà lại cho thu hoạch đáng kể.

Ta không nên bỏ qua đối tượng này. Nếu không trồng để kinh doanh thì cũng nên trồng lấy vài hốc để cho gia đình dùng. Còn như, nếu có điều kiện đất đai, đặc biệt ở những chỗ còn thừa bờ bụi, những khoảng đất trống, gò, đồi... thì ta rất nên đưa sắn dây vào trồng. Công việc khó nhọc nhất là đào hố. Ta nên đào hố sâu và rộng. Bình thường cũng phải sâu 60-70cm và rộng 40-50cm.

Tuy nhiên, phải chọn chỗ đất cao, không bị ứ nước. Đất càng tơi xốp thì càng tốt. Nó là cây lấy củ nên ta phải bón lót là chính. Phải chuẩn bị sẵn phân hữu cơ hoai mục, trộn thêm tro bếp để bón lót. Cũng có chỗ đất thấp, bà con đắp ụ lên để trồng sắn dây vào đó. Mỗi ụ có khi tới cả khối đất.

Sau khi thu hoạch củ, ta cắt thân thành từng đoạn dài 60-70cm quấn thành từng khoanh và giâm vào các hố đó, lấp đất dày 5-7cm, nén chặt, phủ rơm và tưới ẩm cho cây mọc. Khi cây lên, dùng nước phân chuồng pha loãng để thúc cây làm giàn bằng tre hoặc dây thép để cho nó leo. Chỉ có thế là sang năm lại được thu rồi. Vì vậy, mọi nhà nhớ trồng sắn dây.


Vườn Bưởi Tiền Tỷ Ở Xã Cù Lao Bạch Đằng Vườn Bưởi Tiền Tỷ Ở Xã Cù Lao… Trồng Điều Thân Thiện Với Môi Trường Trồng Điều Thân Thiện Với Môi Trường