Tin nông nghiệp Cách làm giàu từ chăn nuôi do Bill Gates khuyến cáo

Cách làm giàu từ chăn nuôi do Bill Gates khuyến cáo

Tác giả Tổng hợp, ngày đăng 04/04/2018

Cách làm giàu từ chăn nuôi do Bill Gates khuyến cáo

Sáng lập gia của hãng Microsoft, tỷ phú hàng đầu thế giới Bill Gates với khối tài sản lên tới 92,1 tỷ USD đặt ra giả định rằng nếu một ngày phải sống dưới 2 USD thì ông sẽ nuôi gà để thoát nghèo.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Sống dưới 2 USD mỗi ngày ấy là chuẩn của mức nghèo và cùng cực, hiện trên thế giới có gần 1 tỷ người như vậy. Vị tỷ phú nổi tiếng tin rằng nuôi gà có thể giúp cho gần 1 tỷ người này thoát nghèo.

Ông lập luận gà và trứng là nguồn dinh dưỡng quan trọng với các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đồng thời cũng là loại thực phẩm có nhu cầu cao ở mọi vùng miền nên có thể tiêu thụ sản phẩm một cách khá dễ dàng. Với giá trung bình của một con gà được 5 USD, bán một vài con là người dân có thể đủ để sinh hoạt hằng ngày hay phòng thân trong những trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, vị tỷ phú chỉ chuyên kiếm tiền từ lĩnh vực tin học không hề biết những ngóc ngách của nghề nuôi gia cầm vốn rủi ro khá cao.

Thứ nhất là tiêu tốn nhiều tiền cho thức ăn. Khác với các gia súc như trâu, bò, dê, cừu hay nhiều loại thủy sản ăn cỏ, ăn lá nếu không có tiền mua thức ăn thì người dân đi kiếm cỏ, lá cây cho ăn, nuôi gia cầm ở nhiều thời điểm thị trường xuống thấp sẽ là “Một tiền gà ba tiền thóc”.

Không chỉ có thế, gia cầm còn có thể dễ dàng bị mắc những bệnh truyền nhiễm gây chết một cách rất nhanh chóng. Bởi vậy, muốn thành công từ vật nuôi mà Bill Gates khuyến cáo, ngoài nhanh nhạy về thị trường còn phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

1. Quy định về việc cách ly

Người và phương tiện nếu không có nhiệm vụ không được vào khu chuồng trại chăn nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân vào làm việc trong khu chuồng nuôi phải tắm gội, thay quần áo bảo hộ đã được giặt sạch và xông khử trùng. Tất cả mọi người đều phải đi ủng qua hố sát trùng trước khi vào chuồng nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân không được đi từ khu chuồng này sang khu chuồng khác khi chưa tắm gội thay bảo hộ mới hoặc sát trùng. Chuồng trại chăn nuôi gà cần được xây dựng biệt lập cách xa khu dân cư, nhà kho, trạm ấp trứng… và xử lý phân phải cách xa chuồng nuôi và phải ở cuối hướng gió, xa nguồn nước.

Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, cổng ra vào có hố sát trùng, có nhà tắm thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu chăn nuôi. Xe chuyên chở dụng cụ chăn nuôi, xe chở thức ăn và nguyên liệu thức ăn từ bên ngoài vào phải được phun thuốc sát trùng bên ngoài và bên trong toàn bộ phương tiện trước khi vào khu chăn nuôi.

2. Vệ sinh khử trùng và để trống chuồng

Vệ sinh khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi là rất cần thiết để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn giống, làm giảm sự lây nhiễm chéo và khả năng phát sinh bệnh tật, giúp tăng năng suất. Chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Khi kết thúc một chu kỳ nuôi, để đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng cho đàn được nuôi tiếp theo cần phải thực hiện những bước sau đây:

- Phun sát trùng bằng dung dịch thuốc sát trùng lên chất độn chuồng, khu vực xung quanh chuồng và dụng cụ chăn nuôi ngay sau khi chuyển hoặc loại thải đàn.

- Đưa toàn bộ dụng cụ chăn nuôi máng ăn, máng uống, ổ đẻ và các vật dụng khác ra ngoài và được xử lý ngâm trong dung dịch chất tẩy rửa sạch vài giờ, cọ rửa tráng nước sạch và để ráo trước khi cho vào kho.

- Chuyển toàn bộ chất độn chuồng ra ngoài khu chứa phân để xử lý theo quy định.

- Vệ sinh phun rửa toàn bộ nền, tường, trần nhà bằng vòi phun cao áp. Sát trùng bằng nước nóng hoặc dung dịch thuốc sát trùng với nồng độ phù hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Thực hiện chương trình diệt chuột, côn trùng theo kế hoạch bên trong và bên ngoài khu chuồng nuôi.

- Vệ sinh xung quanh chuồng nuôi, dọn cỏ, phát quang cây cối bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, hành lang, rắc vôi bột định kỳ. Phun khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Thời gian để chống chuồng tối thiểu 2 - 3 tuần sau khi hoàn tất các bước trên mới đưa đàn gà khác vào nuôi.

3. Vệ sinh thú y trước mỗi đợt nuôi

Trước khi nuôi gà phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng (có thể dùng: formol 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%...) quét vôi tường, nền và hành lang chuồng nuôi. Để khô và phun thuốc sát trùng trước khi thả gà vào nuôi 1 ngày. Phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (Sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) mới đưa gà vào nuôi.

Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quay… phải được rửa lại, phun thuốc sát trùng và phơi nắng. Chất độn chuồng phải khô, không mốc được phun hoặc xông sát trùng bằng thuốc tím và formol.

Chuẩn bị quây úm: Rải chất độn chuồng, bật thiết bị sưởi, đặt máng ăn, máng uống có nước ấm ở trong quay trước khi thả đàn mới nở vào nuôi. Xung quanh chuồng cần chuẩn bị hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông thuốc tím và formol trước khi đưa vào sử dụng.

Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố hoặc khay đựng thuốc sát trùng như Crezin 3%, formol 2% hoặc vôi bột để sát trùng phương tiện trước khi vào chuồng nuôi.

Phát quang cây cối xung quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi.

4. Vệ sinh thú y

Nước cho gà uống phải là nước sạch, không cho uống nước ao hồ chưa qua lọc. Không được cho gà ăn những thức ăn ôi mốc, không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật, nấm mốc, kim loại nặng. Làm sạch máng ăn trước khi cho gà ăn.

Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi và các khu vực xung quanh. Thường xuyên quét mạng nhện, bụi bẩn bám vào chuồng nuôi. Có kế hoạch diệt chuột, côn trùng ở khu vực chăn nuôi, làm cỏ, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào cho đàn gia cầm.

Định kỳ dọn phân và bổ sung chất độn mới, nếu chuồng trại ẩm ướt thì phải dọn phân ngay, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo. Cuốc đất, phun sát trùng, rắc vôi các khu vực xung quanh trại định kỳ 2 - 3 tháng 1 lần.

Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, vật nuôi sẽ đạt được năng suất đúng bản chất của giống, giảm chi phí sản xuất, đồng thời cũng giảm thiểu những rủi ro dịch bệnh, hạn chế việc lây lan bệnh từ vùng này sang vùng khác, từ trại này sang trại khác và cuối cùng là tạo ra được những sản phẩm từ chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.

5. Kiểm tra sức khỏe đàn gà

Thường xuyên kiểm tra đàn gà vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân dưới nền chuồng, tình trạng ăn uống. Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Thực hiện nghiêm túc lịch phòng bệnh bằng vaccine cho đàn gà. Phải có sổ ghi chép đầy đủ về đầu con, thức ăn, các loại thuốc và vaccine đã sử dụng, thời gian, ngày, giờ sử dụng các loại vaccine.

6. Xử lý gia cầm ốm, chết

Nếu có gà bị ốm, chết không được bán hoặc ăn thịt mà phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở. Khi chôn gà chết phải vùi sâu, trước khi lấp đất phải rắc vôi bột lên trên. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này, không được sử dụng thức ăn thừa của những đàn gà bị bệnh cho đàn gà khác.


An Giang phát triển nuôi gia cầm an toàn hiệu quả An Giang phát triển nuôi gia cầm an… Trồng cải thảo dược từ hỗ trợ của JICA, nông dân Quỳnh Lưu thu khá Trồng cải thảo dược từ hỗ trợ của…