Cách làm trại thỏ đơn giản và đúng kỹ thuật
Hình thức một cái trại cũng chẳng khác gì mấy so với một cái nhà, như nhà chúng ta đang ở. Làm trại cũng phải có nền, có mái và cũng có vách dùng chung quanh, dù sơ sài.
Có điều các kiểu cách của các bộ phận vừa nói của trại, tuỳ vào nhu cầu sử dụng mà có chỗ khác nhau. Ví dụ khi nói đến mái nhà thì thường là hai mái trước sau, nhưng với trại thì chỉ lợp một mái. Cũng như nói đến vách nhà thì xung quanh phải kín đáo để tránh mưa tạt gió lùa, lại ngăn ngừa trộm cắp, nhưng với trại thì chỉ dựng vách sơ sài, mục đích là để thông thoáng bên trong. Còn nền trại có thể đổ dốc về một phía hay trổ nhiều mương rãnh chằng chịt bên trong để nước rửa chuồng được thoát hết ra ngoài dễ dàng.
Mô hình chuồng trại nuôi thỏ cơ bản
+ Nền trại:
Do thỏ thích sống nơi khô ráo, không ẩm ướt nên nền chuồng cần phải đắp cao để tránh ngập úng. Nền nên tráng xi măng hay lót gạch tàu để dễ quét dọn, xịt rửa làm vệ sinh hằng ngày khu vực nuôi thỏ. Nền cần phải có độ dốc cần thiết nhờ đó mà nước rủa chuồng mới trôi dồn hết về sau, nơi đã có mương rãnh thoát nước ra xa hữu hiệu.
Nếu nền chuồng bằng phẳng thì phía sau các dãy chuồng nên đào những mương rãnh để nước tiểu của thỏ cũng như nước rửa chuồng theo đó mà thoát ra hết mương chính phía sau.
Dù bằng cách nào, sau khi quết rửa, nền chuồng không còn nước bẩn tù đọng để mau khô ráo mới đạt yêu cầu.
+ Mái trại:
Để giúp cho môi trường sống bên trong của đàn thỏ cả ngày được thông thoáng, mát mẻ, mái trại dù lợp bằng thứ vật liệu gì cũng nên cất cao lên, cách mặt nền từ 3m trở lên mới tốt. Mái có thể lợp bằng tranh, lá dừa nước, hay tôn, ngói. Tốt nhất, nên lợp ngói hay tôn lạnh vì sử dụng được lâu năm và … ít có nguy cơ bị cháy.
Mái trại có thể làm một mái, miễn sao có đủ độ dốc cần thiết và lợp kỹ để tránh dột.
+ Vách trại:
Chung quanh trại thỏ vẫn cần phải dừng vách để che gió lạnh, mưa tạt, đồng thời ngăn ngừa sự cố tình xâm nhập của nhiều kẻ thù nguy hiểm của thỏ như chó mèo, chuột bọ … vách có thể xây bằng gạch hay đóng bằng tôn, ván hoặc tre nứa. Làm vách bằng vật liệu gì thì còn tuỳ vào túi tiền của bà con nông dân. Có điều xây vách gạch tuy có tốn kém nhiều nhưng sử dụng được lâu năm, và nhất là hợp vệ sinh, xịt rửa đến đâu là những chất dơ bị trôi tuột hết, mà các giống vi trùng, vi khuẩn cũng không có chỗ để ẩn núp gây bệnh cho thỏ.
Vách chỉ cần cao khỏi mặt nền khoảng 1.20m đến 1.50m mà thôi, chừa phần còn trống bên trên đóng bằng lưới kẽm mắt nhỏ vừa tạo sự thông thoáng, vừa ngăn chặn kẻ thù sát hại thỏ con từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong.
Trong mùa mưa bão và mùa đông lạnh giá (với các vùng khí hậu miền Bắc), bên ngoài phần vách đóng lưới kẽm này ta phải treo kín rèm sáo hay bạt nylong, nhờ đó mà thỏ được sống ấm áp. Chỉ lúc thời tiết bên ngoài ấm áp, khô tạnh thì mới cuốn cao rèm sáo lên.
+ Khai thông mương rãnh: Quanh khu vực chuồng trại nuôi thỏ cần tạo hệ thống mương rãnh thoát nước tốt để nước bẩn thải ra trong khu vực chăn nuôi có lối thoát hết đến hố chứa cách xa khu vực chuồng trại, như vậy mới hợp vệ sinh.
Loại nước thải này dùng để tưới cây và các loại hoa màu rất tốt, không nên bỏ uổng phí. Cần siêng năng nạo vét các mương rãnh này theo định kỳ hàng tuần hay hàng tháng …
+ Phát quang quanh khu vực chăn nuôi: Chung quanh khu vực lập chuồng trại nuôi thỏ, nếu có đất trống thì nên dọn dẹp cho sạch sẽ quang đãng, đồng thời san lấp hết những ao vũng lớn nhỏ để nước khỏi tù đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường sống của thỏ. Những cây tạp, cỏ dại nếu có, cũng nên chặt bỏ, phơi khô rồi gom lại chất đống đốt bỏ.
Chính những lùm bụi rậm rạp này là nơi trú ngụ lý tưởng (đào hang trú ẩn) của rắn, chuột và nhiều loại tác nhân truyền bệnh nguy hiểm khác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ