Cách ngâm ủ thóc giống và gieo cấy lúa để đạt hiệu quả
Hỏi: Xin chuyên gia cho biết cách ngâm ủ thóc giống và gieo cấy lúa để đạt hiệu quả?
Trả lời:
- Ngâm ủ thóc giống: Nếu là giống liền vụ thì thời gian ngâm đòi hỏi phải dài hơn giống cách vụ. Thông thường các giống liền vụ (sản xuất từ vụ xuân 2017) cần phải ngâm từ 32 - 36h(tùy theo đặc điểm vỏ trấu dày hay mỏng và thời tiết nóng hay mát). Giống cách vụ chỉ cần ngâm 24 - 28h.
* Chú ý:
+ Không nên ngâm quá dài khiến hạt thóc thôi chua nhiều dễ bị thối hỏng hoặc kém phát triển sau gieo.
+ Cần rửa chua kịp thời (2 lần/ngày) tránh để nước ngâm thóc quá chua làm hỏng lô giống.
+ Để rễ và mầm cân đối, cây mạ khỏe cần ngâm thóc vào dung dịch một số chế phẩm phân bón nano hoặc sinh học như Lộc xuân, Neb26, Bio, Vườn sinh thái...
- Gieo mạ nền cứng: Chọn được nền đất cứng để gieo mạ mùa sẽ tốt hơn gieo trên sân gạch hoặc xi măng vì cây không bị sốc nhiệt. Nếu không có nền đất cứng thì nên đổ 1 lớp đất bột dày khoảng 1 - 2cm san phẳng và nén chặt như nền sân rồi mới rải giấy xi măng hoặc lá chuối lên trên, sau đó đổ giá thể gồm bùn ao + phân chuồng mục và 1 ít chế phẩm nấm có ích để gieo mạ.
- Ruộng lúa gieo thẳng: Bám sát và theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết để tiến hành gieo vào những ngày thời tiết thuận lợi. Trong trường hợp lô giống đã được gieo mà gặp thời tiết không ưu tiên (mưa lớn kéo dài) cần chuyển sang phương thức vỗ mạ nền.
Ruộng làm đất để gieo thẳng được cày bừa kỹ và được san phẳng cho đều, tránh để trên ruộng có nhiều chỗ trũng sẽ làm mống mạ dễ bị thối hỏng. Đưa nước vào ruộng tráng mống khi cây mạ đã mọc mũi chông, không để ruộng lộ quá lâu sẽ gây nứt nẻ, cây mạ kém phát triển.
- Ruộng cấy mạ dược: Mạ đem cấy yêu cầu đủ tuổi, không nên cấy mạ già ống, quá lứa sẽ làm giảm trầm trọng năng suất. Đối với các giống lúa cao sản cần áp dụng phương thức cấy “hàng rộng - hàng hẹp” nhằm tận dụng ánh sáng triệt để giúp lúa đạt được năng suất cao. Lúa lai nên cấy thưa, cấy ít dảnh (1- 2 dảnh/khóm mật độ 30 - 35 khóm/m2). Lúa thuần cấy vừa phải (2 - 3 dảnh/khóm, mật độ để 35 - 40 khóm/m2), cấy theo hướng đông - tây và nông tay.
Hỏi: Rau cải (nhất là cải củ) ở chỗ chúng tôi thường bị con bọ nhẩy gây hại rất nhiều. Xin được hướng dẫn cách phòng trừ loại bọ này?
Trả lời: Bọ nhẩy là một loài sâu hại thường xuyên gây hại cho nhóm rau thuộc họ Thập tự (nhất là cải củ, cải bẹ xanh…), đặc biệt là khi cây cải còn nhỏ lại gặp thời tiết khô hạn, nắng nóng.
Bọ trưởng thành cắn phá lá cải non tạo ra những lỗ thủng nhỏ kích thước vài mm, nếu nặng lá cải sẽ dày đặc vết cắn làm cây rau xơ xác, còi cọc.
Con ấu trùng cắn phá rễ và củ (cải củ), làm cho cây cải còi cọc, chậm lớn, rễ (củ) dễ bị hư thối.
Để hạn chế tác hại của bọ nhẩy, có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chính sau đây:
- Trước khi làm đất, thu gom sạch tàn dư của cây rau cải ở vụ trước đem ra khỏi ruộng tiêu hủy.
- Không gieo trồng lai rai, để hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho bọ có mặt liên tục trên đồng ruộng.
- Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng thu hút bọ tập trung rồi phun thuốc hủy diệt, hạn chế mật độ bọ ở vụ cải kế tiếp.
- Sau vài vụ trồng rau cải nên luân canh với những loại rau màu khác như ngò gai, hành, dưa leo, bầu, bí mướp…
- Cần kiểm tra ruộng cải thường xuyên, nhất là khi cây cải còn nhỏ hoặc vào những thời điểm các ruộng cải xung quanh đang thu hoạch để phát hiện sớm bọ và phun thuốc diệt trừ bọ kịp thời.
Có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Vineem 1500EC, Sarkory 0.3EC/1EC, Biomax 1EC, Ramec 10EC, Andomec 1.8EC, Abagold 38EC. Theo kinh nghiệm của nhà vườn ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) thì thuốc Goltoc 250EC hỗn hợp với thuốc Goldra 250WG đã cho hiệu quả rất cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ