Mô hình kinh tế Cách Phòng Bệnh Cho Cá

Cách Phòng Bệnh Cho Cá

Ngày đăng 23/11/2013

Cách Phòng Bệnh Cho Cá

1. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Bệnh ở cá cũng như bệnh ở các động vật thuỷ sản khác xảy ra là do sự tương tác giữa vật chủ có tính mẫn cảm với bệnh, trong điều kiện môi trường không thuận lợi, cùng với sinh vật gây bệnh có sẵn trong môi trường cũng như cơ thể cá. Do vậy, động vật thuỷ sản chỉ bị bệnh khi 3 yếu tố sau đồng thời xảy ra:

- Điều kiện môi trường xấu, không có lợi cho sự tồn tại và phát triển của động vật thuỷ sản.

- Bản thân sức khoẻ của động vật thuỷ sản không tốt, không có khả năng chống đỡ với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

- Trong môi trường tồn tại đủ nhiều và đủ mạnh các tác nhân gây bệnh.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho cá và các loài thuỷ đặc sản khác là dựa vào 3 yếu tố đã nêu trên và thực hiện đúng theo quy trình nuôi đối với từng đối tượng nuôi riêng biệt, có nghĩa là các ao nuôi, lồng nuôi cần được quy hoạch theo tiêu chuẩn, quá trình thả giống và chăm sóc cá như công tác: Chuẩn bị ao để nuôi cá, chọn con giống có chất lượng cao về mọi mặt, thả giống, cho cá ăn, thu hoạch... phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Cụ thể các bước cần phải thực hiện để nhằm mục đích giảm các khả năng phát triển, lây lan bệnh trong sản xuất nghề cá tới mức tối thiểu:

a) Làm sạch môi trường nước và ao nuôi cá

- Ao nuôi cá luôn luôn phải quang đãng, tráng nắng, các cỏ cây, bụi rậm quanh ao phải được dọn sạch. Sau các chu kỳ nuôi cần được tẩy dọn ao kỹ càng. Tháo cạn nước cũ, bắt hết cá tạp, dùng vôi bột khử trùng và cải tạo chua với liều lượng 10 - 12 kg vôi bột/100m2 ao; Với những ao mới đào và những ao vụ trước đã có cá mắc bệnh, liều lượng vôi cần tăng đến 15 kg/100m2 ao. Ao phải được phơi đáy dưới ánh sáng mặt trời từ 5 - 7 ngày để khô nẻ chân chim.

- Tháo nước vào ao nuôi: Nguồn nước tháo vào ao nuôi phải hoàn toàn trong sạch, không bị nhiễm bẩn, không có các mầm bệnh và các yếu tố kim loại, hoá chất làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cá và các loại thuỷ sinh vật trong nước.

b) Tăng sức đề kháng cho cá:

- Cá giống đưa vào ao nuôi cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cá béo khoẻ, không dị tật, không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh, quy cỡ đạt tiêu chuẩn giống cấp III (có chiều dài thân từ 8 - 12 cm). Mật độ nuôi thích hợp (1,5 - 2 con/m2 ao), không nên thả quá dày. Cho cá ăn đủ chất và lượng, thức ăn không bị hư thối. Không nên để cá bị đói (nhất là đối với các loài cá ăn trực tiếp như cá trắm cỏ, rô phi, trôi chép...). Với cá trắm cỏ ngoài cho ăn đủ thức ăn xanh còn cho cá ăn thêm thức ăn tinh. Tránh làm cá bị sốc (sốc nhiệt, sốc pH...), kể cả khi thả cá và trong suốt quá trình nuôi. Tránh kéo lưới nhiều lần trong thời gian ngắn, tránh thay nước đột ngột. Chống rét cho cá trong mùa đông.

c) Chủ động tiêu diệt các mầm bệnh:

- Trước khi đưa cá giống về ao nuôi, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2 % trong 10 - 15 phút để tiêu diệt mầm bệnh.

- Phân chuồng dùng để bón cho ao cần được ủ kỹ với vôi bột khoảng 20 ngày trước khi bón với liều lượng 4 - 5 kg vôi/100 kg phân chuồng để diệt hết các vi khuẩn gây bệnh cho cá.

- Với những ao có nuôi cá trắm cỏ, cần cho cá trắm cỏ ăn thuốc KN-04-12 do Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I sản xuất hoặc thuốc Tiên đắc do Trung Quốc sản xuất để phòng bệnh đốm đỏ, vào thời điểm tháng 3 - 5 và tháng 7 - 9 hàng năm .

- Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ 2 tuần 1 lần với liều lượng 2 - 3 kg vôi bột/100 m3 ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối hay sáng sớm. Nếu nuôi lồng thì cần phải treo túi vôi thường xuyên.

- Thường xuyên vệ sinh ao, vớt hết rong cỏ, thức ăn thừa và cọng rác của phân xanh. Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh ở cá kịp thời, không để phát triển lây lan thành dịch.

2. Một sô bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

a) Bệnh đốm đỏ:

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá trong ao nuôi hoặc lồng nuôi khi mắc bệnh đốm đỏ thường giảm ăn hoặc bỏ ăn, cá bơi lờ đờ trên tầng mặt, màu sắc da chuyển sang tối sẫm. Trên thân xuất hiện các chấm xuất huyết đỏ, vẩy rụng thành mảng. Khi bệnh nặng các gốc vây xuất huyết, các tia vây rách nát, cụt dần. Các điểm xuất huyết viêm, tấy, loét, trong có nhiều mủ, máu và xung quanh có nấm ký sinh. Mang cá tái nhợt hoặc xuất huyết, mắt lồi có xuất huyết. Bệnh kéo dài từ 1 đến 2 tuần, cá có thể chết. Khi giải phẫu: Toàn bộ cơ quan nội tạng đều có xuất huyết. Khi nhấc đầu cá lên có máu nhạt lờ lờ chảy ra từ hậu môn.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn hình que có tên khoa học là Aeromonass Hydrophylla hoặc Pseudomnas gây ra.

- Phân bố và lan truyền của bệnh: Bệnh đốm đỏ thường gặp ở cá trắm cỏ nuôi lồng và nuôi ao (cá trắm thường mắc bệnh ở giai đoạn cá giống lớn trở lên cá giống nhỏ ít thấy bị mắc bệnh; ngoài ra cá trắm đen, cá trê, trôi ấn độ, cá mè cũng bị mắc bệnh này. Ở Miền Bắc Việt Nam cá thường bị mắc bệnh vào 2 mùa chính là mùa xuân (tháng 3 - 4 dương lịch) và mùa thu (tháng 8 - 9 dương lịch).

- Phòng và trị bệnh:

Phòng bệnh: Sử dụng phương pháp phòng bệnh chung đã nêu phần trên.

Trị bệnh: Khi cá bị mắc bệnh cần tách riêng những con bị bệnh ra ao riêng để điều trị tích cực; thay nước mới cho ao, bón vôi bột hoà nước, té đều khắp ao với liều lượng 2 kg/100m2/2 tuần để nâng độ pH trong môi trường nước (loại vi khuẩn này không thích ứng trong môi trường kiềm).

Cho cá ăn thuốc KN - 04 - 12 do Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I sản xuất hoặc thuốc Tiên đắc do Trung Quốc sản xuất (cách sử dụng có ghi trên vỏ bao bì).

b) Bệnh nấm thuỷ mi ( Bệnh trắng da):

- Dấu hiệu bệnh lý: Khi mới bị bệnh trên da cá, da ba ba... xuất hiện những vùng trắng, xám, ở đó có những sợi nấm nhỏ, mềm; sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục, xung quanh có nhiều sợi nấm làm cho trứng bị ung.

- Phân bố và lan truyền: Bệnh nấm thuỷ mi không chọn các ký chủ, tất cả các loài thuỷ sản đều có thể bị bệnh. Trong các ao nuôi mật độ dày, nước bẩn đều có thể xuất hiện bệnh nấm. Bệnh nấm phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ nước từ 18 - 25 oC. Miền Bắc nước ta bệnh nấm phát triển mạnh vào mùa xuân, cuối thu và mùa đông...

- Phòng và trị: Áp dụng phương pháp phòng chung. Có thể dùng muối ăn tắm cho động vật thuỷ sản ở nồng độ 2 - 3 % trong 15 - 30 phút. Ngoài ra dùng Chlorin hoà nước phun đều xuống ao với lượng 1ppm (1 gam/1m3 nước). Phun trong 2 ngày liên tục.

c) Bệnh trùng bánh xe:

- Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá mới mắc bệnh, trên thân có nhiều nhớt hơi trắng đục, da chuyển sang màu xám, cá ngứa ngáy, khó chịu, thường nổi từng đám trên tầng mặt, một số con tách khỏi đàn bơi lờ đờ quanh ao. Cá bị bệnh nặng bơi không định hướng, lật bụng, chìm xuống đáy ao và chết.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh trùng bánh xe do loại vi khuẩn có tên khoa học Trichodina, Trichodinella, Tripartiella gây ra.

- Phân bố và lan truyền: Trùng bánh xe phân bố rộng, gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá hương cá giống (tỷ lệ cảm nhiễm bệnh cao từ 80 - 100%). Sau khi phát bệnh cá chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện nhiều vào các mùa xuân, mùa hè, mùa thu; trong mùa đông bệnh ít phát triển.

- Phòng và trị: Dùng phèn xanh (CuSO4), sử dụng theo 2 cách: Tắm cho cá ở nồng độ 2 - 5 ppm (2 - 5 gr thuốc/m3 nước) trong thời gian 5 - 15 phút. Hoà thuốc tan trong nước phun xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 ppm. Kết quả trị bệnh theo phương pháp này đạt kết quả khá tốt.

d) Bệnh trùng loa kèn:

- Dấu hiệu bệnh lý: Trùng thường bám trên da, vây, mang của cá, ba ba, ếch...chúng bám nhiều thành búi trắng dễ nhầm với nấm thuỷ mi. Các dấu hiệu bệnh lý giống như bệnh trùng bánh xe. Bệnh có thể độc lập hoặc kết hợp với ký sinh trùng đơn bào khác, gây bệnh làm cá chết hàng loạt.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh trùng loa kèn do loại trùng có tên khoa học là Epistylis hoặc Zoothamnium có dạng hình loa kèn gây ra.

- Phân bố và lan truyền: Trùng loa kèn gặp ở tất cả các động vật thuỷ sản như cá, tôm, ba ba, ếch... chúng thường gây bệnh ở giai đoạn giống. Bệnh xuất hiện và gây bệnh quanh năm, tập trung vào mùa xuân, thu, đông.

- Phòng và trị bệnh: Như với trùng bánh xe.

e) Bệnh Trùng quả dưa:

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá bị bệnh trên da, vây, mang có nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm, nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Cá bệnh tách đàn bơi lờ đờ quanh ao. Cá trê có hiện tượng "treo râu", đầu ngoi lên mặt nước, đuôi xuôi xuống phía đáy ao.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do loại trùng có tên khoa học là Ichthyophthirius, có dạng hình quả dưa gây nên.

- Phân bố và lan truyền: Bệnh phân bố rộng, trùng quả dưa sống thích hợp ở nhiệt độ 25 - 26 oC do đó ở miền Bắc bệnh thường phát triển vào mùa xuân và mùa thu (nhất là nơi nuôi cá có ít ánh sáng). Bệnh gây thiệt hại nhiều cho cá rô phi, cá trê

- Phòng trị bệnh: Bệnh trùng quả dưa rất khó chữa trị vì chúng có giai đoạn bào nang, phải lượng thuốc rất lớn mới trị được bệnh. Cho nên tốt nhất dùng biện pháp phòng bệnh tổng hợp .

f) Bệnh trùng mỏ neo:

- Dấu hiệu bệnh lý: Trùng mỏ neo ký sinh hút chất dinh dưỡng làm viêm loét da, vây, mang, xoang miệng của cá... từ vết loét tạo điều kiện cho ký sinh trùng khác, nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Cá ngứa ngáy, khó chịu, kém ăn, da mất sắc mầu bình thường, bơi lờ đờ, phản ứng kém gầy yếu, có nhiều trùng ký sinh bị bệnh nặng, dẫn đến chết.

- Tác nhân gây bệnh: Là do loại trùng có hình dạng giống chiếc mỏ neo của tàu thuyền có tên khoa học Lernea gây nên.

- Phòng và trị: Trùng mỏ neo phân bố rộng từ xứ nóng đến xứ lạnh; bệnh nguy hiểm với nhiều loài cá nuôi khi nuôi với mật độ quá dày và thiếu dinh dưỡng. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, thu, đông, nhất là các ao cá lưu qua đông. Phòng bệnh theo cách phòng bệnh chung.

- Trị bệnh: Dùng lá xoan băm nhỏ hoặc bó thành từng bó từ 10 - 15 kg dìm xuống ao nuôi với lượng 40 - 50 kg/sào Bắc bộ.

g) Bệnh rận cá.

- Dấu hiệu bệnh lý: Rận cá sống ký sinh trên da, thân, vây, xoang miệng và mang cá. Nó hút máu, tiết chất độc, làm cá bị tổn thương, sưng đỏ...tạo điều kiện cho các ký sinh trùng khác, vi khuẩn, nấm xâm nhập gây bệnh. Trùng thường đốt cá vào ban đêm làm cá ngứa ngáy, khó chịu, bơi nhảy lung tung.

- Tác nhân gây bệnh: Là do loại trùng có tên khoa học là Argulus gây ra.

- Phân bố và lan truyền: Rận cá ký sinh trên nhiều loài cá nuôi, bệnh xuất hiện quanh năm, gây thiệt hại lớn cho cho nghề nuôi cá lồng bè.

- Phòng và rị bệnh: Như bệnh trùng mỏ neo.


Phương Thức Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Phương Thức Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa Tất Bật Với Mùa Cá Mới Tất Bật Với Mùa Cá Mới