Cách Sản Xuất Cá Rô Phi Giống Trong Ruộng Lúa
Sản xuất cá rô phi trong ruộng lúa tiến hành vào vụ lúa xuân, thời gian từ 2-3 tháng. Mô hình này đơn giản, dễ áp dụng, tuỳ theo điều kiện và khả năng đầu tư của từng hộ gia đình có thể sử dụng thức ăn viên hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, cám ngô… hoặc dùng phân chuồng gây màu nước tạo cơ sở thức ăn tự nhiên cho cá rô phi.
Đây là giải pháp cung cấp cá giống sớm vào đầu vụ nuôi, hạn chế sâu bệnh hại lúa và duy trì một môi trường thân thiện.
1. Tại sao chúng ta chọn cá rô phi để nuôi trong ruộng lúa
Cá rô phi có khả năng chịu đựng với các điều kiện môi trường khắc nghiệt, chúng có thể sống ở các vực nước nông và trong khoảng nhiệt độ rộng từ 110C đến 420C, ngưỡng ôxy thấp từ 0,1 đến 0,3mg/l và độ đục cao. Rô phi là loài cá ăn tạp, chúng có thể ăn rất nhiều loại thức ăn gồm cả thức ăn thực vật và động vật như các loại cỏ, côn trùng, muỗi, tảo, bèo tấm... Phân của cá lại rất tốt cung cấp dinh dưỡng cho lúa phát triển.
Cá rô phi có thể sinh sản tự nhiên trong ruộng cấy lúa khi thả cá bố mẹ (cá đực cùng cá cái). Chỉ sau 3 tháng thả cá bố mẹ, ta có thể thu hoạch được cá rô phi hương. Cá rô phi hương và giống dễ vận chuyển xa khi đem bán mà không bị chết.
Sản xuất cá rô phi giống trong ruộng lúa: có thể sản xuất được 7000 cá hương, cỡ trung bình đạt 2g/con (to bẵng hai đốt ngón tay) trong một sào ruộng (360m2) trong thời gian 3 tháng.
Tháng 1 + Tháng 2: Cấy lúa
Tháng 3 + Tháng 4: Thả cá bố mẹ
Tháng 5: Thu cá hương
2. Kỹ thuật sản xuất cá rô phi giống trong ruộng lúa
Sản xuất cá rô phi trong ruộng lúa (thả cá bố mẹ) có thể sau khi cấy lúa 10 -15 ngày, thời điểm phù hợp từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 .
Chọn và thiết kế ruộng
Chọn ruộng trũng, gần hệ thống kênh mương thủy nông để tiện cho việc cấp và tháo nước. Ruộng để nuôi cá-lúa nên có diện tích từ 1000 - 3000m2, diện tích nhỏ sẽ dễ quản lý và thu hoạch cá hương.
Cần phải đào hệ thống mương rãnh trong ruộng lúa, diện tích mương chiếm từ 8- 10% tổng diện tích ruộng để làm nơi trú ẩn cho cá và dễ thu hoạch. Mương có chiều rộng 0.8-1.0m, sâu 0.5-0.8m. Đặt cống cấp nước đối diện với cống thoát nước để nước ra vào lưu thông khắp ruộng.
Trước mỗi cửa cống nên dùng đăng chắn bằng cước lưới nilông hoặc bằng lưới sắt để đề phòng cá tạp từ ngoài vào, chắn không cho cá bố mẹ cũng như cá con từ trong ruộng trốn ra ngoài. Bờ ruộng phải vững chắc có chiều rộng từ 1-2m, được đắp cao hơn 0.5m so với mức nước cao nhất trong ruộng.
Chuẩn bị ruộng và mương
Thời gian chuẩn bị ruộng vào tháng 1, làm sạch cỏ trong ruộng để cấy lúa như ruộng lúa bình thường. Bón vôi đều khắp ruộng và mương liều lượng 8-12 kg/100 m2 để diệt cá tạp, địch hại và diệt mầm bệnh trước khi cho nước vào. Bón phân chuồng từ 40-100kg/100m2 (phân lợn, phân gà... tạo điều kiện phát triển thức ăn tự nhiên trong ruộng tốt hơn.
Cấy lúa và thả cá bố mẹ
Thời gian cấy lúa vụ xuân vào khoảng tháng 2, sau khi đã cấy lúa được 15 – 20 ngày (khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3), khi lúa đã chắc rễ, có thể bắt đầu thả cá rô phi bố mẹ vào ruộng.
Điều quan trọng nhất trong sản xuất cá rô phi giống là cá rô phi bố mẹ phải thuần, chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, đã được chọn giống (dòng GIFT của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1). Trước khi mua hoặc thả cá rô phi bố mẹ bạn nên hỏi các cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để biết chắc chắn dòng cá rô phi bố mẹ mình sử dụng, nếu không chọn được cá bố mẹ có chất lượng tốt, cá hương/giống sẽ chậm lớn và khách hàng sẽ không chấp nhận.
Mật độ và tỷ lệ thả cá rô phi bố mẹ
Mật độ và tỉ lệ cá đực, cái của cá bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất cá rô phi giống. Để thu được sản lượng và chất lượng cá giống tốt cần thả đúng mật độ và tỉ lệ ghép cá rô phi bố mẹ là 2 cái : 1 đực tương đương mật độ 27 con/sào (360m2) trong đó có 18 cá cái + 9 cá đực, nếu thả nhầm tỷ lệ cá đực: cá cái thì số lượng cá giống thu được không nhiều và thu nhập sẽ thấp hơn.
Cá rô phi bố mẹ có thể bắt đầu đẻ khi thời tiết ấm nhiệt độ nước trong mương khoảng 25oC và khi trứng đã được thụ tinh. Cá rô phi cái nhẹ nhàng ngậm những trứng đã được thụ tinh vào miệng. Sau 3-4 ngày ấp, cá nở, cá con vẫn ở trong miệng cá mẹ cho đến khi chúng hấp thụ hết túi noãn hoàng. Khi cá bột có thể bơi ra ngoài chúng có thể bắt đầu tự kiếm ăn.
Quản lý ruộng và giữ nước
Hàng ngày thăm ruộng để kiểm tra bờ, mương, cống nước ra nước vào. Luôn giữ nước trong mương sâu khoảng 0.8m sẽ tốt cho sự phát triển của cả lúa và cá. Để tạo thức ăn tự nhiên nên bón đều đặn khoảng 50 kg phân chuồng/tháng/ sào. Chăm sóc ruộng lúa có thả cá bạn nên hạn chế sử dụng hóa chất làm phân bón, đối với phân đạm chỉ bón ở liều lượng thấp hơn so với ruộng chỉ cấy lúa thông thường.
Thức ăn bổ sung
Khi mới thả cá bố mẹ, tuỳ điều kiện đầu tư của từng hộ gia đình có thể sử dụng thức ăn viên có hàm lượng đạm 18-22% hoặc bổ sung cám gạo: cám ngô (tỷ lệ 1:1), cho cá ăn 2 lần trong ngày vào sáng sớm và chiều tối.
Có thể quan sát thấy cá rô phi hương trong mương vào cuối tháng 3, ngay sau 3-4 tuần thả cá rô phi bố mẹ. Cá con chủ yếu ăn thức ăn tự nhiên trong ruộng lúa, tuy nhiên vẫn nên bổ sung thêm thức ăn dạng bột (trộn cám gạo, cám ngô với bột cá tạp nghiền mịn) hoặc 300g thức ăn/ngày tính cho 1000m2 ruộng lúa nếu dùng thức ăn có hàm lượng đạm từ 28-35% nghiền nhỏ.
Lúc đầu cho cá con ăn thức ăn bổ sung với 1 lượng nhỏ và cho ăn 3-4 lần trong ngày, lượng thức ăn bổ sung tăng dần khi kích cỡ cá hương ngày càng tăng. Cần ngừng việc cho cá ăn nếu cá không muốn ăn.
3. Thu hoạch cá hương/giống
Thu hoạch cá hương/giống để bán từ cuối tháng 4 trở đi. Trước khi thu hoạch 1 ngày (24 giờ) phải ngừng cho cá ăn, nếu vẫn tiếp tục cho ăn trong ngày thu hoạch thì cá hương/giống sẽ bị chết nhiều trong khi vận chuyển.
Có thể thu theo nhiều phương pháp khác nhau như thu tỉa nhiều lần, hoặc thu toàn bộ 1 lần vào cuối thời kỳ nuôi. Thu hoạch cá giống trong mương ruộng lúa cần sử dụng lưới 15m x 3 m, cũng có thể sử dụng các dụng cụ khác sẵn có tại địa phương như chài quăng, lưới vét, đăng chắn để thu hoạch cá giống. Khi thu hoạch cần phải có lưới chắn ở cống nước tháo ra – nếu không cá hương sẽ theo dòng nước đi mất.
4. Lưu giữ cá bố mẹ
Khi mùa vụ sản xuất cá rô phi giống trong ruộng lúa qua đi, tất cả cá rô phi hương được bán hoặc chuyển đi để tiếp tục nuôi ở ao khác, lúa cũng được thu hoạch và ruộng lúa được phơi khô. Cá rô phi bố mẹ ở mương nên chuyển sang lưu giữ ở 1 ao khác để tiếp tục sử dụng làm cá bố mẹ cho năm sau. Ao lưu giữ cá bố mẹ cần có các điều kiện sau:
1. Cần có lưới lọc thích hợp ở cống lấy nước vào và cống tháo nước ra để ngăn chặn cá tạp. Đặc biệt nếu để cá rô phi tạp bên ngoài lọt vào ao sẽ tạp lai với cá rô phi bố mẹ trong ao nuôi, vì thế sang năm tới cá giống sẽ sinh trưởng kém, chậm lớn.
2. Ao giữ cá bố mẹ cần có độ sâu ít nhất từ 1.5 -2.0 mét nước để cá rô phi tránh lạnh trong mùa đông. Nếu độ sâu của nước ao dưới 1,5 m cá rô phi bố mẹ có thể dễ bị chết tòan bộ khi nhiệt độ quá lạnh trong mùa đông.
3. Ao ở gần nguồn nước sạch để đề phòng dịch bệnh và ao sẽ không quá cạn trong mùa khô.
4. Bờ ao đủ cao để đảm bảo ao không bị ngập tràn trong mùa mưa.
5. Cho cá bố mẹ ăn đều đặn 2 lần/ngày bằng thức ăn viên có hàm lượng đạm 18-22% hoặc hỗn hợp cám gạo trộn lẫn cám ngô. Nếu không chăm sóc hoặc không cho cá bố mẹ ăn thì chất lượng và số lượng cá giống sẽ giảm rõ rệt trong năm tới. Trong thời gian mùa đông từ tháng 12 đến tháng 1 khi nhiệt độ thấp dưới 160C nên dừng cho cá ăn.
Thông thường cá rô phi bố mẹ được sử dụng trong 2-3 năm đầu sẽ đẻ ra những con giống tốt, do đó cần chủ động kế hoạch thay thế cá bố mẹ từ chính nguồn cá giống nhà mình.
Để tạo ra quần đàn cá bố mẹ mới, khi thu hoạch cá giống trong những lần đầu nên chọn ra những con rô phi giống to nhất, khoẻ nhất và có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất (khoảng 200 con) và nuôi trong ao cá bố mẹ để sử dụng làm cá bố mẹ trong năm sau. Sau khi nuôi khoảng 3 tháng cá đạt 50g có thể phân biệt được cá đực và cá cái.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ