Tin thủy sản Cách thả ngao giống nhanh lớn

Cách thả ngao giống nhanh lớn

Tác giả Ban KHKT, ngày đăng 20/05/2021

Cách thả ngao giống nhanh lớn

Hỏi: Xin hỏi cách thả ngao giống và mật độ thích hợp để tránh tổn thất, để ngao nhanh lớn? (Trần Thị Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Nên chọn ngao giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên. Thả nuôi tập trung chủ yếu từ tháng 4 – 6 hoặc tháng 9 – 10 dương lịch hàng năm. Tùy theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư, trình độ thâm canh để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.

Đối với bãi triều ít chịu ảnh hưởng của sóng gió (bãi êm), cỡ giống thả 1.000 – 2.000 con/kg, mật độ 400 – 500 con/m2. Đối với bãi triều sóng gió nhẹ, cỡ giống thả 800 – 1.000 con/kg, mật độ 300 – 400 con/m2Đối với bãi triều sóng gió lớn, cỡ giống thả 200 – 500 con/kg, mật độ 200 – 250 con/m2. Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ trước khi thả xuống bãi nuôi.

Không thả giống khi trời đang mưa. Không nên để ngao trong bao qua đêm, nếu gặp mưa, sau khi thả ngao sẽ hao hụt lớn. Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, bằng cách dùng thuyền chở ngao giống rắc đều lên mặt bãi, cắm tiêu tránh thả chồng lên nhau, tốt nhất thả giống trước khi triều lên ngập bãi.

Hỏi:  Cá rô phi nuôi 3 tháng có hiện tượng kém ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ ở tầng mặt hoặc sát thành lồng. Vài con có hiện tượng bơi xoay vòng, mắt lồi và mờ đục, xuất huyết trên da. Xin hỏi cá bị bệnh gì và cách điều trị? (Huỳnh Văn Huyên, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)

Trả lời:

Theo mô tả sơ bộ, cá rô phi đang bị bệnh liên cầu khuẩn. Bệnh do vi khuẩn Streptococcus sp. gây ra. Nguyên nhân là do stress trong ao/lồng nuôi của cá bị bệnh như nhiệt độ cao, pH>8, ôxy hòa tan thấp, nước có hàm lượng amonia, nitrite cao, nuôi với mật độ dày, quá trình vận chuyển và đánh bắt cá.

Khi bệnh liên cầu khuẩn xuất hiện trên cá rô phi cần tuân thủ phác đồ điều trị sau: Loại bỏ ngay những con chết và yếu. Xử lý môi trường nước bằng phương pháp phun hóa chất xuống ao nuôi hoặc treo túi hóa chất đối với khu lồng – bè. Dừng cho cá ăn 1 ngày. Gửi mẫu xét nghiệm và làm kháng sinh đồ. Sử dụng kháng sinh (dựa trên kết quả kháng sinh đồ), Vitamin C/chất tăng cường hệ miễn dịch (Beta – glucan) cho ăn liên tục 7 – 10 ngày.

Sau khi kết thúc dùng kháng sinh, tiếp tục cho ăn Vitamin C và sử dụng them men tiêu hóa và giải độc gan trong vòng 10 ngày.

Chú ý: Kháng sinh chỉ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh (mới bị bệnh), nhưng việc sử dụng kháng sinh cần được chú ý vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều lượng cao dần sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và ảnh hưởng đến dư lượng kháng sinh tồn dư trong thịt cá.

Hỏi: Nên bổ sung khoáng chất cho tôm theo từng thời điểm là bao nhiêu để tôm phát triển tốt? (Lê Thanh Tiến, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Khoáng chất đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tôm nuôi. Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường nước thông qua mang. Do đó, có thể tạt khoáng trực tiếp vào trong nước để cung cấp lượng khoáng cần thiết cho quá trình lột xác của tôm nuôi.

Trong quá trình sinh trưởng, TTCT cần rất nhiều khoáng, do đó trong ao nuôi nên luôn duy trì độ kiềm từ 100 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3. Bổ sung khoáng bột định kỳ 5 – 7 ngày tạt 1 kg/1.000 m2 nước đối với TTCT dưới 45 ngày tuổi, 3 ngày tạt 1 kg/1.000 m3 nước đối với TTCT trên 45 ngày tuổi.

Đồng thời, kết hợp trộn khoáng nước vào thức ăn định kỳ 5 ml/kg thức ăn (2 lần/ngày). Tốt nhất là nên bổ sung khoáng chất vào buổi chiều hoặc vào ban đêm lúc 10 – 12 giờ, vì tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm. Khi tôm lột xác, nhu cầu ôxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ, quá trình hấp thu khoáng chất diễn ra mạnh vào giai đoạn 2 – 4h sáng.


Na Uy giúp Việt Nam phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp Na Uy giúp Việt Nam phát triển ngành… Phụ gia phytogenic chống độc tố mycotoxin Phụ gia phytogenic chống độc tố mycotoxin