Cách Xử Lý Nhãn, Vải Ra Hoa, Đậu Quả Tốt
Viện Nghiên cứu Rau quả vừa gửi đến NNVN báo cáo "Kết quả khảo sát ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến khả năng ra hoa đậu quả của nhãn, vải ở các tỉnh miền Bắc", đồng thời đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm khuyến cáo bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.
Theo TS. Ngô Hồng Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì trong tổng số diện tích trồng CĂQ ở miền Bắc thì các cây nhãn, vải chiếm tỷ trọng khá lớn: 16,3% với nhãn, 32,9% với vải; về sản lượng thu hoạch: 9,6% với nhãn và 24,8% đối với cây vải. Đây là 2 loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao đối với các tỉnh phía Bắc nhưng lại rất mẫn cảm với thời tiết, có những yêu cầu khá khắt khe với các yếu tố nhiệt độ và độ ẩm của đất, của không khí trong thời gian trước, trong và sau khi ra hoa nên ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1, tháng 2 vừa qua là rất đáng kể.
Với cây vải: Gần như 100% diện tích vải chín sớm của các địa phương đang nở hoa đực trà cuối và hoa cái đang nở rộ (muộn hơn so với vụ quả trước 15-20 ngày). Dự báo thiệt hại trên vải chín sớm không đáng kể nhưng thời gian thu hoạch có thể chậm lại khoảng 15-20 ngày so với mọi năm (khoảng giữa tháng 6). Với các giống chính vụ, đến đầu tháng 3 mới có khoảng 70% số cây ra hoa (ở Quảng Ninh) và khoảng trên 20% (ở Bắc Giang) nhưng kèm theo nhiều lộc. Dự báo, nếu gặp nhiệt độ thấp (dưới 15-200C) vải sẽ tiếp tục ra hoa, nở hoa và đậu quả tốt hơn. Nếu nhiệt độ tăng cao (>200C) cây sẽ ra lộc, lấn át chùm hoa, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa và khả năng ra hoa, đậu quả sẽ rất kém.
Số cây còn lại không có khả năng ra hoa mà chỉ ra lộc. Với những cây ra hoa được thì thời gian nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả sẽ kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4. Nhiệt độ thời kỳ này sẽ tăng cao trên 250C không thuận lợi cho thụ phấn, thụ tinh và đậu quả do vậy năng suất và chất lượng sẽ giảm đáng kể.
Biện pháp khắc phục: Với diện tích vải sớm đã ra hoa và đang nở hoa thì tăng cường tưới nước, giữ ẩm cho cây để nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả tốt. Phun các loại thuốc trừ nấm để đề phòng bệnh thán thư làm hỏng dé hoa, thối chùm hoa; các loại thuốc trừ sâu để trừ các loại sâu đục quả, sâu hại hoa, nhện lông nhung...
Sau khi kết thúc nở hoa, đã đậu quả bằng hạt đậu xanh tiến hành bón thúc nuôi quả bằng cách hòa nước tưới (loại phân, số lượng theo qui trình hướng dẫn), có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như Botrac, Thiên nông, Master gro, HPC 97R… để tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Với các cây đã phân hóa mầm hoa (vải chính vụ), tiếp tục hạn chế độ ẩm của đất, phun bổ sung một số chế phẩm phân bón qua lá có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao có chứa các chất kích thích ra và nở hoa (HPC 97-HXN, Kali tan, Multi-K…).
Những cây đã thấy rõ chùm hoa cần tưới nước đủ ẩm, bón, tưới, phun thêm các nguyên tố đa vi lượng giúp các chùm hoa dài hơn, to hơn, nhanh chóng nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả. Những cây vừa ra hoa, vừa ra lộc thì kết hợp chăm sóc, cắt bỏ lộc non nhằm giúp cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa, đậu quả.
Với cây nhãn: Do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp kéo dài nên đến thời điểm này, tại tất cả các điểm khảo sát thấy trên 90% số cây chưa ra hoa. Tỷ lệ cây có khả năng ra hoa được vào giữa tháng 3 đạt khoảng 15-20%. Một số ít cây đã ra hoa từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 gặp rét nên chùm hoa rất nhỏ, không có khả năng đậu quả. Một số gia đình xử lý bằng KCLO3 hoặc khoanh vỏ trong tháng 11 nhưng hầu như không có kết quả vì giá rét.
Biện pháp khắc phục: - Với những cây dưới15 tuổi, sinh trưởng tốt, lá bánh tẻ, chưa phát lộc nhưng không ra hoa thì dùng KCLO3 để thúc đẩy ra hoa. Thời gian xử lý từ 12-30/3 với liều dùng: 30g/1m đường kính tán.
-Với những cây có khả năng ra hoa: Phun phân bón lá, thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước đủ ẩm để thúc đẩy khả năng ra hoa.
-Với những cây sinh trưởng kém: Tưới nước, bón phân vô cơ, phun phân bón lá, phun thuốc BVTV giúp cây mau hồi phục và sinh trưởng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa vụ sau.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ