Mô hình kinh tế Cải Tạo Vườn Điều Theo Hướng Chuyên Canh

Cải Tạo Vườn Điều Theo Hướng Chuyên Canh

Ngày đăng 18/02/2014

Cải Tạo Vườn Điều Theo Hướng Chuyên Canh

Phát triển “nóng” hoạt động chế biến, kinh doanh trong khi diện tích vườn trồng ngày càng giảm, năng suất thấp, khiến ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Diện tích giảm mạnh

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), từ năm 2007 đến nay diện tích trồng điều liên tục giảm. Cụ thể, năm 2007, cả nước có 440.000ha điều, nay chỉ còn dao động quanh mức 360.000ha. Hơn nữa, năng suất vườn điều cả nước hiện rất thấp, chỉ từ 0,8 - 1 tấn/ha, sản lượng điều cả nước ước đạt 300.000 tấn/năm.

Diện tích giảm, năng suất kém dẫn đến việc Việt Nam mất dần sự chủ động về nguồn nguyên liệu tại chỗ, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Cụ thể như năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu 50% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, tương ứng với khoảng 500.000 tấn điều thô.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây điều giảm mạnh diện tích là doanh nghiệp chế biến điều chưa gắn bó với vùng nguyên liệu, chưa giúp đỡ được nông dân trồng điều tiếp cận với các tiến bộ về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hạt. Từ đó, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của cây điều với các loại cây trồng khác.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Nga - Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước cũng cho biết, là địa phương có vùng điều nguyên liệu lớn nhất nước nhưng những năm trở lại đây, diện tích vườn điều đã liên tục giảm. Nguyên nhân một phần là do thời tiết biến đổi nhiều, gây bất lợi cho cây điều, hơn nữa, giá điều nguyên liệu không ổn định, nông dân lại hay bị tư thương ép giá...

Cần thay đổi tư duy phát triển

Để ngành điều phát triển bền vững, Vinacas đề nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu điều quốc gia, gắn chỉ dẫn địa lý cho điều tại Bình Phước và Đồng Nai. Đồng thời, hỗ trợ 10 - 20 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có điều kiện được gắn nhãn “Vietnam Value”.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, ngành điều cần thay đổi tư duy về sự phát triển, hướng tới bền vững trong cả việc trồng và chế biến, kinh doanh điều. Thống kê của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Miền Nam cho biết, tổng số nhà máy chế biến điều cả nước năm 2012 là 465 nhà máy quy mô lớn, vừa và nhỏ.

Nếu tính cả các cơ sở chế biến quy mô siêu nhỏ, những “lò chẻ” quy mô hộ gia đình... thì số lượng sẽ lên đến gần 1.000 cơ sở. Tổng công suất chế biến theo thiết kế của các nhà máy có thể đạt tới trên 1 triệu tấn điều thô/năm.

Để ngành điều nước ta phát triển bền vững, theo ông Thành: “Không cần phải tăng diện tích điều nhiều, vì càng trồng nhiều càng dễ bị ép giá. Ngược lại, cần phải cải tạo diện tích vườn đã trồng theo hướng chuyên canh, giống tốt cho năng suất cao”.

Trong khi đó, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (thuộc Bộ NNPTNT) cho rằng, sắp tới ngành điều sẽ được tái cơ cấu lại trong chủ trương chung của ngành nông nghiệp. Đồng thời, từng địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, chọn những nơi có điều kiện thâm canh đầy đủ.


Thạch Don Giỏi Trồng Điều Thạch Don Giỏi Trồng Điều Tôm Thịnh Thì Mía Suy Tôm Thịnh Thì Mía Suy