Tin nông nghiệp Cải thiện sinh kế từ mô hình khuyến nông hiệu quả

Cải thiện sinh kế từ mô hình khuyến nông hiệu quả

Tác giả Trúc Linh, ngày đăng 10/08/2018

Cải thiện sinh kế từ mô hình khuyến nông hiệu quả

Những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy đã tập trung nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, nhằm tạo thu nhập, đa dạng hóa sinh kế cho nông dân.

Ông Kính đang chuyển đầu tư từ kệ gỗ sang trồng túi compost.

Trong năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện đăng ký thực hiện một số dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó có mô hình trồng nấm rơm cải tiến trong nhà bằng túi compost. Sau khi tham quan, đa số các hộ trồng nấm trên địa bàn huyện đều chuyển hướng trồng theo mô hình khoa học kỹ thuật mới này.

Ông Nguyễn Văn Kính, ở ấp 2, xã Vị Trung, đã có kinh nghiệm trồng nấm rơm hơn 5 năm nhưng cũng bắt đầu đổi sang cách trồng mới. Ông Kính chia sẻ: “Ban đầu tôi trồng nấm rơm theo cách truyền thống là chất luống. Về sau học tập kinh nghiệm ở thị xã Long Mỹ, tôi trồng trên giàn trong nhà. Cách làm này tiện hơn, nhẹ công chất rơm, tận dụng được khoảng không nên chất được nhiều nấm. Nhưng khi đi tham quan mô hình trồng nấm meo Thần Nông bằng túi compost lại thấy tiện hơn nữa nên đăng ký trồng thử. Nếu được tôi sẽ chuyển tất cả 4 nhà nấm cũ theo phương pháp mới”. 

Theo lời kể của ông Kính, sau khi học được từ mô hình trồng nấm bằng túi compost thì rất dễ trồng. Chỉ cần diện tích nhà trồng dài 12m x rộng 4m, vách cao 2m, đỉnh nhà 2,7m bố trí 2 dãy kệ, mỗi kệ 3 tầng là có thể chất được 150 túi compost. Mỗi túi nặng 18kg có cấy meo sẵn, sau 1 tuần là thu hoạch được 1,2-1,5kg nấm rơm, trong vòng 15-17 ngày là thu hoạch dứt điểm. Vì trồng trong nhà nên không sợ thời tiết bất lợi, mỗi năm có thể trồng từ 7-8 vụ. Đặc biệt là mấy hôm nay mưa dầm, giông bão, ông không lo lắng vì đã có mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính. Hiện tại, ông đã chuẩn bị sẵn 24 triệu đồng để mua tấm bạt, khung sắt dựng nhà trồng nấm. Vụ nấm này, ông đầu tư gần 160 túi compost theo cách làm cải tiến để nhẹ công chăm sóc, nhân công lao động.

Còn ông Võ Văn Chuyển, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch An Phát, ở ấp 10, xã Vị Trung, cũng đang xây dựng nhà xưởng để đầu tư 30 trại trồng nấm với hơn 5.000 túi compost. Đặc biệt, mô hình này đã tìm được đầu ra nấm rơm ổn định cho HTX. Ông Chuyển thông tin: “Niềm vui lớn nhất của nông dân là bán được sản phẩm của mình làm ra. Nấm rơm trồng kiểu này được cơ sở thu mua hết với giá ổn định 50.000 đồng/kg nên tất cả thành viên đều đồng ý và góp vốn làm ngay”.

Tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, việc nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả cũng được người dân hưởng ứng. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được bà con chuyền tay, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình trồng mít ruột đỏ đang được nhiều nông dân quan tâm. Như ông Nguyễn Minh Trắng, ở ấp 3, xã Vị Đông, chỉ có hơn 100 cây mít ruột đỏ nhưng mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Ông Trắng cho biết, qua nhiều lần chuyển đổi cây trồng, gia đình quyết định chọn mít ruột đỏ để trồng, bởi giá trị kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác. Mỗi năm ông thu được hơn 3 tấn trái, giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Hai năm qua, ông Trắng đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mít ruột đỏ lên 12 công tầm lớn. Hiện nay, ông Trắng còn làm thêm dịch vụ ghép cây để nhân giống bán cho những nông dân có đam mê trồng mít như mình. Ông Trắng cho biết thêm: “So với các loại cây ăn trái khác, mít ruột đỏ có nhiều ưu điểm là ít sâu bệnh, giảm chi phí phân, thuốc. Tuy nhiên, vì là cây ghép nên khó khăn trong giai đoạn đầu khi xuống giống. Vì vậy, để cây cho năng suất cao, tôi sẽ nhận gia công trồng, ghép tận vườn cho bà con. Ngoài ra, vận động bà con bón phân hữu cơ kết hợp phân hóa học với liều lượng hợp lý”.

Hiện nay, trồng mít ruột đỏ là mô hình mới của huyện Vị Thủy, chỉ có tại xã Vị Đông với quy mô hơn 1ha. Chính vì vậy, qua khuyến cáo của ngành chức năng và địa phương, ông Trắng sẵn sàng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng. Đặc biệt, ông còn nhận bao tiêu mít trái của bà con với giá hơn 50.000 đồng/kg. Có thể thấy đây là một tín hiệu khả quan, mô hình nhiều hứa hẹn đem lại kinh tế cao cho bà con nông dân khi lựa chọn trồng mít ruột đỏ.


Bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng Bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng… Kohitur, giống xoài ‘vua’ ở Tây Bengal Kohitur, giống xoài ‘vua’ ở Tây Bengal