Trồng lúa Cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật khi chăm sóc lúa xuân

Cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật khi chăm sóc lúa xuân

Author Đinh Chúc (thực hiện), publish date Wednesday. May 29th, 2019

Cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật khi chăm sóc lúa xuân

Vụ đông xuân 2013-2014 là vụ sản xuất lớn trong năm, quyết định đến năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả năm... nhưng đang gặp phải những khó khăn, nhất là thời tiết, khí hậu. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh về vấn đề này.

Nông dân Xã Gia Tường (Nho Quan) cấy lúa xuân. Ảnh: Đức Lam

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết mục tiêu và kế hoạch của vụ đông xuân 2013-2014?

Đ/c Phạm Văn Trung: Mục tiêu chung của vụ đông xuân là đẩy mạnh sản xuất, góp phần thực hiện kế hoạch sản lượng thóc cả năm, chủ động về thời vụ, quỹ đất cho vụ mùa, vụ đông; tiếp thu ứng dụng các tiến bộ về KHKT, nhất là về giống cây trồng, con nuôi và biện pháp thâm canh, phòng trừ dịch hại. Mục tiêu cụ thể là: gieo cấy 41.000 ha lúa, năng suất phấn đấu 65 tạ/ha; trồng 2.000 ha ngô, năng suất 35 tạ/ha; 4.000 ha lạc, năng suất 22 tạ/ha; 2.500 rau đậu, năng suất 140 tạ/ha; 100 ha cói, năng suất 90 tạ/ha; 1.000 ha sắn, năng suất 150 tạ/ha; 1.000 ha mía, năng suất 600 tạ/ha. Đối với cây lúa, bố trí 5% diện tích trà xuân sớm ở vùng ruộng trũng, thùng đào, vùng ngoài đê bằng các giống lúa lai, lúa thuần ngắn ngày, cấy trước Tết Nguyên đán, nhằm thu hoạch sớm trước 20-5 để tránh lụt tiểu mãn; Trà xuân muộn bố trí 95% diện tích bằng các giống lúa lai (Nhị ưu 838, Phú ưu 1, Thục hưng 6, Đại dương 1, Bio 404, CT 16, CNR02...) và lúa thuần (KD 18, Hoa ưu 109, Nếp 97, LT2, Bắc thơm số 7, QR 1, DQ 11, RVT, HT 9, HDT 8...) , mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, LT2, QR 1...). Phấn đấu toàn tỉnh thâm canh từ 15.000 ha lúa chất lượng cao trở lên... Chủ động gieo cấy lúa xong trước ngày 25-2.

P.V: Đến thời điểm này, xin đồng chí cho biết tiến độ thực hiện vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh?

Đ/c Phạm Văn Trung: Bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là UBND tỉnh mới ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển lúa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH và sản xuất hàng hóa bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đang từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân cả về vật chất và tinh thần; cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất ngày càng được tăng cường; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành được nâng lên, nhất là việc xây dựng kế hoạch sản xuất và phương án phòng, chống rét cho lúa, mạ, cây trồng; hầu hết các trà gieo mạ tập trung trong trung tuần tháng 1, sau khi gieo xong gặp điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nắng ấm kéo dài nên mạ sinh trưởng phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của 2 đợt rét sau Tết Nguyên đán đã làm chậm tiến độ gieo cấy lúa trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với trà lúa xuân sớm tập trung ở Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp, do chúng ta gieo cấy sớm, trước Tết Nguyên đán để tránh lụt tiểu mãm nên giai đoạn sau khi cấy ít bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại hơn, xong làm chậm quá trình chăm sóc đợt 1 dẫn đến lúa đẻ nhánh chậm. Đối với trà xuân muộn: Một số diện tích cấy sau Tết Nguyên đán, sau khi cấy xong gặp rét đậm, rét hại nên bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là những chân ruộng sau khi cấy xong bị thiếu nước, cấy mạ non nên đã làm chết lúa phải bổ sung giống để cấy lại. Đối với những diện tích mạ chưa cấy được do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, đặc biệt là những diện tích mạ trên nền đất cứng sinh trưởng phát triển kém do làm sướng mạ quá mỏng, khi mạ đã đủ tuổi thì dinh dưỡng trên sướng mạ đã hết nên đủ cung cấp cho cây sinh trưởng, phát triển, do đó phải xử lý để mạ phục hồi rồi mới đem ra ruộng cấy được. Nhờ sự tập trung cao trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, khắc phục khó khăn và sự cần cù, tích cực của người nông dân... nên đến ngày 26-2 toàn tỉnh đã gieo cấy được...ha lúa.

P.V: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, đồng chí có những khuyến cáo gì đối với các địa phương và người nông dân trong thời gian tới?

Đ/c Phạm Văn Trung: Trong thời gian tới, các địa phương và người nông dân cần tập trung cao cho các công việc như dặm tỉa, cấy bổ sung, dảnh lúa, khóm lúa bị chết do ảnh hưởng của rét; chăm sóc, điều tiết nước phù hợp cho lúa nhanh bén rễ hồi xanh.

Với diện tích trà xuân sớm: Tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Điệp, hiện nay lúa đang trong giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, bà con cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt ruộng từ 3 - 5cm, bón thúc sớm, bón đầy đủ và cân đối để giúp cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung. ở diện tích lúa mới cấy: Cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt từ 2 - 3 cm để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa bén rễ hồi xanh, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn. Với một số diện tích lúa bị ảnh hưởng ít, lá bị vàng, bộ rễ phát triển chậm, có thể bón bổ sung 5 - 7kg supe lân để tăng cường phát triển của bộ rễ, khi nào cây lúa ra rễ trắng và lá mới thì tiến hành chăm sóc như bình thường. Còn đối với một số diện tích bị chết, cần tiến hành dặm tỉa bổ sung bằng mạ cùng giống, cùng tuổi. Đối với diện tích lúa gieo thẳng: Tiếp tục duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm. Thường xuyên kiểm tra để dặm tỉa và gieo bổ sung để kịp thời vụ. Cần khẩn trương huy động mọi nguồn lực để cấy nhanh, cấy gọn và cấy hết diện tích trong khung thời vụ và khi thời tiết cho phép. Diện tích mạ sinh trưởng phát triển kém có biểu hiện lá vàng úa do chúng ta làm sướng mạ mỏng, không đủ dầy, không được bón lót đầy đủ và không được che nilon trong những ngày rét đậm, thì bà con có thể dùng supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới thường xuyên (tuyệt đối không được tưới nước phân đạm) khi cây mạ dần phục hồi thì tiến hành cấy ngay. Diện tích mạ dư thừa cần tiếp tục chăm sóc và bảo vệ để dự phòng trong trường hợp lúa bị khuyết dảnh, khuyết khóm thì vẫn có đủ mạ cùng tuổi, cùng giống để dặm bổ sung đảm bảo mật độ; gieo dự phòng mạ bằng các giống ngắn ngày; dự phòng giống để áp dụng biện pháp gieo thẳng cho kịp thời vụ khi cần. Đối với sâu bênh, trước mắt cần tập trung tổ chức đánh bắt chuột và ốc bươu vàng. Đến giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ cần phòng trừ bệnh đạo ôn, rầy...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Phòng trừ sâu bệnh cuối vụ Phòng trừ sâu bệnh cuối vụ Gieo thẳng lúa - giải pháp tăng hiệu quả trong sản xuất Gieo thẳng lúa - giải pháp tăng hiệu…