Cần sớm điều chỉnh một số quy định cho phù hợp
Thực tế đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo đó, người nuôi cá tra rơi vào tình trạng điêu đứng…
Doanh nghiệp bức xúc vì khó thực hiện
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Hải Hương (Khu Công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết: “Từ khi nghị định này ra đời, dù vẫn chưa thực hiện nhưng một số đối tác của họ đã yêu cầu phía công ty phải sản xuất đúng tiêu chuẩn “khó thực hiện” trong nghị định.
Như Điểm b, Khoản 3, Điều 6 của Nghị định số 36 quy định: Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Các trường hợp khác, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%. Trong khi đó, thực tế tỷ lệ mạ băng được đưa ra bởi cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu hoặc bởi nhà nhập khẩu nếu nước nhập khẩu không có quy định.
Do đó, chỉ cần quy định doanh nghiệp ghi rõ tỷ lệ mạ băng trên nhãn hàng hóa là đủ. Còn tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6 quy định: “Hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi-lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm”. Về mặt thương mại, các thị trường lớn hiện nay chưa có quy định cụ thể về hàm lượng nước trong thực phẩm vì đây là một chỉ tiêu chất lượng hàng hóa.
Do đó, nếu áp đặt một mức chất lượng chung cho tất cả thị trường thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo tôi, việc đưa ra quy định như thế là không cần thiết, hơn nữa còn tạo điều kiện để doanh nghiệp đối tác nước ngoài gây khó dễ và hạ giá cá tra Việt Nam” - ông Hải phân tích.
“Hải Hương bị các doanh nghiệp nhập khẩu của thị trường Pakistan buộc phải cung cấp hàng hóa đúng theo quy định của Nghị định số 36 về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng tối đa nước đá và Hải Hương đã không thể sản xuất nổi, đành tiếc nuối bỏ hợp đồng vốn đã ký trước một năm.
Thiệt hại cho công ty là rất lớn, ước tính khoảng 100 container sản phẩm cá tra. Và như tôi từng nói, nếu Nghị định số 36 khi đưa vào thực hiện mà không điều chỉnh cho hợp lý hơn thì Hải Hương là doanh nghiệp đầu tiên tuyên bố ngừng sản xuất cá tra” - ông Hải khẳng định.
Cũng theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, một quy định khác cũng “gai góc” không kém, đó là ở Khoản 2, Điều 7, buộc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Quy định này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian làm thủ tục xác nhận với Hiệp hội, các lô hàng xuất khẩu đều phải đưa qua luồng vàng để hải quan kiểm tra hồ sơ, việc này làm tăng thêm nhiều chi phí do phát sinh thêm thủ tục hành chính, ảnh hưởng về thời gian giao hàng, về tính bảo mật thông tin hợp đồng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Có thể nói, đây là quy định đi ngược lại với tinh thần của Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay.
Kiến nghị điều chỉnh lại một số quy định
Theo thống kê của cơ quan quản lý xuất nhập khẩu (thuộc Sở Công Thương), 7 tháng năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ xuất sản phẩm cá tra phi-lê được 11.834 tấn, giảm hơn 9.000 tấn so với năm 2014 (21.157 tấn).
Trong đó, Công ty Cổ phần thủy sản Hải Hương chỉ xuất được 9.612 tấn (năm 2014 là 16.136 tấn); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre 2.219 tấn (năm 2014 là 3.877 tấn); một số nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động.
Đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động từ 19 - 21 ngàn đồng/kg, trong khi năm 2014, giá dao động ở mức 19 - 24,5 ngàn đồng/kg. Người nuôi cá tra liên tục thua lỗ, phá sản. Bên cạnh đó, Nghị định số 36 cũng quy định, đến cuối năm 2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp.
Với quy định này, ngành Nông nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch điều chỉnh, quy hoạch lại vùng nuôi, trong đó, bỏ một số mô hình nuôi xen cá tra… giảm đáng kể diện tích nuôi cá tra của tỉnh so với hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vừa qua, sau khi tiếp nhận, xem xét những thông tin doanh nghiệp phản ánh, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ Khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 36 để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất khẩu và nâng tính cạnh tranh mặt hàng cá tra Việt Nam.
Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh quy định tại Điểm b và c của Khoản 3, Điều 6 về tỷ lệ mạ băng, tỷ lệ hàm lượng nước tối đa của sản phẩm.
Đối với hai tiêu chí này nên theo quy định của nước nhập khẩu và quy định doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Việt Nam phải quản lý, công bố tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh trên nhãn mác, bao bì.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ