Cẩn Trọng Trong Nuôi Tôm
Nhờ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh bùng phát nhẹ, cộng với giá tôm tăng cao… nên nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang vui mừng trước một vụ tôm thắng lợi. Tiếp đà thành công, một số hộ đã bắt đầu thả nuôi tôm vụ 2, trong sự bấp bênh, lo lắng...
Những ngày này, về các đầm tôm tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, dễ nhận thấy niềm vui trên khuôn mặt của những người nông dân quanh năm bám đầm, bám hồ. Từng đoàn xe đông lạnh chạy nối đuôi nhau chở tôm đi tiêu thụ khắp nơi. Gia đình ông Trần Ngọc Vang, khối 3 Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) thuê 2 đầm tôm với diện tích 2ha đã gần 10 năm nay ở xã Quỳnh Thuận.
Năm 2012, do dịch bệnh khiến ông mất gần 100 triệu đồng. Bước sang năm nay, ông Vang quyết định thả sớm hơn để cố gắng nuôi được 2 vụ. Để thả hết 2 ha ông phải mua 90 vạn con giống, hết 67 triệu đồng. Vừa qua, ông Vang thu hoạch được hơn 15 tấn tôm thẻ chân trắng, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Vang cho biết: Năm nay, do thời tiết thuận lợi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc xử lý ao đầm, tuyển chọn tôm giống kỹ càng nên tôm phát triển tốt và cho thu hoạch lớn.
Những hộ đạt kết quả thắng lợi từ vụ tôm đầu tiên trong năm, như gia đình ông Vang không phải là hiếm. Gia đình ông Hoàng Văn Hồng, xóm Hồng Phong, xã An Hòa (Quỳnh Lưu), sau khi kết thúc vụ 1, ông bán được hơn 1,5 tấn tôm thẻ chân trắng. Nhà ông Hồng có 2.600m2 diện tích nuôi tôm. Nhờ xử lý ao đầm tốt, quá trình chăm sóc chu đáo, cộng với mật độ nuôi giảm nên đàn tôm của ông phát triển tốt, khi thu hoạch đạt khoảng 80 con/kg. Theo ông Hồng, giá tôm thẻ chân trắng năm nay tăng 30.000 đồng/kg nên người dân càng thắng lợi lớn. Giá tôm hiện tại là 80.000 đồng/kg loại 100 con/kg, 180.000 đồng/kg, cuối vụ ông Hồng có lãi hơn 150 triệu đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản: Đến thời điểm này, vụ nuôi tôm thứ 1 trong năm 2013 cơ bản đạt thắng lợi. Tổng diện tích nuôi tôm của vụ 1 trên toàn tỉnh đạt 1.400 ha và đã thu hoạch được khoảng gần 85% diện tích nuôi. Sản lượng thu hoạch đến thời điểm này đạt 5.200 tấn, năng suất bình quân đạt khá từ 5,5 - 6 tấn/ha, toàn vụ 1 ước đạt khoảng 6.500 tấn/7.000 so với kế hoạch. So với năm 2011 thì năng suất chưa bằng nhưng so với năm 2012 thì vượt trội hơn hẳn. Như tại HTX Mai Hùng có tổng diện tích nuôi tôm là 40ha của 35 hộ nuôi. Sau vụ 1, có 32/35 hộ có lãi, 2 hộ hòa và 1 hộ thua. Tổng sản lượng thu hoạch của toàn HTX đạt hơn 200 tấn tôm thẻ chân trắng. Có những đầm tôm chỉ 3.000m2 nhưng năng suất đạt gần 6 tấn.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thắng lợi như trên, trước hết là do thời tiết của vụ nuôi cơ bản đạt thuận lợi. Trong suốt quá trình nuôi, hầu như không có cơn mưa nào bất thường nên môi trường nước không bị thay đổi đột ngột. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, kiểm dịch nên chất lượng nguồn giống đã được quản lý chặt chẽ. Dù có một số doanh nghiệp mới đã bắt đầu đưa giống vào bán nhưng việc tổ chức ương gièo, chấp hành tốt các quy định của tỉnh .
Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức của người nuôi đã được nâng cao hơn. Từ đầu vụ, công tác xử lý ao đầm, lựa chọn giống, mật độ thả và lịch thời vụ được người dân thực hiện tốt, đúng theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp. Trong quá trình chăm sóc, người dân thực hiện tốt việc xử lý nước, theo dõi tôm nên tôm phát triển nhanh. Niềm vui của người dân được nhân lên khi giá tôm năm nay tăng cao. Nguyên nhân là do thị trường tôm của Thái Lan, Malaixia thiếu tôm do nguồn tôm trong nước bị dịch bệnh.
Hiện nay, nhiều hộ dân đã tiến hành thả giống cho vụ nuôi thứ 2 trong năm. Đây là vụ nuôi được ngành Nông nghiệp khuyến cáo là có sự rủi ro về thiên tai rất lớn. Theo kế hoạch, vụ 2 năm nay, toàn tỉnh sẽ thả nuôi khoảng 75% diện tích của vụ thứ 1. Như vậy, diện tích sẽ tăng lên so với năm 2012 là hơn 600 ha. Tuy lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo là phải sang tháng 9 mới tiến hành thả giống, nhưng người nuôi tôm sau khi xử lý ao đầm đã tiến hành thả ngay.
Căn cứ trên những diễn biến của các năm trước và thời tiết, chỉ những vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo thì mới tiến hành thả vụ 2. Vì khi tôm mới thả đang còn yếu mà nếu gặp những đợt mưa lớn thì môi trường sẽ thay đổi đột ngột, tôm sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là vụ không chắc ăn nhưng người dân nóng lòng nên đã không chấp hành đúng chủ trương đó. Đối với vấn đề tôm giống, theo Chi cục NTTS cho biết, nguồn tôm giống sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Công tác kiểm tra, kiểm dịch chất lượng tôm giống đã và đang được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm loại bỏ những giống kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến cộng đồng nuôi.
Những tồn tại, khó khăn sau khi kết thúc mỗi vụ tôm, cũng được ông Trần Xuân Học chia sẻ: Hiện nay, tồn tại lớn nhất chưa xử lý triệt để được là vấn đề ô nhiễm của môi trường. Sau mỗi vụ nuôi, do nhận thức còn hạn chế nên người dân mở cống xả nước thải ra ngoài môi trường mà không được xử lý. Từ đây, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm hơn nên kéo theo chi phí xử lý nước trước khi nuôi của người dân lại tăng lên.
Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm hiện đang rất khó. Qua nhiều đợt lấy mẫu kiểm tra, hàm lượng vi khuẩn có lợi trong sản phẩm là rất thấp, có sản phẩm chỉ đạt dưới 3%. Từ đây, để xử lý ao đầm thì chi phí cho việc mua sảm phẩm này lại tăng lên. Từ đó, thiệt thòi cuối cùng vẫn là về phía người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ