Mô hình kinh tế Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Ngày đăng 22/08/2014

Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Đó là vấn đề mà người tiêu dùng lo lắng trước nhiều thông tin táo Trung Quốc (TQ) tràn ngập thị trường “đội lốt” táo nhập khẩu từ các nước New Zealand, Mỹ... trong khi rất khó phân biệt nguồn gốc, xuất xứ.

Khó nhận biết

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, 7 tháng đầu năm, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 58% so với hàng nhập khẩu từ nước khác. Thông tin này làm người tiêu dùng không khỏi băn khoăn bởi lượng táo TQ nhập nhiều như vậy đã đi đâu?

Trong khi hiện nay, đến hệ thống siêu thị hay chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh không khó nhận thấy nhiều loại trái cây nhập khẩu được bày bán, trong đó chiếm đại đa số vẫn là táo (bôm) với nhãn mác gắn nguồn gốc khác nhau như: táo Chile, New Zealand, Fuji hay táo Mỹ,… với giá trung bình từ 54.000-70.000 đồng/kg.

Theo nhận định của người tiêu dùng, thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng trái cây ngoại nhập đã giảm rõ rệt so với vài tháng trước. Mức giảm ít nhất cũng từ 5.000-10.000 đồng/kg, có loại giảm trên 20.000 đồng/kg.

Các tiểu thương tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh cho biết, mỗi ngày các lô, sạp bán không dưới 50kg trái cây các loại, trong đó trái cây nhập khẩu khoảng từ 10-12kg, các đối tượng mua hàng chủ yếu là người có thu nhập cao. Quan sát mẫu mã, kể cả người bán và người tiêu dùng đều khó phân biệt được.

Chị Trần Thị Lệ Thu, tiểu thương ở chợ Vị Thanh, cho biết: “Khi thương lái chuyển hàng từ Sài Gòn về kèm theo mớ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thì chấp nhận vậy. Nhưng nếu hỏi về việc đâu là táo TQ, đâu là táo Mỹ, táo Nhật thật thì tôi cũng bó tay. Bởi, chỉ có người nhập trực tiếp mới biết cách phân biệt được”.

Như vậy, chính tiểu thương cũng không nhận biết được, thì người mua sản phẩm càng mù mờ hơn. Chị Nguyễn Thị Huệ, một người tiêu dùng, cho biết: “Nhìn bề ngoài thật sự rất khó nhận biết giữa táo Mỹ hay táo TQ. Theo tôi, chỉ có thể biết được nhờ chất lượng bên trong. Nếu là táo TQ thì ít nước và nhẹ hơn, độ ngọt không bằng, nhưng chỉ những người ăn thường xuyên mới nhận ra”.

Khi nào ngành chức năng vào cuộc ?

Khi người tiêu dùng hỏi mua và yêu cầu xác nhận nguồn gốc thật của các loại trái cây này, các tiểu thương đều khẳng định không có hàng TQ, tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới tường tận gốc gác. Nhưng nếu loại trái cây này ẩn sau sản phẩm từ nước khác thì người tiêu dùng càng gặp khó trong khâu lựa chọn.

Bởi, sử dụng trái cây ngoại là một trong những xu thế tiêu dùng hiện nay, nhất là hộ có thu nhập cao. Do vậy, những thông tin liên quan đến trái cây TQ có nguy cơ ngậm hóa chất “đội lốt” sản phẩm nước khác cũng phần nào tác động đến tâm lý mua sắm của những đối tượng này.

Theo nhân viên quầy hàng hoa quả tại Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, hiện táo nhập khẩu được bán tại siêu thị khá nhiều và có đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc. Để nhận biết sơ bộ có phải táo TQ hay không, đầu tiên sản phẩm phải có tem chứng nhận xuất xứ.

Khi quan sát bên ngoài, người tiêu dùng phải tập trung vào phần vân của vỏ quả, táo Mỹ, Nhật vân bóng, đều màu, phần cuống cạn và dai. Trong khi đó, táo TQ thì trọng lượng nhẹ hơn, cuống dễ rụng, khi bỏ vào bao bảo quản, lâu ngày sẽ có một lớp bụi như phấn màu trắng bên ngoài vỏ, đó là chất bảo quản được tẩm vào. Mặt khác, ngoài chợ rất ít bán táo Mỹ, chủ yếu là táo Nhật, Thái, Việt Nam”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Hàng năm, chi cục đều có chương trình kiểm tra về chất lượng nông sản, trong đó có bóc mẫu rau, củ, quả định kỳ (mỗi tháng lấy 3 mẫu), nhằm phát hiện sớm những chất cấm, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép.

Đúng như thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cung cấp, các loại trái cây nhập khẩu đang lưu thông trên thị trường như táo, nho, khoai tây nhiều khả năng là hàng TQ xen lẫn rồi thay đổi nguồn gốc, giá cả vẫn cao như các mặt hàng nước khác.

Như vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác, nếu thấy nghi ngờ về sản phẩm thì không nên mua. Muốn sử dụng phải yêu cầu cơ sở kinh doanh cho thông tin rõ ràng. Các cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận về các loại trái cây nhập khẩu.

Song song đó, khi phát hiện trái cây không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì hãy báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền hoặc gọi vào đường dây nóng (07113 582 204 hay 0913 530 703) sẽ có đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất.


Phụ Nữ Thôn An Hiệp Giúp Nhau Làm Kinh Tế Phụ Nữ Thôn An Hiệp Giúp Nhau Làm… Cá Ruộng Vào Mùa Cá Ruộng Vào Mùa