Càng Chậm Ứng Dụng Cây Trồng Biến Đổi Gen, Nông Dân Càng Thiệt
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố về Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) năm 2012 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Hội nghị do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức.
Diện tích canh tác vượt 170 triệu ha
Số liệu của ISAAA cho thấy, từ năm 1996 đến 2011, cây trồng CNSH đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng sản lượng cây trồng với trị giá đạt được lên đến 98,2 tỷ USD. Đặc biệt, việc ứng dụng loại cây trồng này đã tạo ra một môi trường tốt hơn bằng cách tiết kiệm 473.000 tấn thuốc trừ sâu. Chỉ tính riêng năm 2012, cây trồng CNSH đã giúp giảm nghèo cho trên 15 triệu nông dân quy mô nhỏ...
TS Randy A Hautea - điều phối viên toàn cầu của ISAAA cho biết, năm 2012, nông dân toàn cầu đã đưa cây trồng CNSH vào canh tác trên diện tích kỷ lục là 170,3 triệu ha, với mức tăng bình quân 6% (tương đương tăng 10,3 triệu ha so với năm 2011). Lý giải điều này, TS Clive James- Chủ tịch ISAAA khẳng định: "Có một lý do quan trọng và bao trùm, đó là niềm tin của nông dân đối với cây trồng CNSH. Thực tế cho thấy, nông dân là những người rất thông minh, họ chỉ lựa chọn và ứng dụng những tiến bộ tốt nhất trong sản xuất của mình".
Chậm ứng dụng sẽ thiệt
GS-TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho biết, theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam công bố, năm 2012 các doanh nghiệp của Việt Nam đã phải chi khoảng 2,5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chủ yếu được nhập từ các nước như Mỹ, Argentina... là những nước có tới 90% diện tích đã trồng cây trồng BĐG.
GS Xuân cũng nhận định: "Trong khi chúng ta đã sử dụng sản phẩm từ cây trồng BĐG rồi, nhưng lại vẫn cứ ngồi để lo sợ về độ an toàn. Chúng ta đã xác định lộ trình nhưng các bước triển khai hiện nay lại chậm...". PGS-TS Nguyễn Văn Tuất- Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của VN, trong đó ngô là cây trồng đang được Chính phủ rất quan tâm và có tiềm năng để phát triển ứng dụng CNSH".
TS James chi sẻ: "Vấn đề quan trọng nhất ở Việt Nam là thông tin về cây trồng CNSH cần được cung cấp cho người dân đầy đủ, xác thực và khách quan để chính người dân được lựa chọn và quyết định"- TS James chia sẻ. Cũng theo TS James, thực tế cho thấy từ khi cây trồng CNSH được ứng dụng (năm 1996) đến nay, trên toàn cầu đã có 3.000 tỷ bữa ăn từ các sản phẩm của cây trồng CNSH, nhưng chúng ta đều chưa thấy có vấn đề gì, độ an toàn vẫn được đảm bảo.
"CNSH là một thành tựu KHCN toàn cầu, các nước cũng đang có xu thế sử dụng cây trồng CNSH nhiều hơn. Do đó, nếu Việt Nam không sớm ứng dụng cây trồng này, sẽ càng chịu thiệt thòi cho cả người nông dân do không tăng được sản lượng, đồng thời cũng phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu lương thực"- TS James đưa ra nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ