Mô hình kinh tế Canh bạc nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch

Canh bạc nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch

Ngày đăng 14/09/2015

Canh bạc nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch

Những nông hộ nuôi theo kiểu “tự do” ấy khát khao làm giàu chính đáng trên thửa ruộng, đồng đất của gia đình mình, nhưng con đường làm giàu được cho là chông chênh, mạo hiểm…

Sức hút nuôi tôm công nghiệp

Theo trục lộ chính về các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, không khó bắt gặp những đầm tôm sú, tôm thẻ chân trắng được nông hộ nuôi theo mô hình thâm canh, năng suất cao. Không giống như trước, giờ đây, nhiều hộ dân ở mức đủ ăn hoặc trung bình khá cũng tập tành nuôi tôm công nghiệp.

Có hộ may mắn đổi đời chỉ sau vài vụ trúng tôm, trúng giá, nhưng nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.

Gia đình ông Trần Văn Thiện, ngụ ấp Cái Ðôi Nhỏ (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) là một thí dụ. Vào năm 2012, ông Thiện thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để thuê người phá vuông tôm quảng canh chuyển qua nuôi tôm công nghiệp.

Đến nay, ông Thiện thu hoạch ba vụ tôm nhưng có tới hai vụ thất bại, kinh tế gia đình sa sút. “Tiền vay ngân hàng, gia đình tôi chỉ đóng lãi cầm cự, vay mượn thêm vốn của bà con, họ hàng để nuôi tiếp vụ thứ tư, hy vọng gỡ gạc chứ thất bại nữa chắc trắng tay, thậm chí bán đất để trả nợ” - ông Thiện chua chát cho biết.

Bi đát hơn là trường hợp gia đình ông Hà Văn Hùm, ngụ ấp Tân Thành A (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi). Hơn tám năm về trước, ông Hùm thuộc diện hộ khá trong vùng, vuông tôm quảng canh mỗi tháng giúp gia đình ông thu về cả chục triệu đồng. Thấy nông hộ vùng lân cận “giàu sụ” khi trúng tôm công nghiệp, ông Hùm “bắt chước”, đầu tư nuôi hai đầm nuôi công nghiệp.

Ông không gặp vận hên khi càng nuôi càng thất bại. “Vốn liếng của gia đình hơn nửa tỷ đồng không thu lại được, còn mắc nợ đại lý thức ăn. Phải chi hồi đó không “chạy theo phong trào” thì đâu đến nỗi…” - Ông Hùm ứa nước mắt, bỏ lửng câu nói.

Không chỉ vùng chuyên nuôi tôm, mô hình nuôi tôm công nghiệp có sức hút mãnh liệt với cả nhà nông vùng cây con hệ ngọt như Thới Bình. Theo quốc lộ 63 về trung tâm huyện Thới Bình, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm đầm tôm công nghiệp đã hình thành; nhiều nơi nông hộ thuê cơ giới đào múc đầm, chuẩn bị nuôi công nghiệp.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng huyện này, từ vài hộ tự phát ban đầu, đến nay toàn huyện Thới Bình đã có hơn 100 ha nuôi tôm công nghiệp và đang biến động theo chiều hướng tăng nhiều trong thời gian tới.

Chánh Văn phòng UBND huyện Thới Bình Đỗ Hữu Lực cho biết, trước thực trạng hộ dân “xé rào” nuôi tôm công nghiệp, trong đợt làm việc với đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau hồi đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo huyện Thới Bình phải báo cáo, đề xuất xin được chuyển một phần diện tích tại các vùng trũng không thể sản xuất lúa - tôm kết hợp sang nuôi tôm công nghiệp.

Tại miệt rừnghuyện Ngọc Hiển, điều kiện thổ nhưỡng, đất đai thích hợp phát triển các mô hình nuôi tôm kết hợp các loài thủy sản khác dưới tán rừng ngập mặn, nhưng gần đây hộ dân cũng manh nha nuôi tôm công nghiệp.

Trong vòng chưa đầy một năm rưỡi trở lại đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện Ngọc Hiển phát triển hơn 166 ha. Trong đó, hộ nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch gần 73 ha.

Bất ổn ngoài quy hoạch

Đến hết tháng 8-2015, tỉnh Cà Mau có hơn 9.258 ha tôm công nghiệp, tăng hơn 1.200 ha so với đầu năm. Phần lớn là diện tích nuôi tự phát. Tại huyện Phú Tân, trong năm 2013, toàn huyện chỉ có 1.200 ha nuôi tôm công nghiệp, đến nay, diện tích nuôi theo mô hình ấy khoảng 2.300 ha.

Số tăng ấy là tự phát.

Giáp ranh với Phú Tân là huyện Cái Nước, năm 2014 chỉ có 1.100 ha nhưng đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng lên hơn 1.690 ha.

Trước tình hình nuôi công nghiệp tự phát phát triển nhanh, lãnh đạo huyện Phú Tân phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, định hướng đến năm 2020 phát triển lên khoảng 3.800 ha nuôi tôm công nghiệp; còn ở Cái Nước giai đoạn trên được điều chỉnh lên 5.000 ha.

Diện tích nuôi tôm công nghiệp mở rộng khiến công tác quy hoạch chưa theo kịp. Hay nói đúng hơn, ngành chức năng Cà Mau quy hoạch sau khi dân đã làm tự phát. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng ở những vùng tự phát không theo kịp, tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh gây hại tôm.

Ông Lý Văn Khen, hộ nuôi công nghiệp ấp 6 (xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình) chia sẻ, do nuôi tự phát, chưa nắm vững kỹ thuật nên gia đình ông phải nhờ đại lý cung ứng thuốc, thức ăn hỗ trợ kỹ sư tư vấn, tốn thêm khoản tiền không nhỏ.

“Ở đây chưa có nguồn điện ba pha, điện chạy quạt ô-xy chập chờn nên tôi mua luôn bình hạ thế điện cả trăm triệu đồng. Nhưng giá điện tôi phải trả gần gấp đôi so với hộ trong vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp” - ông Khen than vãn.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Văn Den cho biết, hộ tự phát nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch không được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, hóa chất xử lý môi trường khi tôm bị dịch bệnh, hạ tầng vùng nuôi, nhất là về thủy lợi và điện ba pha.

Những thiệt thòi nêu trên cộng với giá cả đầu vào tăng trong khi giá tôm đang xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp dù nuôi thành công nhưng vẫn không có lời, có khi còn bị lỗ vốn” - ông Den khẳng định.

Nhằm tạo bước đột phá về sản lượng và chất lượng cho con tôm đến năm 2015, tỉnh Cà Mau quy hoạch hai vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung quy mô gần 2.000 ha, thuộc xã Hòa Tân (TP Cà Mau) và xã Tân Trung (huyện Ðầm Dơi).

Tuy nhiên, sau khoảng bốn năm kể từ ngày được phê duyệt, việc thực hiện vùng nuôi quy hoạch nêu trên chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân, một phần do thiếu vốn đầu tư hạ tầng vùng nuôi; một phần do việc thỏa thuận lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân gặp trục trặc.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau Mã Huy cho biết: Kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư thì không có quỹ đất sạch; còn người dân thì có đất, muốn được đầu tư về hạ tầng để phát triển vùng nuôi nhưng không muốn cho thuê với giá rẻ.

“Những bất đồng về lợi ích ấy khiến đề án phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Cà Mau bị trì trệ” - ông Huy chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng cho biết: Tới đây, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch một số nơi đủ điều kiện về “thiên thời, địa lợi” để nhân dân nuôi tôm công nghiệp và chính quyền cũng tiện quản lý. Khi ấy, người nuôi sẽ được hỗ trợ và hưởng lợi từ các chính sách liên quan.


Thức ăn chăn nuôi cần sự minh bạch Thức ăn chăn nuôi cần sự minh bạch Hướng đi mới cho sản xuất nhãn lồng ở Hưng Yên Hướng đi mới cho sản xuất nhãn lồng…