Cánh đồng lúa ưu việt cho ĐBSH
Muốn có ngành hàng lúa gạo với quy mô hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao và tạo dựng được thương hiệu, đồng bằng sông Hồng cần thay đổi tư duy canh tác và tổ chức sản xuất.
Nhất thiết, phải thực hiện tập trung đồng ruộng, hình thành những cánh đồng lớn, ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Năng suất lên tới 76 tạ/ha
Vụ xuân 2017, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (TTCGCN&KN - thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) đã xây dựng 6 mô hình cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ theo cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Hà Nam.
Những mô hình này được chính người trồng lúa và chính quyền địa phương khẳng định là “hiệu quả hơn hẳn so với phương thức truyền thống (cấy tay - PV)”, khi lợi nhuận có thể tăng thêm trung bình từ 9 - 14 triệu đồng/ha (cá biệt ở Bắc Giang, lợi nhuận tăng thêm lên tới 20 triệu đồng) so với phương thức canh tác truyền thống đại trà.
Theo ông Phạm Văn Dân, Phó Giám đốc TTCGCN&KN: Cánh đồng lớn được xác định là tiền đề đưa ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững bằng cách đưa nông hộ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, có sản phẩm đồng bộ tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Điểm chung của các mô hình cánh đồng lớn mà Trung tâm này xây dựng là sản xuất lúa có tổ chức và tạo thành chuỗi sản phẩm; áp dụng đồng bộ cơ giới hoá từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch; sử dụng đồng bộ một giống và quy trình canh tác. Và, một điều rất quan trọng là phải liên kết được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tại các mô hình, nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật, học tập, chuyển giao kiến thức chuyên môn và thay đổi tư duy trồng lúa. Ông Dân lấy ví dụ, chỉ tính riêng việc thay đổi tập quán cấy tay bằng sử dụng mạ khay, máy cấy sẽ giúp giảm chi phí đầu tư từ 3,6 - 6,9 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà, giảm công lao động cho người nông dân trong khâu làm mạ, gieo cấy. Nhờ sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất lúa của các mô hình (như Bắc thơm 7 kháng bạc lá, NA2, Thiên ưu 8, Hương thơm Kinh Bắc, BT09...) trong vụ xuân 2017 đạt từ 60 - 76 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 5 - 11 tạ/ha.
Giải phóng sức lao động
Trong khuôn khổ hội nghị đánh giá mô hình cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa các tỉnh phía Bắc do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thái Bình vào cuối tuần qua, chúng tôi được thăm “cánh đồng mẫu lớn” với nhiều yếu tố rất ưu việt tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh đồng lớn thôn Bương Hạ Tây (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Cả cánh đồng Nội thôn Bương Hạ Tây chỉ cấy giống lúa duy nhất là VT-NA2, sử dụng cùng loại phân bón chuyên dùng cho lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Ông Vũ Văn Thuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Ngọc cho biết: Thời vụ gieo cấy, chăm sóc bón phân, phun thuốc được chỉ đạo sâu sát và thực hiện nghiêm tới các nông hộ; gieo mạ tập trung và cấy bằng máy Kubota; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp theo hợp đồng ký kết với HTX, thôn và chủ máy. Toàn bộ lúa VT-NA2 đều được HTX thu mua lại theo hợp đồng tiêu thụ nông sản với Cty CP Thương mại tổng hợp Toan Vân.
Kết quả cấy lúa VT-NA2 với mật độ 30 khóm/m2 cho thấy, số bông hữu hiệu đạt 315 bông/m2, tỷ lệ hạt chắc cao. Đặc biệt, dù chỉ phun phòng trừ 1 lần đồng loạt sâu cuốn lá, nhưng đồng ruộng rất sạch bệnh, năng suất dự kiến đạt khoảng 73 tạ/ha.
Bà Nguyễn Thị Hạ, thôn Bương Hạ Tây, tham gia sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, chia sẻ: "Giống lúa VT-NA2 rất ít sâu bệnh, bông tuy hơi ngắn nhưng kẽ dầy (hạt xếp sít), năng suất ước đoán trên 2,5 tạ/sào. 3,5 sào lúa của tôi chỉ mất chi phí 1.150.000 đồng từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, thời gian nhàn rỗi có thể làm việc khác thu nhập cao hơn".
Từ các mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở ĐBSH, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, quyền GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, lưu ý: Quy trình kỹ thuật là xương sống để hình thành các mô hình. HTX phải là trung tâm trong việc tổ chức, quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và hình thành các mối liên kết. Trong quá trình thiết kế mô hình phải xuất phát từ điều kiện thực tế của người dân địa phương để lựa chọn các tiến bộ khoa học phù hợp với điều kiện đồng đất và trình độ canh tác và đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc tham gia mô hình liên kết phải hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc...
Bà Nguyễn Thị Nga, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình,cho biết: Trong sản xuất lúa hiện nay, Thái Bình đã ứng dụng 100% cơ giới hoá khâu làm đất và 70% khâu thu hoạch, nhưng việc ứng dụng máy cấy chỉ đạt 1,8% diện tích gieo trồng. Mô hình này đã ứng dụng được cơ giới hoá đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất lúa và được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Đây là điểm sáng cần nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian tới để hướng đến một nền sản xuất hàng hoá, hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ