Mô hình kinh tế Cánh Đồng Mẫu Lớn Của Cây Ớt Không Còn Xa

Cánh Đồng Mẫu Lớn Của Cây Ớt Không Còn Xa

Ngày đăng 04/06/2013

Cánh Đồng Mẫu Lớn Của Cây Ớt Không Còn Xa

Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...

Trồng ớt lợi nhuận cao

Hiện nay, các vùng trồng ớt trên địa bàn huyện Bố Trạch đang vào mùa thu hoạch vụ chính trong năm. Hiện giá ớt được các thương lái đến tận nhà thu mua ở mức trên 30.000 đồng/kg, đã mang về nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Cách đây khoảng 5 năm, Cự Nẫm là một xã nghèo của huyện Bố Trạch với đối tượng cây trồng chính là cây lúa. Từ khi địa phương này thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng hoa màu, ngô, lạc và nay là ớt thì đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, nhiều người thoát nghèo và vươn lên khá giả. Hiện nay, toàn xã có trên 150 hộ tham gia làm mô hình trồng ớt với tổng diện tích trên 22,5 ha, trung bình mỗi hộ có diện tích từ 0,5 đến 2,5 sào, thậm chí có hộ trồng trên 3 sào.

Anh Lê Văn Tám, ở thôn Hà Môn, xã Cự Nẫm đang thu hoạch 3 sào ớt đang cho trái chín rộ vui vẻ cho biết, hiện nay ớt có giá rất cao. Hai hôm gần đây, thương lái báo giá ớt lên 36.000 - 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá ớt thay đổi liên tục nên khi nào bán mới biết giá chính thức. Điều chắc chắn là mỗi ki-lô-gam ớt có giá không dưới 30.000 đồng".

Theo ông Ngô Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cự Nẫm cho hay, mỗi năm bà con nơi đây trồng 2 vụ ớt, chủ yếu là giống ớt "chỉ thiên" do giống này dễ trồng, năng suất lại cao. Thường vụ 1 kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, sau đó bà con nhổ ớt, cải tạo đất, gieo hạt trồng vụ tiếp sao cho thu hoạch trước Tết âm lịch khoảng hơn một tháng. Mỗi vụ ớt chỉ khoảng hơn 100 ngày, trong đó 70 - 80 ngày là thời gian từ khi gieo hạt đến bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng một tháng.

Về hình thức, giống ớt chỉ thiên trái dài 4 - 5cm, đường kính 0,4 - 0,8cm, khi chín màu đỏ tươi, cay và bóng, thịt dày nên nhìn rất bắt mắt. thức, giống ớt chỉ thiên trái dài 4 - 5cm, đường kính 0,4 - 0,8cm, khi chín màu đỏ tươi, cay và bóng, thịt dày nên nhìn rất bắt mắt. Thêm vào đó, với lợi nhuận mang lại cao, cùng với những đặc tính như: sinh trưởng, phân nhánh mạnh, ra hoa nhiều, dễ đậu, năng suất cao so với ớt truyền thống nên giống ớt chỉ thiên đã thật sự hấp dẫn nông dân trên địa bàn huyện.

Ông Sâm cũng hồ hởi, vụ đông - xuân này, gia đình ông trồng 2 sào (500 m2/sào) ớt chỉ thiên, đến nay đã thu hoạch được khoảng 4,5 tạ. Với giá bán hiện nay khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng (mới chỉ thu hoạch khoảng 30% diện tích), cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng, hoa màu khác.

Theo tính toán của những người trồng ớt, với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí phân, thuốc, hạt giống, công chăm sóc... người trồng ớt còn lãi gần 20.000 đồng/kg. Nếu trồng 1 ha ớt (10.000 m2) sẽ thu hoạch được 10 - 12 tấn quả ớt/vụ (quả tươi) tương đương với 15,3 tạ/ha (quy khô), nông dân có mức lãi bình quân khoảng trên 200 triệu đồng/vụ. Như vậy, mỗi năm trồng 2 vụ ớt thì nông dân thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ha. Trong khi đó, trồng cây ớt không khó, chỉ đòi hỏi quy trình kỹ thuật khép kín và đầu ra ổn định là có thể cho lợi nhuận cao cho nên ớt chỉ thiên đang trở thành loại cây trồng được nhiều hộ dân ở vùng đồi huyện Bố Trạch lựa chọn.

Qua trao đổi với một số bà con tại ruộng ớt, chúng tôi được biết, mùa thu hoạch năm nay, một số thương lái thu mua ớt rồi đóng thùng bán lại cho các doanh nghiệp ở Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, sau đó sẽ xuất bán sang Trung Quốc. Qua quá trình sơ chế sẽ xuất khẩu đi các nước Châu Á như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan... Hiện nay, nhu cầu đang tăng mạnh nên ớt đang ở mức giá rất cao, có ngày phải thu mua ớt với giá trên 40.000 đồng/kg.

Phát triển bền vững cây ớt thành cánh đồng mẫu lớn

Toàn huyện Bố Trạch hiện trồng khoảng 125 ha ớt, tập trung ở các xã: Hưng Trạch, Cự Nẫm, Mỹ Trạch, Phú Định, Nam Trạch và Lâm Trạch. Điểm mới năm này là bà con nông dân các xã đã mạnh dạnh sản xuất, đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật... bởi ngay từ đầu vụ hầu hết các xã đã chủ động quy hoạch, lựa chọn vùng sản xuất, đồng thời có kế hoạch ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Đặc biệt, mùa thu hoạch này, bà con nông dân vui mừng vì vừa được mùa vừa được giá.

Điều đáng nói, dù cây ớt trồng tập trung nhưng đến nay không có tình trạng "đụng hàng ép giá" do ớt không đủ cung cấp cho các thương lái xuất khẩu, thậm chí người trồng ớt không cần đem đi vựa bán mà thương lái đến tận nhà để thu gom. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng ớt có hiệu quả cao gấp 3 lần trồng lúa.

Vì vậy, giữa tháng 5-2013, trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất đông - xuân của bà con nông dân huyện Bố Trạch, nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của cây ớt, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Bố Trạch, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp xây dựng cánh đồng mẫu lớn đối với cây ớt nhằm nâng cao hiệu quả cũng như phát triển bền vững nghề trồng ớt, từ đó góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn của cây ớt tại Bố Trạch được áp dụng theo phương thức nhiều cánh đồng "liền vùng, cùng giống" được hình thành giúp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đưa hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Đây vừa là cách để bà con thay đổi tập quán nhỏ lẻ, manh mún, tự phát chuyển sang sản xuất tập trung theo cánh đồng mẫu lớn. Cụ thể, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ giống và thuốc bảo vệ thực vật, huyện Bố Trạch chỉ đạo cán bộ chuyên môn chủ động bám sát đồng ruộng, làm tốt công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây ớt tại địa phương sẽ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, tăng sản lượng thu hoạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ chú trọng đến công tác thủy lợi nội đồng để bảo đảm đủ nước tưới cho cây ớt vào mùa khô.

Như vậy, trong tương lai gần với diện tích trồng ớt lớn và có hiệu quả kinh tế cao, Bố Trạch sẽ trở thành "thủ phủ" ớt của tỉnh, bởi ngoài việc hình thành nghề hái ớt thuê thu hút lao động từ các địa phương khác, địa phương này còn là "mô hình điểm" cánh đồng mẫu lớn về cây màu và có nhiều cơ hội đón tiếp nhiều đợt tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân các địa phương khác.

Hy vọng, cánh đồng mẫu lớn của cây ớt được triển khai thành công sẽ giải đáp được bài toán về mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Đồng thời, thông qua mô hình này, mối liên kết giữa "4 nhà" ngày càng chặt chẽ, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh.


Mùa Vải Chín Mùa Vải Chín Nhân Rộng Đàn Lợn Có Gene Kháng Stress Nhân Rộng Đàn Lợn Có Gene Kháng Stress