Mô hình kinh tế Cánh Đồng Mẫu Theo Chuẩn VietGAP

Cánh Đồng Mẫu Theo Chuẩn VietGAP

Ngày đăng 26/07/2011

Cánh Đồng Mẫu Theo Chuẩn VietGAP

Vụ lúa hè - thu 2011, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã kết hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện các mô hình “Cánh đồng mẫu” sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Viet Gap trên địa bàn.

Mô hình trình diễn được thực hiện trên diện tích hơn 460 ha ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú và xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Nông dân tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay trong quá trình sản xuất lúa…

Việc triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Trà Vinh qui hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng “liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”.

Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh thực hiện áp dụng đúng các qui trình sản xuất và thực hiện biện pháp né rầy. Biện pháp thực hiện như sau:

- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa ở vụ trước, thực hiện cày vùi gốc rạ, lúa chét, vùi mầm… không tiếp tục xuống giống để cắt mầm bệnh.

- Khi có lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo thì xuống giống. Thực hiện sạ hàng và gieo sạ đồng lọat bằng các lọai giống có khả năng kháng mặn, chống chịu rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Qui trình bón phân cũng phải đúng theo bảng so màu lá . Bên cạnh đó, Chi cục còn kết hợp với công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức tập huấn các giai đoạn bón phân và cung cấp phân hơn 100 tấn phân chuyên dùng, trị giá hơn 1,1 tỉ đồng cho bà con thực hiện mô hình đến cuối vụ mới thu hồi. Theo thạc sĩ Phan văn Tâm, Công ty phân bón Bình Điền, đối với ruộng sử dụng phân bón Bình Điền được chia ra làm 3 giai đoạn bón, giai đoạn I là thời điểm cây lúa từ 7 đến 10 ngày tuổi sau khi sạ thì bón 15 kg/1.000 m2 đầu trâu TE - Agrotain lúa 1, đợt bón lần 2 từ 17 đến 22 ngày sau khi sạ là 15 kg/1000m2 đầu trâu TE - Agrotain lúa 1 và lần bón thứ 3 từ 45 đến 50 ngày sau khi sạ bón phân đầu trâu TE- Agrotain lúa 2 là 10 kg/1,000 m2. ..

Từ cách thực hiện trên giúp kích hoạt các vi sinh vật trong đất làm cho đất thoáng khí , tăng hấp thu dinh dưỡng và qui trình canh tác luá giúp cho cây lúa đẻ nhánh và bộ rể cứng phát triển tốt, chất lượng lúa tăng lên hạt sáng, không lem lép, chống chịu được các lọai sâu bệnh, bảo vệ được môi trường do ít dùng thuốc hóa học, nhằm giúp cho bà con giãm từ 25 đến 30 % lượng phân bón , tiết kiệm được nguồn phân đạm , tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Như hộ anh Kim Ri, ấp I, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè gia đình tham gia thực hiện “Cánh đồng mẫu”, vụ Hè – thu này gia đình làm 30 công, với giống lúa OM 6976 thực hiện sạ hàng.

Hiện nay lúa trên “Cánh đồng mẫu” sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã và đang phát triển tốt, ước năng suất đạt trên 6 tấn/ha, giúp cho nông dân hướng đến nền sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn VietGap để đáp ứng nhu cầu gạo xuất khẩu. Từ đó phát triển vùng lúa chất lượng cao mà tỉnh đã phê duyệt giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn 41 xã thuộc 6 huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang. Với diện tích qui hoạch đến năm 2015 là 74.451 ha, năng suất 5,57 tấn/ha; năm 2020 phát triển lên 122.600 ha, năng suất 5,93 tấn/ha, dự kiến tổng kinh phí đầu tư phát triển vùng qui hoạch lúa chất lượng cao là 658 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2010 - 2015 đầu tư 381,2 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn như vốn ngân sách, vốn trong dân và vốn vay tín dụng... để đầu tư giống lúa, xây dựng hệ thống thủy lợi, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất


Đẩy Mạnh Trồng Rau Hè Thu Đẩy Mạnh Trồng Rau Hè Thu Các Giống Cây Ca Cao Thích Nghi Ở Bến Tre Các Giống Cây Ca Cao Thích Nghi Ở…