Cánh đồng một giống giúp Mường Khương giữ giống lúa đặc sản
Các vùng trồng lúa Séng Cù chỉ canh tác một giống, áp dụng phương pháp canh tác SRI và liên kết với hợp tác xã thu mua.
Cây lúa Séng Cù cho hạt gạo dài, vỏ cứng hơn gạo tẻ thường. Ảnh: Bizmedia
Đa dạng giống lúa gạo giúp đảm bảo an ninh lúa gạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để giữ gìn chất lượng của giống lúa thuần Séng Cù, tại huyện Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai), bà con đang xây dựng cánh đồng “một giống”.
Mường Khương được xem là quê hương của giống lúa Séng Cù. Tuy nhiên, do tập quán canh tác nhỏ lẻ, nhiều hộ cấy một ít lúa Séng Cù để bán, một phần cấy giống thường để ăn. Việc trồng xen dẫn đến sự pha tạp, thoái hóa giống, ảnh hưởng giá thành gạo Séng Cù và đứng trước nguy cơ đánh mất giống đặc sản
Để tháo gỡ khó khăn trên, năm 2015, chương trình cánh đồng "một giống" được triển khai tại các xã cấy lúa Séng Cù chính của huyện Mường Khương như Nấm Lư, Tung Chung Phố, Lùng Khấu Nhin và xã Mường Vi (huyện Bát Xát). Mục tiêu của chương trình là giữ gìn thương hiệu của giống lúa đặc sản, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng từ chính cây lúa Séng Cù.
Trên cánh đồng "một giống", nông dân chỉ cấy một giống lúa Séng Cù duy nhất, và cấy cùng thời điểm. Nhờ vậy, thời điểm bón phân, thu hoạch diễn ra đồng loạt, cùng lúc, tiết kiệm được phân bón.
Để nâng cao năng suất lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, phương thức canh tác lúa cải tiến SRI được đưa vào áp dụng. Nông dân được hướng dẫn cấy lúa một rảnh, tiết kiệm giống. Khoảng cách cấy thưa, giảm sâu bệnh, cây lúa to, khỏe.
Trên địa bàn xã Nấm Lư (Mường Khương), hiện người trồng còn liên kết với hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Mường Khương để có đầu ra ổn định. Theo liên kết, hợp tác xã cung ứng cho bà con phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tiền vay sản xuất được trả lại bằng tiền mặt hoặc trừ vào thời điểm thu mua.
Năm 2017, diện tích cánh đồng một giống liên kết tại Nấm Lư đạt khoảng 30 ha. Sản lượng thu hoạch 45-47 tạ một ha, giá bán lúa tươi trung bình 1,5 triệu đồng một tạ, có giá trị kinh tế cao gấp 3 lần các loại lúa khác.
Cánh đồng lúa “một giống” hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng Lào Cai. Ảnh: Bizmedia
Tại xã Mường Vi (Bát Xát), mô hình liên kết cũng được thực hiện do hợp tác xã Tiên phong Mường Vi liên kết với người trồng. Nơi đây hiện là cánh đồng một giống Séng Cù lớn bậc nhất tại Lào Cai với diện tích 165 ha.
Năm 2017, khoảng 40% lúa Séng Cù được thu mua tươi. HTX đầu tư hệ thống xay xát và sấy đồng bộ để thuận lợi cho lưu trữ, đóng gói, đảm bảo chất lượng lúa gạo trước khi xuất đi.
Lúa được sấy khô ở nhiệt độ ổn định trong vòng 7-8 tiếng, đến khi đạt độ ẩm 14-15%. Nhờ vậy, sản phẩm có thể bảo quản cả năm mà không giảm phẩm cấp. Với gạo xay xát, sau khi xát, gạo đi vào hệ thống tách màu. Sau đó, hạt đen đầu, hạt vỡ, sạn được loại bỏ để đáp ứng yêu cầu về vận chuyển và mẫu mã của những thị trường khó tính.
Chuỗi liên kết và sản xuất trên cánh đồng “một giống” đang dần mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Thương hiệu gạo Séng Cù Lào Cai cũng đang được mở rộng và được thị trường đón nhận rộng rãi hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ