Cảnh Giác Dịch Cúm Gia Cầm Cuối Năm
Ðầu tháng 11-2013, 2 xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Ðông, tỉnh Tiền Giang xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn vịt. Theo bà Nguyễn Thị Mến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, ổ dịch đã được khống chế, tỉnh đang làm thủ tục công bố hết dịch.
Tuy nhiên, tháng cuối năm, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ rất lớn do các tác động phức tạp của thời tiết. Ngoài ra, xu hướng tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2014 cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, trong tháng 11-2013, bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm xảy ra ở 12 hộ thuộc xã Tân Phú và Tân Thới với tổng đàn 4.588 con vịt. Trong đó, hộ dân tự tiêu hủy 1.235 con và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi huyện Tân Phú Đông (Ban Chỉ đạo) tỉnh tiêu hủy 3.353 con. Nguyên nhân xảy ra dịch do địa phương phát hiện và xử lý bệnh của đàn gia cầm chậm; hộ nuôi chưa hợp tác tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm; công tác quản lý đàn vật nuôi còn nhiều hạn chế….
Trước tình hình này, ngành Thú y tỉnh đã khẩn trương phối hợp với Ban Chỉ đạo huyện phối hợp cùng xã tiến hành kiểm tra, xác minh và lấy mẫu trên các đàn vịt bệnh gửi Cơ quan Thú y vùng VI xét nghiệm. Kết quả có 4 mẫu dương tính với vi-rút cúm A/H5N1. Ban Chỉ đạo cũng tiến hành thành lập 7 chốt và Đội kiểm tra liên ngành huyện tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào vùng dịch.
Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh tiến độ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi vùng dịch và vùng phụ cận. Đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm tại địa bàn 2 xã Tân Phú và Tân Thới đã cơ bản được khống chế, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp trên để đảm bảo đủ điều kiện công bố hết dịch sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Mến cho biết, vào thời điểm sau lũ rút, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng diễn biến phức tạp hơn do môi trường bị ô nhiễm nặng, nhất là các vùng nước lũ ngập sâu trong thời gian dài. Vì vậy, gia súc, gia cầm dễ nhiễm bệnh và lây lan nhanh.
Thêm vào đó, nhiệt độ những tháng cuối năm thường xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu, không đủ khả năng chống chọi với những chủng vi-rút có độc cao như cúm A/H5N1 trên gia cầm, tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động, dịch bệnh rất dễ lây lan và phát tán, đặc biệt là các bệnh: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn trên heo. Do đó, công tác phòng chống dịch cuối năm cần được tăng cường, đảm bảo an toàn cho người nuôi, người tiêu dùng.
Sở NN&PTNT tỉnh cũng vừa có Công văn đề nghị Ban chỉ đạo các huyện, thị, thành trong tỉnh cần kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ở dịch mới phát sinh. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an ninh sinh học; hoàn tất và thanh toán hồ sơ đăng ký chăn nuôi tại địa phương.
Rà soát, tiêm phòng bổ sung cho các đối tượng được hỗ trợ vắc-xin đối với đàn nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng, hết thời gian miễn dịch, đến thời điểm tiêm nhắc. Kiểm tra, đôn đốc công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 3-2013. Đồng thời, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm trong công tác phòng, chống dịch; thành lập và tổ chức huấn luyện các đội xung kích cơ động để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Đối với Chi cục Thú y tỉnh, Sở NN&PTNT yêu cầu phối hợp với Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức kiểm tra công tác tiêm phòng đợt 3-2013…
Từ đầu năm đến nay, ngành thú y tỉnh đã chủ động tiêm phòng vắc- xin cho đàn vật nuôi toàn tỉnh, xử lý hiệu quả các trường hợp dịch bệnh xảy ra. "Những tháng giao mùa, người nuôi cần phải thận trọng hơn, chú ý chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng, vật nuôi phải được cách ly kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định trước khi nhập đàn; chuồng nuôi được che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi" - bà Mến khuyến cáo. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tránh dịch bệnh lây ra diện rộng.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp; việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương chưa được kiểm soát triệt để; thời tiết đang chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm. Trong khi người chăn nuôi đang tập trung tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Vì vậy, nguy cơ tái phát dịch trong những tháng cuối năm là rất cao, Ban Chỉ đạo các địa phương cần đề cao cảnh giác trong phòng chống dịch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ