Trồng lúa Cảnh giác sâu bệnh hại lúa

Cảnh giác sâu bệnh hại lúa

Tác giả Lê Bền, ngày đăng 25/04/2019

Cảnh giác sâu bệnh hại lúa

Cục BVTV khuyến cáo, tháng 4 là cao điểm về nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên lúa.

Cục BVTV cảnh báo nguy cơ nhiều loại sâu bệnh trong vụ ĐX 2019

Phân tích virus lùn sọc đen: Nơi dương tính, nơi âm tính

Đặc biệt vụ ĐX năm nay, diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, ấm hơn mọi năm, đồng thời có khả năng xẩy ra các đợt rét muộn, rất thuận lợi cho một số bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá phát triển.

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV), từ đầu vụ ĐX đến nay, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc, nhất là khu vực 10 tỉnh ĐBSH âm u kéo dài, nền nhiệt độ cao hơn phổ biến so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C, độ ẩm cao, khiến nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh nguy hiểm trên lúa rất cao. Đặc thù vụ ĐX ấm hơn mọi năm cũng khiến lúa phát triển nhanh, dự báo sẽ thu hoạch sớm hơn mọi năm từ 10-15 ngày.

Ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết, thời tiết ấm đã khiến nhiều đối tượng dịch hại phát sinh và gây hại, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ có chiều hướng gia tăng hơn mọi năm.

Cụ thể, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh sớm, từ cuối tháng 1/2019 trên lúa xuân cực sớm, cao điểm gây hại xẩy ra từ tháng 3/2019 đến nay trên một số giống như J02, BC15, TBR225, Bắc thơm 7, Thiên ưu 8... với tỉ lệ phổ biến từ 3-5%, nơi cao từ 10-20%, cục bộ từ 30-50% số lá (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên...). Cá biệt tại Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, bệnh có nơi tỉ lệ tới 90% số lá, gây cháy chòm ổ. Tổng diện tích nhiễm từ đầu vụ đến nay khoảng 7.000 ha, nặng 444 ha, trong đó 3,5 ha mất trắng.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sâu trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3/2019 đã gây hại với mật độ rải rác, nơi cao từ 1-2 con/m2 (Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh). Sâu trưởng thành lứa 2 vũ hóa từ cuối tháng tháng 3/2019, rộ từ tháng 4/2019 đến nay...

Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 3/2019 đến nay cũng đã phát sinh, gây hại trên diện hẹp tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, với mật độ phổ biến từ 10-30 con/m2, nơi cao 80-150 con/m2, cục bộ 300-550 con/m2, cá biệt tại Thái Bình có nơi cao tới 700-1.000 con/m2.

Cần kiểm tra vì sao có sự sai khác trong phân tích virus lùn sọc đen

Trước diễn biến có chiều hướng phức tạp, ngày 5/4/2019, Cục BVTV đã tổ chức hội nghị đột xuất với Chi cục Trồng trọt - BVTV 10 tỉnh ĐBSH triển khai công tác phòng chống. Tại hội nghị, ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV lưu ý: Theo dự báo, trong tháng 4/2019, thời tiết các tỉnh phía Bắc vẫn còn khả năng xuất hiện một số đợt rét muộn, trong khi nền nhiệt độ, độ ẩm những tháng gần đây luôn cao hơn trung bình các năm. Vì vậy từ nay đến cuối vụ, nguy cơ nhiều loại dịch bệnh trên lúa là rất cao. Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có nguy cơ bùng phát vào cuối vụ. Đây là bệnh rất nguy hiểm, không thể chữa trị và khả năng gây thiệt hại rất cao, vì vậy giải pháp phòng bệnh cần phải đặc biệt được chú trọng trong thời gian tới.

Ông Dương cũng lưu ý các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, kịp thời nắm bắt diễn biến của một số đối tượng dịch hại nguy hiểm khác như sâu cuốn lá, rầy nâu, nhất là tăng cường giám sát đối với rầy lưng trắng, kịp thời lấy mẫu phân tích virus lùn sọc đen. Bởi nếu mật độ rầy lưng trắng cao, và có sự lưu hành của virus lùn sọc đen trên đồng ruộng, thì nguy cơ truyền bệnh sang vụ mùa sẽ hết sức nguy hiểm.

“Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, đối với các địa phương đã thực hiện sáp nhập Trạm BVTV về trung tâm dịch vụ, cần phải tiếp tục đôn đốc, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa đội ngũ cán bộ BVTV cấp huyện với Chi cục BVTV để triển khai các giải pháp trong chỉ đạo, giám sát, phòng chống dịch. Nếu không, sẽ hết sức nguy hiểm khi xẩy ra dịch bệnh” – ông Nguyễn Qúy Dương đề nghị.

Nhằm giám sát sự lưu hành của virus lùn sọc đen, từ đầu vụ ĐX 2019 đến nay, nhiều địa phương vùng ĐBSH đã triển khai thu thập mẫu rầy lưng trắng (rầy trưởng thành cánh dài), gửi các đơn vị chuyên ngành gồm Trung tâm BVTV phía Bắc và Viện BVTV phân tích. Tuy nhiên, kết quả phân tích giữa 2 đơn vị này lại khác nhau một trời một vực.

Ông Lê Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã thu thập 40 mẫu rầy lưng trắng, trong đó 10 mẫu gửi phân tích virus LSĐ tại Viện BVTV, 30 mẫu gửi phân tích tại Trung tâm BVTV phía Bắc. Tuy nhiên, khó hiểu là kết quả phân tích giữa 2 đơn vị này lại trái ngược nhau hoàn toàn. Cụ thể, 10 mẫu phân tích tại Viện BVTV thì có 9 mẫu dương tính với virus LSĐ; trong khi cả 30 mẫu phân tích tại Trung tâm BVTV phía Bắc lại đều âm tính.

Tại Hải Dương, trong số 25 mẫu rầy lưng trắng gửi phân tích tại Trung tâm BVTV phía Bắc, đều cho kết quả âm tính với virus lùn sọc đen. Tương tự tại Nam Định, trong số 20 mẫu rầy (gồm 2 đợt gửi mẫu) gửi phân tích tại Viện BVTV, thì có tới 12 mẫu dương tính với virus lùn sọc đen, trong khi đó các mẫu phân tích tại Trung tâm BVTV phía Bắc lại đều âm tính. Hiện Nam Định đã tiến hành phun trừ rầy đồng loạt trên diện tích gần 14.000 ha.

“Chúng tôi đã lấy một số mẫu rầy lưng trắng, xét nghiệm thêm tại đơn vị thứ ba là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên qua phân tích nhiều lần ở đơn vị này, cũng đều cho kết quả âm tính với virus lùn sọc đen” – ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc.

Được biết, các mẫu rầy lưng trắng phân tích virus lùn sọc đen tại Viện BVTV hiện có phí dịch vụ là 800.000 đ/mẫu. Trong khi đó, việc phân tích mẫu tại Trung tâm BVTV phía Bắc là miễn phí (được ngân sách chi trả).


Cảnh báo rầy nâu hại lúa Cảnh báo rầy nâu hại lúa Canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn Canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn