Canh tác lúa sạch, nhà nông không lo đầu ra
Đầu tư ít vốn, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tận tình, sản phẩm được bao tiêu, lợi nhuận tăng gấp rưỡi… là những lý do khiến nhà nông tỉnh Vĩnh Long “khoái” làm lúa hữu cơ.
Trong ảnh: Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc đang dần được nhà nông ưa chuộng. Ảnh: H.X
Nói không với thuốc trừ sâu
Chị Nguyễn Thị Sang (ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) có 6 công (6.000m2) ruộng canh tác theo mô hình lúa hữu cơ cho biết, đến nay trà lúa của chị đang trong giai đoạn đẻ nhánh sau hơn 40 ngày gieo sạ. Đây là vụ đông xuân đầu tiên và là vụ sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình kép kín thứ 3 của gia đình chị. Chị Sang nói: “Lúc đầu làm chưa quen nên không có lời. Tuy nhiên, qua các buổi hội thảo đầu bờ, có sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư, tôi đã có nhiều kinh nghiệm”.
Năm 2016, mô hình trồng lúa hữu cơ được thực hiện ở ấp 9, xã Mỹ Lộc, với diện tích ban đầu khoảng 30ha và trên 51 hộ tham gia. Đến vụ đông xuân này, xã Mỹ Lộc thành lập thêm một tổ hợp tác ở ấp 11 với 19 hộ tham gia sản xuất 10,8ha lúa hữu cơ. Đây là mô hình đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long làm lúa theo quy trình sạch và được bao tiêu sau thu hoạch.
Theo ông Dương Văn Thành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến, ấp 9, xã Mỹ Lộc, năng suất lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ không cao, chỉ khoảng 3,8 tấn/ha. Nhưng bù lại, bán được với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường cùng loại từ 3.000- 4.000 đồng/kg và được bao tiêu toàn bộ.
“Cứ 10 ngày, bà con trong HTX sẽ tổ chức họp 1 lần. Nhờ vậy, những vướng mắc được giải đáp, xử lý rất kịp thời” - ông Trần Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc nói.
Mô hình liên kết khép kín
Để đạt được hiệu quả cao, ngay từ khi triển trai mô hình, ngành chức năng địa phương đã thành lập HTX. HTX này đứng ra điều hành mọi công việc sản xuất trên đồng ruộng. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP TP.HCM để cung ứng phân bón hữu cơ và ký hợp đồng với Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM để bao tiêu thu mua, với giá cao hơn thị trường.
“Khi lúa đủ ngày, HTX sẽ xác định thời điểm thu hoạch lúa, sau đó lên lịch cho từng khu vực và hợp đồng máy cắt. Sau khi lúa cắt xong, phía công ty sẽ cho phương tiện xuống thu gom, trả tiền cho người dân. Do quy tình khép kín nên nông dân rất yên tâm”- ông Thành cho biết.
“Nếu năng suất vụ đông xuân đạt 5 tấn/ha thì mỗi ha bà con thu vào khoảng 55 triệu đồng/ha (trừ chi phí vẫn còn lãi 25 triệu/ha/vụ). So với làm lúa thường, thì làm lúa hữu cơ có thể cho lợi nhuận gấp rưỡi” - ông Cường ước tính.
“Sau thời gian thực hiện, người dân đã yên tâm làm lúa hữu cơ, vì vậy tới đây mô hình này sẽ được nghiên cứu nhân rộng” - ông Lê Ngọc Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ