Mô hình kinh tế Cao su, điều, hồ tiêu Bình Phước sẵn sàng hội nhập kinh tế phát triển

Cao su, điều, hồ tiêu Bình Phước sẵn sàng hội nhập kinh tế phát triển

Ngày đăng 26/10/2015

Cao su, điều, hồ tiêu Bình Phước sẵn sàng hội nhập kinh tế phát triển

Cao su, điều và hồ tiêu nằm trong top 11 ngành hàng chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về “Chiến lược hội nhập quốc tế nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2030”, được hưởng lợi thế khi Hiệp định TPP có hiệu lực và mái nhà chung Asean trở thành hiện thực.

Theo đó, “thủ phủ” cao su, điều và hồ tiêu Bình Phước từng bước chuẩn bị để sẵn sàng cho hội nhập kinh tế...

Xứng đáng “thủ phủ” cao su, điều; “vương quốc” hồ tiêu

Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến tháng 9-2015, tổng diện tích cây lâu năm của Bình Phước là 405.483 ha, trong đó cây điều 133.982 ha (chiếm gần 50% diện tích cả nước); hồ tiêu 12.864 ha/80 ngàn ha cả nước, sản lượng khoảng 25 - 30 ngàn tấn/130-150 ngàn tấn cả nước.

Tổng diện tích cao su là 241 ngàn ha/910 ngàn ha cả nước.

Xét về yếu tố lịch sử, hồ tiêu có mặt trên biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp từ thế kỷ XVII.

Và hơn 300 năm người trồng tiêu ở Bình Phước đã tích lũy đầy “kho” kinh nghiệm thực tiễn để gắn bó, phát triển loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhất nhưng cũng rất khó tính.

Thập niên 90 của thế kỷ XX, nông dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đã về Lộc Ninh để học hỏi kinh nghiệm và đưa cây tiêu lên Tây Nguyên.

Hiện diện tích hồ tiêu ở Bình Phước không bằng các tỉnh Tây Nguyên (do Tây Nguyên phát triển nóng từ năm 2012) nhưng Lộc Ninh, Bù Đốp vẫn là “thủ phủ” hạt tiêu chất lượng cao và nơi cung cấp giống tiêu cho cả nước.

Với hơn 60% diện tích đất đỏ bazan màu mỡ nên năm 1910 người Pháp đã du nhập trồng cao su trên đất Bình Phước và quy hoạch nơi đây trở thành “thủ phủ” của loại cây này.

Thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ cộng với tay nghề kỹ thuật giỏi nên năng suất cao su ở Bình Phước vượt trội.

Bình Phước cũng là nơi cung cấp cây giống cao su chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và miền Trung.

Thập niên 80 của thế kỷ XX, cây điều du nhập vào Bình Phước và là cây xóa đói giảm nghèo.

Điều cũng được đồng bào dân tộc S’tiêng, Mơnông, Khơme chọn là cây chủ lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất tự cung tự cấp lúa, bắp sang sản xuất hàng hóa.

Do giá cao su giảm, giá điều ổn định ở mức cao nên từ năm 2014 đến nay nông dân Bình Phước quay lại thâm canh, cải tạo vườn điều để đón cơ hội thị trường đang rộng mở.

Niên vụ điều năm 2014-2015, tổng diện tích điều Bình Phước cho thu hoạch là 126.994,9 ha, sản lượng 177.305 tấn, năng suất bình quân 1,396 tấn/ha (cao hơn bình quân cả nước 3 - 4 tạ/ha, chiếm sản lượng khoảng 55%).

Vùng nguyên liệu “vàng” cho hội nhập và phát triển

Người dân Bình Phước vẫn tự hào khi du khách, bạn bè trong và ngoài nước nhắc đến quê hương mình là “Thủ phủ cây điều và cao su”, “Vương quốc hồ tiêu”.

Vùng nguyên liệu là tiêu chí cơ bản để xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Nông sản có thương hiệu (nguyên liệu tại chỗ) là yếu tố để doanh nghiệp xuất khẩu (XK) được hưởng ưu đãi thuế 0% khi vào thị trường các nước trong khối kinh tế TPP.

Điều này cũng đồng nghĩa khi Việt Nam là thành viên của TPP hoặc Asean thì với vùng nguyên liệu truyền thống tập trung cao su, điều, hồ tiêu, Bình Phước sẽ là mảnh đất “vàng” để thu hút DN đầu tư chế biến sâu, nâng giá trị sản xuất nông sản, giảm XK thô theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ.

Nhiều năm nay nông dân và DN Việt Nam liên kết để cầm chịch giá tiêu thế giới.

Tuy nhiên, cũng như các nông sản chủ lực khác của Việt Nam, XK hồ tiêu chủ yếu dưới dạng thô (tiêu đen) nên giá trị chưa cao.

Xuất thô nên dù dẫn dắt giá cả khi cung chưa vượt cầu nhưng hồ tiêu đang gặp rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu đen XK.

Về cao su, Việt Nam chỉ chiếm 8% sản lượng cao su toàn cầu nhưng chịu sức ép do XK Trung Quốc chiếm gần 50%/tổng sản lượng.

Hiện giá cao su đã chạm đáy, nhiều DN tồn kho sản lượng cao nhưng các công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn Bình Phước với danh hiệu “Sao vàng Đất Việt” đang sản xuất có lãi.

Theo đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam.

Đây cũng là yếu tố để cao su Bình Phước mở rộng thị trường qua các nước Mỹ, Nhật, đồng thời thu hút DN đầu tư chế biến sâu từ mủ sơ chế chất lượng cao, chủng loại phù hợp.

Thị trường XK hồ tiêu Việt Nam chủ yếu là Mỹ (35% sản lượng), Nhật Bản, EU và Trung Đông.

Để gỡ nút thắt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho hồ tiêu phát triển bền vững, Bình Phước bước đầu đã sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo đó, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa Công ty chế biến gia vị Nedspice và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Sở NN&PTNT triển khai tại 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp.

Từ năm 2013 đã xây dựng được 24 câu lạc bộ phát triển tiêu bền vững, với 540 nông dân được cấp chứng chỉ R.A (sản xuất tiêu sạch).

Đặc biệt, tháng 6-2014, hồ tiêu Lộc Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước (sau Chư Sê) đã được dán nhãn hiệu.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đang tích cực thực hiện lộ trình thành lập Hội Hồ tiêu Lộc Ninh.

Dự kiến đầu năm 2016 sẽ tổ chức ra mắt cấp huyện.

Như vậy, Bình Phước nói chung và “vương quốc” hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng là cơ hội “vàng” để DN vào đầu tư chế biến sâu với ngành hàng hồ tiêu để được hưởng lợi thế XK vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật.

Bình Phước với lợi thế của vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng hạt điều thơm ngon đã chinh phục được người tiêu dùng thế giới trong nhiều thập niên.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước và Hiệp hội điều Việt Nam đã có chủ trương xây dựng thương hiệu điều Bình Phước.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt đang tăng cao trên thế giới.

Hạt điều được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá rẻ hơn hạnh nhân, mắc ca, óc chó nên trong bức tranh XK nông sản năm 2015 khó khăn với cà phê, cao su, gạo thì nhân hạt điều vẫn tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị.

Hiệp định TPP đi vào thực tiễn cũng sẽ là cơ hội “vàng” để Bình Phước thu hút DN chế biến nhân hạt điều có tầm cỡ vào đầu tư.

Theo đó, nút thắt xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ liên kết giữa nông dân - DN sẽ được hình thành để giải bài toán xây dựng thành công “Thương hiệu hạt điều Bình Phước”.

Sản xuất hướng tới an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư cho chế biến sâu và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản cao su, điều, hồ tiêu đáp ứng thị trường trong hội nhập để có lợi cho nông dân và DN, người tiêu dùng.

Đó cũng chính là định hướng tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Bình Phước ở hiện tại và tương lai.

Việt Nam 14 năm liền dẫn đầu XK hồ tiêu, chiếm 30% sản lượng hồ tiêu thế giới, XK qua 100 quốc gia, lãnh thổ, chiếm 58% thị phần toàn cầu.

Hiện nay, nhân điều chế biến XK chiếm 95% sản lượng.

Như vậy việc kết thúc đàm phán TPP là tín hiệu vui đối với XK nhân hạt điều.

Các nước tham gia TPP chiếm trên 50% tổng giá trị XK nhân hạt điều Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất (trên 30%); Singapore (10%), Úc (7%), Canada (5%).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phải có những giải pháp đột phá để góp phần gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước vì một số mặt hàng XK nếu nguyên liệu xuất xứ trong nước sẽ được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của khối, trong đó thuế xuất - nhập khẩu (0%).


Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh vụ 2015-2016 giá mua mía tối đa là 1.040.000 đồng/tấn 10 CCS Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh vụ… Khoảng 1000 ha mía bị nhiễm rệp sơ bông trắng Khoảng 1000 ha mía bị nhiễm rệp sơ…