Mô hình kinh tế Cây Chanh Hứa Hẹn Hiệu Quả Trên Vùng Đất Mới

Cây Chanh Hứa Hẹn Hiệu Quả Trên Vùng Đất Mới

Ngày đăng 10/11/2013

Cây Chanh Hứa Hẹn Hiệu Quả Trên Vùng Đất Mới

Huyện Tân Phước là một huyện nghèo của tỉnh Tiền Giang, nhân dân quanh năm chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Xác định cây khóm, khoai và lúa là cây trồng chủ lực nên huyện Tân Phước từng bước thay da đổi thịt.

Trước kia, cây khóm là cây trồng chủ yếu mang lại thu nhập nuôi sống người dân xã Tân Lập I thì những năm gần đây nhờ đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cùng với sự đầu tư của Nhà nước trong việc xây dựng ô bao khép kín ngăn lũ nên cơ hội làm ăn của bà con nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nông dân đã chịu khó tìm tòi học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo hiệu quả cho phát triển kinh tế gia đình.

Vài năm trở lại đây, phong trào trồng chanh không hạt được bà con áp dụng khá thành công, lúc đầu chỉ vài hộ nhỏ lẻ, hiện nay toàn xã Tân Lập I có trên 25 ha chanh có hiệu quả, điển hình như các chú Nguyễn Thanh Kỷ, Lương Văn Nhu, Nguyễn Văn Trí,... đã thực hiện mô hình cây chanh trồng xen trên đất khóm, nhiều hộ dân bắt đầu có thu hoạch từ cây chanh.

Theo ghi nhận, mấy năm gần đây, cây khóm vùng đất Tân Lập I bắt đầu già cỗi, một vài nông dân sau khi nghiên cứu và "đón đầu" trong công tác chuyển đổi cây trồng đã mạnh dạn trồng xen canh cây chanh, lấy ngắn nuôi dài, bước đầu cho hiệu quả. Theo chú Nguyễn Văn Dư ấp 2, xã Tân lập I có 6,5 ha đất, chú đã đặt 700 gốc chanh, sau gần 2 năm cây chanh cho trái, giá bán hiện nay là 12.000 đồng/kg.

Còn chú Nguyễn Văn Trí gốc là giáo viên, vì "mê" vùng đất mới nên từ xứ Vĩnh Kim - huyện Châu Thành một vùng đất trù phú vào đây trồng 5,5 ha chanh, đến nay gần 1 năm, chú chia sẻ: "Cây chanh tuy dễ trồng, nhưng phải biết kỹ thuật, trồng xen trên khóm là không được vun mô, cây chanh con không trồng sâu, chỉ độ cỡ 1,5 tấc (15cm) là vừa, do đặc thù líp trồng khóm đất rất xốp nên phải quan tâm đến khâu nước tưới".

Trao đổi về cây chanh, chú Nguyễn Văn Dư chia sẻ: "Cây chanh khá thích hợp với vùng đất phèn hiện nay, chúng tôi muốn nhiều nông dân khu vực này tìm hiểu và mở rộng diện tích, điều đáng quan tâm là chú cùng một số nông dân trồng chanh của xã đang tiếp tục tìm đầu ra bền vững cho cây chanh".

Trên vùng đất vốn còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm và nghị lực của người dân đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp với môi trường thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế huyện Tân Phước.


Kết Quả Mô Hình Nuôi Ghép Cá Chép V1 Là Chính Kết Quả Mô Hình Nuôi Ghép Cá Chép… Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc Quang Không Ngừng Vươn Xa Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc…