Cây chè, hướng thoát nghèo bền vững của Ba Trại
Cùng với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, người dân Ba Trại đã từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Nâng cao đời sống nhờ cây chè
Hộ gia đình bà Trần Thị Mỹ, ở thôn 2, xã Ba Trại trồng 3.000m2 chè 12 năm tuổi cho biết, mỗi năm gia đình bà thu hoạch được 7 tạ, với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí bà thu lãi 80 triệu đồng. Nhờ cây chè mà gia đình bà có điều kiện cho các con học hành rồi mua sắm nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình. Không chỉ có gia đình bà Mỹ mà hầu hết các hộ dân trồng chè ở xã Ba Trại đều đầu tư mua máy để chủ động chế biến, bảo quản chè.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt (thứ hai từ phải sang) kiểm tra mô hình sản xuất chè tại xã Ba Trại.
Là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, điều kiện canh tác khó khăn nên bao đời nay người nông dân Ba Trại vẫn thu nhập chủ yếu từ cây chè. Bà Nguyễn Thị Son - Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, sản xuất chè đã góp phần quan trọng vào tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân địa phương.
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 5%. Xã đã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Trước đây, diện tích chè của Ba Trại vẫn chủ yếu là giống chè Trung du lá nhỏ, năng suất thấp, giá bán không ổn định. Năm 2013, được sự quan tâm của TP, Sở NN&PTNT, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại địa phương.
Ba Trại đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, chế biến chè và tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân về lợi ích của việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chè an toàn, từng bước trồng mới các giống chè năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Sau 3 năm triển khai, đến nay, Ba Trại có 30ha chè VietGAP và thay thế được 86ha chè già cỗi bằng các giống chè mới như: LDP1 - PH8, LDP2 - Kim Tuyên. Qua so sánh đối chứng (trên 1ha canh tác) cho thấy, mô hình cho giá trị kinh tế cao hơn 95 triệu đồng so với mô hình thâm canh chè truyền thống.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Xã Ba Trại chiếm hơn 40% diện tích và 50% sản lượng chè của toàn huyện Ba Vì. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, khó khăn lớn nhất của Ba Vì là tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Bởi khi chuyển từ giống chè cũ sang trồng giống chè mới phải mất từ 3 - 4 năm mới cho thu hoạch.
Như vậy, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thu nhập nên nhiều hộ chưa mạnh dạn trong cải tạo, thay thế vườn chè của gia đình mình. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới còn hạn chế do nhiều nơi không khoan được giếng, phần lớn người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giêng đào. Hiện nay, số vai, đập chứa nước trên địa bàn xã Ba Trại chỉ đáp ứng đủ nước tưới khoảng cho 120ha chè, còn lại phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên. Vì vậy, xã mong muốn được TP quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ba Trại sẽ chuyển đổi toàn bộ 327ha giống chè cũ và trồng mới 50ha, phấn đấu đạt 100% diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao.
Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, là đơn vị được TP giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng dự án sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020, trong tháng 8/2015, trung tâm đã hoàn thành báo cáo kế hoạch và trình UBND TP phê duyệt. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy người dân các vùng trồng chè trên địa bàn TP nói chung và người dân Ba Trại nói riêng yên tâm đầu tư sản xuất.
Mặc dù huyện đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Ba Vì", song sản phẩm vẫn chưa có chỉ dẫn địa lý nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Vì vậy, huyện kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Ba Vì. (Ông Nguyễn Văn Hải Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ