Mô hình kinh tế Cây đa tác dụng trên đất vùng cao

Cây đa tác dụng trên đất vùng cao

Ngày đăng 20/06/2015

Cây đa tác dụng trên đất vùng cao

Người dân không chỉ hưởng lợi từ thu hái quả trẩu để lấy hạt, lấy gỗ làm nhà mà còn có tác dụng phòng hộ rất hiệu quả. Tuy là cây lâm nghiệp phụ trợ, nhưng vì tính năng đa tác dụng (lấy gỗ, làm thuốc, tinh dầu...), loại cây này rất phù hợp trồng ở các huyện vùng cao: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai.

Lợi ích “kép” từ cây trẩu bản địa

Trước đây, gia đình chị Lù Thị Thu ở Đội 2, xã Nàn Sán (Si Ma Cai) cũng như nhiều hộ nông dân ở các địa phương trong tỉnh, trong vườn nhà có trồng vài cây trẩu để lấy gỗ làm củi, làm chuồng trâu, chuồng ngựa, bờ rào… và chưa có khái niệm thu hạt bán. Nhưng từ năm 2009, tham gia mô hình trồng mới cây trẩu, đến nay gia đình chị đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng từ bán hạt trẩu khô. Chị Lù Thị Thu cho biết: Trước đây, cây trẩu mọc hoang trong rừng hoặc ven đường đi, không ai để ý lắm, vì nghĩ cũng chỉ làm củi đun, làm bờ rào, chuồng trại. Nhưng giờ đây, hạt trẩu đã có người thu mua, nên nhiều gia đình trong bản đã tích cực mở rộng diện tích trồng trẩu.

Khoảng 5 năm trở lại đây, huyện Si Ma Cai và Mường Khương đã thử nghiệm trồng loại cây đa tác dụng này trên diện tích rừng phòng hộ, bước đầu mang lại những hiệu quả khá tốt. Với khả năng thích nghi cao như chịu được hạn, lớn nhanh kể cả trên diện tích đất khô cằn, nên cây trẩu đang được xác định là cây có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào vùng cao, là cây tạo được nguồn sinh thủy, có tác dụng phòng hộ. Điển hình như huyện Mường Khương, sau khi thử nghiệm thành công mô hình đưa cây trẩu trồng ở diện tích rừng phòng hộ tại các xã: Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long… Đến nay, đã nâng diện tích trồng trẩu toàn huyện lên hơn 1.000 ha.

Ông Lục Thượng Đại, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Khương cho biết: Hiện tại, rừng trẩu ở Mường Khương mỗi năm cho thu hoạch khoảng 12 - 17 tấn quả/ha, với giá thu mua hạt trẩu ngay tại địa phương từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, người trồng trẩu đã có nguồn thu không nhỏ. Việc đưa cây trẩu vào trồng ở vùng khô hạn trên địa bàn các xã ở Mường Khương có ý nghĩa quan trọng, bởi nó không chỉ là cây phòng hộ mà còn giúp tăng thu nhập cho người trồng rừng. Ngoài ra, do những vùng đất này quá khô, cằn cỗi, dốc, đá, thời tiết khắc nghiệt nắng nhiều, mưa ít, hạn hán quanh năm, nên khó có thể trồng các cây khác ngoài cây trẩu.

Cũng như Mường Khương, huyện Si Ma Cai tuy mới trồng thử nghiệm cây trẩu, nhưng mỗi năm, hạt trẩu đã mang lại hàng tỷ đồng cho các hộ dân nơi đây. Ông Lê Văn Hợp, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Si Ma Cai cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 700 ha rừng trẩu trồng phân tán ở các xã: Bản Mế, Nàn Sàn, Mản Thẩn, Sín Chéng; trong đó, trên 100 ha trồng mới từ năm 2009 đã cho thu hoạch quả. Năm 2014, với giá thu mua hơn 30.000 đồng/kg hạt trẩu khô, bà con ở Si Ma Cai đã thu gần 3 tỷ đồng từ tiền bán hạt trẩu. Đặc biệt, nhiều thôn, bản bà con đã cùng nhau quy ước không được chặt trẩu mà cùng nhau bảo vệ những rừng trẩu, cùng nhau hưởng lợi.

Cần có quy hoạch phát triển bền vững

Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Mường Khương, Si Ma Cai (khoảng 1.686 ha), trong đó có khoảng 1.000 ha đã cho thu hoạch. Ông Vũ Hồng Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Cây trẩu được bà con trồng từ lâu, nhưng vài năm gần đây tỉnh mới đưa vào cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ. Đây là loại cây có nhiều ưu điểm (dễ trồng, đầu tư ít, chủ yếu trồng bằng hạt, nhanh thành rừng...), đa tác dụng (gỗ được làm nguyên liệu dùng trong công nghiệp và sản xuất nấm ăn rất tốt; hạt dùng trong công nghiệp sơn, chất dẻo, da nhân tạo và thuốc chữa bệnh)... nên được bà con ưu tiên trồng. Sau 5 năm trồng có thể thu hoạch quả lấy hạt, tạo thu nhập ổn định cho người dân trồng rừng.

Qua thực tế trồng ở các xã có địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn của huyện Si Ma Cai, Mường Khương, bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan trong việc trồng rừng bằng cây trẩu để xóa nghèo. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ nghiên cứu phát triển rừng trẩu đa tác dụng để sản xuất dầu sinh học Biodiesel, thực hiện thí điểm tại huyện Si Ma Cai và Mường Khương. Đây là tín hiệu vui trong phát triển mô hình trồng trẩu ở các huyện vùng cao, giúp dân xóa nghèo bền vững.

Ở huyện Mường Khương và Si Ma Cai cây trẩu mới được trồng chủ yếu bằng phương pháp gieo hạt hoặc người dân trồng theo kinh nghiệm bản địa, nên chất lượng giống chưa được kiểm soát. Sản phẩm quả, hạt trẩu chưa xác định thị trường rõ ràng, chủ yếu bán cho các hộ thu gom, buôn bán nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp để tạo thị trường ổn định. Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện, ngành nông nghiệp đang tiến hành rà soát và xây dựng quy hoạch vùng trồng cây trẩu và các hệ thống cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; hỗ trợ người dân tiếp cận các thông tin thị trường, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng chính sách tái đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm trực tiếp cho người dân; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng, giá trị cho cây trẩu.

Tuy nhiên, cây trẩu đang được nhân dân trồng thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, một số diện tích được người dân tự bỏ vốn đầu tư. Nên chăng tỉnh cần có quy hoạch cụ thể trong việc chỉ đạo ngành nông nghiệp cũng như các địa phương phát triển trồng cây trẩu trong diện tích rừng phòng hộ theo hướng bền vững.


Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả… Trồng mè lãi trên 4 triệu đồng/công Trồng mè lãi trên 4 triệu đồng/công