Cây Dâu Tằm Đang Hồi Sinh
Sau một thời gian dài bị các loại cây trồng khác “lấn át”, tới cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.888 ha dâu với năng suất lá bình quân 113 tạ/ha, sản lượng 42.348 tấn và hiện đang phát triển nhanh trở lại ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng - trừ Đà Lạt và Lạc Dương. Mục tiêu của UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố trong tỉnh là tới cuối năm 2013 này phải nâng diện tích cây dâu tằm của địa phương lên trên 4.065 ha.
Hiện tại Lâm Hà đã trở thành vùng thâm canh cây dâu tằm tập trung lớn nhất tỉnh. Để giữ vững và phát triển diện tích cây dâu - một loại cây trồng có ưu thế cạnh tranh - ngay từ năm 2008 UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng đề án khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn. Và tới đầu năm 2012 Lâm Hà đã nâng diện tích cây dâu lên 1.432 ha (trong đó có 555 ha dâu xa nhị luân và dâu lai), năng suất lá dâu đạt 120 tạ/ha - tăng trên 32% so với năm 2008, trên 85% số trồng dâu đã tiến hành nuôi tằm. Ông Trần Văn Tự - Chủ tịch UBND huyện cho biết, diện tích dâu tằm của Lâm Hà cuối năm nay sẽ là 1.700 ha, năng suất ổn định 120 tạ/ha cho sản lượng lá khoảng 18.000 tấn.
Cùng với Lâm Hà, huyện Đức Trọng năm nay cũng sẽ mở rộng diện tích dâu tằm của huyện lên 1.060 ha, năng suất 120 tạ/ha và sản lượng khoảng 12.500 tấn. Huyện Đạ Tẻh năm 2008 chỉ còn dưới 100 ha dâu của 100 hộ, nhưng từ năm 2009 tới nay nhờ ngành nông nghiệp địa phương triển khai các giải pháp khôi phục lại vùng trồng dâu nuôi tằm tại các xã Đạ Kho và ĐạPal như thay đổi giống dâu, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất giống tằm… nay đã có 212 ha dâu năng suất cao và nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại cho địa phương nguồn thu trên dưới 12 tỷ đồng mỗi năm. Qua khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh thì tuy không còn là “thủ đô dâu tằm” của cả tỉnh - thậm chí cả nước như trước đây (Bảo Lộc hiện chỉ còn dưới 180 ha dâu) nhưng Bảo Lộc vẫn là địa phương đứng đầu cả tỉnh về năng suất lá dâu: gần 175 tạ/ha và tiếp sau đó là Đạ Tẻh: 135 tạ/ha.
Điều đáng mừng là từ vài năm nay tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn, cây dâu tằm cũng đã được bà con nông dân đưa vào cơ cấu cây trồng nhằm thay thế cây điều và cà phê già cỗi, thoái hóa. Tại xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng) hiện đã có 55 ha dâu tằm được 40 hộ đồng bào DTTS trồng kết hợp với nuôi tằm với hỗ trợ của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã.
Từ năm 2011 tới nay, gia đình chị Ka Thiêu (thôn Đoàn Kết) đã trồng 0,2 ha dâu, mỗi tháng nuôi từ 2,5 - 3 hộp tằm giống, cho thu nhập ròng 6-7 triệu đồng; cũng tại thôn này, gia đình chị Ka Thuyết cùng với thâm canh 0,5 ha cà phê và 0,4 ha lúa nước cũng đang làm thêm nghề trồng dâu nuôi tằm và đã có thêm thu nhập trên 6 triệu đồng/ tháng - tức khoảng 70 triệu đồng/năm. Xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông), theo ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã thì từ 2 năm trở lại đây nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang được nhiều hộ nông dân trong xã quan tâm nhờ giá kén tằm đã lên tới 120.000 đồng/kg và tới đầu quý 2/2013 xã đã có 100 hộ đầu tư trồng 30 ha dâu, sản xuất được 3 tấn kén/tháng.
Đi đầu trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Liêng Srônh là hộ ông Phan Văn Mạnh ở thôn 3 với 0,8 ha dâu kết hợp nuôi tằm mỗi năm gia đình ông có thêm nguồn thu nhập trên 70 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Thanh Châu cùng thôn cũng có thu nhập 80 triệu đồng mỗi năm từ trồng 0,5 ha dâu kết hợp nuôi tằm. Kế hoạch của Phòng NN-PTNT huyện thì tới cuối năm 2013 này Đam Rông sẽ có trên 154 ha dâu, và đang phấn đấu để trở thành một trong những địa phương canh tác dâu tằm tập trung của tỉnh trong vài năm tới bởi vì huyện vẫn còn nhiều vườn cây lâu năm năng suất, chất lượng thấp cần được thay thế bằng giống cây trồng mới, một số diện tích đất bãi ven sông suối chưa được khai thác và hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm đã được khẳng định tại địa phương.
Cây dâu tằm và nghề trồng dâu nuôi tằm hồi sinh sẽ đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân địa phương, giúp họ sớm thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ