Mô hình kinh tế Cây dưa ở Nguyên Phúc (Bắc Kạn)

Cây dưa ở Nguyên Phúc (Bắc Kạn)

Ngày đăng 16/05/2015

Cây dưa ở Nguyên Phúc (Bắc Kạn)

Thu nhập khá từ trồng dưa

Thôn Nà Lốc nằm dọc ven sông với những cánh đồng trồng ngô, dưa lê, dưa bở xanh mướt. Vài năm trước, đường vào thôn Nà Lốc là đường đất quanh co, trời mưa lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn. Đến Nà Lốc lần này chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay đáng kể của vùng đất và người nơi đây.

Từ nguồn vốn Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới cộng với đóng góp của bà con nhân dân, đường vào thôn đã được đổ bê tông sạch sẽ, khang trang. Diện mạo nông thôn của Nà Lốc có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Có được những kết quả đó một phần không nhỏ nhờ sự đóng góp của cây dưa trồng trên chân ruộng một vụ.

Ông Hoàng Văn Thỉu, Trưởng thôn Nà Lốc phấn khởi cho biết: Cây dưa lê, dưa bở “bén duyên” với vùng đất này đến nay được khoảng 4 năm. Hiện thôn có 13 hộ tham gia trồng dưa với tổng diện tích 3.000m2. Bà con cứ học hỏi nhau làm, lâu dần thành ra có nhiều kinh nghiệm. Nhờ cây trồng này mà nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ.

Cây dưa lê và dưa bở được nông dân cần mẫn ươm trồng trên loại đất pha cát luôn cho năng suất cao. Dọc đường vào thôn, qua cánh đồng Nà Tháp, Nà Vai là những ruộng dưa đang bước vào vụ cho thu hoạch. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Hà Cát Thông - đây là một trong những hộ trồng dưa lâu năm của thôn.

Vừa từ ruộng trở về, hạ gánh dưa nặng trĩu xuống khỏi vai, lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông Thông vui vẻ cho biết: Gia đình ông trồng 2.000m2 gồm dưa hấu, dưa bở và dưa lê. Hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch dưa được một khoảng 1 tuần. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây dưa phát triển tốt, ít sâu bệnh, bà con rất phấn khởi vì dưa thu hoạch về đến đâu là bán hết đến đó. Giá dưa hiện nay bình quân đạt 20.000 đồng/kg dưa lê, 15.000đồng/kg dưa bở, 10.000đồng/kg dưa hấu.

Cùng chúng tôi ra thăm ruộng dưa của gia đình, ông Thông chỉ cho chúng tôi những ruộng dưa bở chín vàng, ruộng dưa lê quả trắng xanh nhỉnh hơn nắm tay người lớn, phảng phất mùi thơm mát. Ông Thông cho hay, gia đình ông trồng nhiều loại dưa. Cây dưa lê được trồng từ tháng 1 âm lịch đến tháng 4 là cho thu hoạch.

Cây này dễ trồng, phù hợp với chân ruộng cao, chất đất pha cát và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Vụ dưa lê năm 2014, chỉ với 400m2 gia đình ông Thông thu được 12 triệu đồng. Đem so sánh thì thấy, nếu 1.000m2 lúa thu được 5 tạ, bán ra thị trường được 3,5 triệu đồng; trong khi đó chỉ với 400m2 trồng dưa lê đã thu được 12 triệu đồng, cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa.

Gắn bó với cây dưa nhiều năm nay nên ông Thông rất có kinh nghiệm trong trồng các loại dưa, biết nắm bắt đúng thời điểm phù hợp để bón thúc quả. Ông chia sẻ, kinh nghiệm là trước khi gieo hạt ông đều trộn vôi bột với phân chuồng sau đó bón lót để cây dưa có thể kháng được các loại sâu bệnh như khô vằn, mối đục thân, đục quả.

Sau khi gieo xong là tập trung chăm sóc làm cỏ, vun xới, bón phân, khơi rãnh để tránh bị ngập úng nước. Qua tìm hiểu việc trồng dưa tại một vài hộ dân ở thôn Nà Lốc mới thấy không cây nào lại dễ trồng như cây dưa lê, dưa bở, dưa mán sau khi lên luống chỉ cần bón phân chuồng, gieo hạt xong tiến hành vun gốc vài lần đến khi cây bò phủ mặt đất. Nếu thời tiết thuận lợi thì từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất chừng hai tháng rưỡi.

Được biết, năm ngoái gia đình ông Thông thu được khoảng 4 tấn dưa các loại (gồm dưa hấu, dưa lê, dưa bở và dưa mán), trừ hết chi phí thu về 30 triệu đồng, ngoài trồng dưa ông còn chăm nuôi lợn, gà do vậy tổng thu nhập 1 năm của gia đình đạt 100 triệu đồng. Thưởng thức dưa do bà con thôn Nà Lốc trồng chúng tôi đã cảm nhận được vị ngọt, thơm mát của dưa lê, vị bùi của dưa bở… mỗi quả dưa chứa đựng bao nhiêu mồ hôi, công sức của người trồng.

Theo thống kê, hiện nay xã Nguyên Phúc có khoảng 8ha dưa các loại, trong đó có 3ha thực hiện theo công thức luân canh 1 vụ lúa + 2 vụ màu để hỗ trợ kinh phí cho người dân trồng, góp phần tăng thu nhập. Cây dưa lê, dưa bở, dưa mán được trồng nhiều tại các thôn Nà Lốc, Pác Thiên, Nà Lào. Theo những người trồng dưa ở Nguyên Phúc, năm nay thời tiết thuận lợi, cây dưa phát triển tốt ít sâu bệnh, hộ nào chăm sóc tốt thì 4 tạ dưa lê đã có thu nhập 8 triệu đồng.

Để cây dưa phát triển bền vững

Có thể khẳng định, cây dưa lê, dưa bở, dưa mán hiện đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Nguyên Phúc, giúp cho nhiều nông hộ tăng thu nhập. Hằng năm sản lượng dưa của toàn xã Nguyên Phúc đạt khoảng 160 tấn các loại. Nhiều nông hộ có thu nhập từ 26 đến 30 triệu đồng/vụ, tuy nhiên việc phát triển cây dưa các loại ở Nguyên Phúc hiện nay còn manh mún, với quy mô nhỏ, hộ nhiều nhất thì 2.000m2, hộ ít trồng từ 300 đến 400m2 nên chưa tạo thành vùng hàng hóa tập trung chất lượng cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không lớn lại chưa ổn định, chủ yếu các hộ tiêu thụ dưa nhờ vào thương lái từ các địa phương khác đến mua buôn tại ruộng, hoặc gia đình tự vận chuyển đi bán tại các chợ trong huyện hoặc thành phố Bắc Kạn. Các hộ người trồng dưa ở Nguyên Phúc cho rằng, vẫn biết là trồng dưa cho thu nhập cao nhưng với diện tích như hiện nay có thể tiêu thụ được hết, còn phát triển thêm diện tích lại rất lo lắng vấn đề đầu ra.

Người dân xã Nguyên Phúc còn chưa quên cách đây hơn chục năm về trước cây dưa hấu trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương với diện tích khoảng 20ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ không ổn định, cộng với sâu bệnh nên dưa không bán được khiến cho diện tích giảm theo từng năm, thời ‘hoàng kim” của cây dưa hấu mất dần, giờ bà con chỉ duy trì một số diện tích nhỏ. Sau đó bà con chuyển đổi sang trồng cây dưa lê, dưa bở…

Bài học nhãn tiền này đã khiến cho người trồng dưa ở Nguyên Phúc hiện vẫn chưa mạnh dạn mở rộng diện tích cây dưa lê, dưa bở mà chỉ trồng mỗi thứ một ít, manh mún, bởi theo họ nếu không tiêu thụ được thì người nông dân sẽ bị thiệt hại đủ đường.

Đồng chí Hoàng Văn Canh, Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Phúc cho biết: Hiện nay, việc trồng dưa các loại đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Do vậy, trong chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã phấn đấu mỗi năm mở rộng thêm 5ha dưa các loại.

Tuy nhiên, để cây trồng này phát triển bền vững cần có sự quan tâm của huyện, tỉnh, các ngành chuyên môn trong việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua để tiêu thụ ổn định sản phẩm. Đồng thời tập huấn khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, phòng chống sâu bệnh, bảo quản từng bước giúp nông dân thực hiện đạt chuẩn về diện tích canh tác, nâng cao chất lượng quả đáp ứng thị trường tiêu thụ, từ đó yên tâm mở rộng phát triển sản xuất.


Hưng Yên dự báo sản lượng nhãn, vải tăng Hưng Yên dự báo sản lượng nhãn, vải… Báo động tình trạng cây mãng cầu xiêm chết sớm tại Tiền Giang Báo động tình trạng cây mãng cầu xiêm…