Cây Khóm Trên Vùng Đất Phèn - Mặn Tân Phước
Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có hơn 15.000 ha cây khóm với sản lượng khoảng 250 ngàn tấn/năm và là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích cây khóm. Thời gian qua, nhờ sự cần cù lao động và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên nông dân huyện Tân Phước đã trồng khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo một vùng đất "rốn lũ - rốn phèn".
Đứng giữa dãy khóm bạt ngàn, anh Nguyễn Văn Chức ở xã Tân Hòa Tây, nông dân gắn bó với cây khóm nhiều năm, cho biết: Trước đây khi gia đình anh vào lập nghiệp, vùng Đồng Tháp Mười này như là "cánh đồng hoang", nay đã là cánh đồng khóm bạt ngàn. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá khóm ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg nên người dân vùng này có lãi khá cao. Tính bình quân mỗi héc-ta đất trồng khóm trong một năm, nông dân thu lãi trên 40 triệu đồng. Mỗi gia đình ở xã Tân Hòa Tây có ít nhất khoảng 1ha khóm. Bà Nguyễn Thị Tám ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước có 2 ha đất. Trước đây, gia đình bà trồng cây tràm, do giá tràm khá bấp bênh nên bà chuyển sang trồng khóm. Bà Tám cho biết: Mấy năm nay, cây khóm luôn cho lãi gấp 4-5 lần so với trồng tràm trước kia. Trồng cây khóm tuy vất vả nhưng hiệu quả đáng phấn khởi.
Trước đây, tại huyện Tân Phước, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh.... Nhưng đến nay, cây khóm đã có mặt ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Cây khóm được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất đầy phèn mặn này. Ông Huỳnh Tước, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Tân, cho biết: Toàn xã có gần 2.000ha khóm, do bà con nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật cho cây ra trái vụ nghịch nên có lãi khá. Nhờ trồng khóm mà nhiều hộ dân vươn lên khá giả. Xã chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển số diện tích đất trồng tràm, lúa kém hiệu quả sang trồng cây khóm".
Dù có tiềm năng phát triển nhưng do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nên hằng năm, khi lũ về các cánh đồng khóm ở Tân Phước bị nhấn chìm trong nước. Để giúp nông dân, Nhà nước đầu tư xây dựng ô đê bao chống lũ. Tính đến nay, huyện Tân Phước đầu tư xây dựng 134 ô đê bao cho vùng khóm nguyên liệu và thay thế dần máy bơm bằng dầu sang máy bơm bằng điện để giảm bớt chi phí cho nông dân khi sử dụng máy bơm thoát nước. Đảm bảo các ô đê bao được chắc chắn và lâu dài, hằng năm Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện tuyên truyền vận động nhân dân đề cao ý thức, ra sức bảo vệ và chủ động gia cố những đoạn đê xung yếu không để xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó, huyện còn vận động nhân dân trồng tràm trên các tuyến đê, bê tông hóa một số mặt đê để đảm bảo an toàn cho cây khóm mỗi khi lũ về. Ngoài ra, huyện cũng bố trí trang bị mỗi ô đê bao 2 trạm bơm điện thay thế cho máy bơm dầu kém hiệu quả và cùng với nhân dân chuẩn bị phương tiện tại chỗ theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để bảo vệ các ô đê bao khi lũ đột ngột dâng cao hay xảy ra hiện tượng sạt lở đê.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bà con có đất trồng khóm nằm ngoài ô đê bao bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng và chịu cảnh mất mùa. Đứng trước đám khóm hơn 1ha ngập nước, bà Trần Thị Năm, nông dân xã ở Thạnh Tân, huyện Tân Phước buồn rượi, cho biết: "Năm rồi, gia đình tôi tranh thủ trồng sớm để kịp thu hoạch trước khi lũ về. Nào ngờ năm nay lũ đến sớm, dâng cao, khóm còn non chưa kịp thu hoạch, vụ này xem như trắng tay". Để giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân ngoài vùng ô đê bao, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên tuân theo quy luật của triều cường nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra và đảm bảo vẫn duy trì được cây giống cho vụ sau và giữ vững sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 250 ngàn tấn/năm.
Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, cho biết: "Hướng tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tăng cường chuyển giao khoa học- kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trồng các loại giống khóm có chất lượng tốt, theo tiêu chuẩn VietGAP, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để tiếp tục khẳng định được vị thế cây khóm trên vùng đất Tân Phước đầy phèn mặn này".
Đầu ra đối với cây khóm hiện nay khá lớn, ngoài các thương lái đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, tại Tiền Giang còn có Công ty Cổ phần Rau quả Long Định đã ký hợp đồng với nông dân trong việc trồng và bao tiêu sản phẩm để chế biến nước khóm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian gần đây nông dân huyện Tân Phước còn nhân rộng mô hình trồng khóm son, khóm phụng để phục vụ cho nhu cầu chưng mâm ngũ quả vào dịp Tết. Nhiều nông dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập lớn từ các loại khóm cảnh này.
Từ khi cây khóm "bén duyên" trên vùng đất "rốn lũ - rốn phèn" đã trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây cây khóm đã phát huy được thế mạnh, trở thành loại cây chủ lực của huyện. Kết quả này đã giúp nông dân vùng Đồng Tháp Mười vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả, góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ