Cây lạc lên ngôi ở đất lúa
Mạnh dạn chuyển đổi
Về Ý Yên những ngày này, đi đâu cũng thấy lạc.
Lạc được phơi trên sân kho, sân nhà, thậm chí bà con tận dụng cả vệ đường nhựa để phơi cho kịp mùa màng.
Trên cánh đồng, người nhổ, người đập, tuốt lạc, người gồng gánh lạc lên xe chở về nhà, với không khí làm việc rất vui tươi phấn khởi.
Sở NNPTNT tỉnh Nam Định đang có kế hoạch chuyển đổi 9.000 – 10.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu ngắn ngày và cây dược liệu.
Nhờ đó, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ 75,5 triệu đồng/ha (năm 2010), lên 92 triệu đồng/ha (năm 2014) và hơn 100 triệu đồng/ha (năm 2015)
Chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Yên Đồng đang nhổ những khóm lạc sai trĩu củ, vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi trồng 4 sào lạc xuân, hiện tôi đã thu hoạch được 2 sào.
Trung bình đạt khoảng 1,6 – 1,8 tạ lạc khô/sào, với giá 15.000 đồng/kg lạc tươi, 26.000 đồng/kg lạc khô, trừ chi phí lãi khoảng 3 triệu đồng/sào/vụ, tính ra cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa”.
Cách đó không xa, anh Lê Văn Thanh đang cùng vợ miệt mài nhổ từng khóm lạc.
Mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm áo, song niềm vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt và nụ cười của anh.
“Những năm trước trên diện tích này chúng tôi trồng ngô, đậu tương hoặc khoai tây.
Mấy năm gần đây chúng tôi chuyển sang trồng lạc cao sản, năng suất cao, đầu ra ổn định nên bà con rất vui” – anh Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Hiên – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên cho biết: Cây lạc khá phù hợp với đồng đất ở các xã Yên Đồng, Yên Cường, Yên Lợi… nên trong những năm gần đây, ngoài những cây trồng quen thuộc như ngô, đậu tương, khoai tây, huyện đã vận động bà con đẩy mạnh trồng cây lạc.
“Trồng lạc có rất nhiều ưu điểm, như thời gian sinh trưởng ngắn, lợi nhuận cao, đầu ra ổn định, đặc biệt là góp phần cải tạo đất sau mỗi vụ lạc” – bà Hiên cho hay.
Một sào lạc “ăn đứt” 2 – 3 sào lúa
Riêng xã Yên Đồng có 700ha đất sản xuất cây vụ xuân, thì có tới 300ha được trồng lạc.
Hiện xã đã cơ bản thu hoạch xong, theo đó năng suất trung bình đạt từ 4,2 – 4,5 tấn/ha, với giá trung bình từ 25-30 triệu đồng/tấn, mỗi ha người dân thu về từ 100-120 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần trồng lúa.
So sánh hiệu quả giữa trồng lạc và lúa, chị Lê Thị Hồng (xã Yên Cường, đang trồng 3 sào lạc) cho biết: “Diện tích chúng tôi trồng lạc đều là khu ruộng cao, khó lấy nước, nên lúa vụ được vụ mất, nói là được nhưng 1 sào cũng chỉ được 100 – 103kg, trong khi đó chi phí cày bừa, công cấy, phân bón, thuốc BVTV… ngót 1 triệu đồng/sào, nên nhiều vụ lỗ.
Từ khi chuyển sang trồng lạc chăm sóc nhàn hơn, còn lãi phải gấp 2 – 3 lần trồng lúa”.
Thấy trồng lạc hiệu quả, ngoài diện tích của gia đình, nhiều hộ còn thầu thêm ruộng của các hộ không có nhu cầu để trồng.
Các giống lạc được người dân ưu thích là L26 và L27.
Đây là những giống lạc cao sản cho năng suất từ 4,2 – 4,5 tấn/ha, trong khi đó, giống lạc sản xuất đại trà của địa phương chỉ đạt 2,5 – 3 tấn/ha.
Về vấn đề này, bà Hiên cho biết thêm, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc và các cây hoa màu khác cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến khâu giống và kỹ thuật chăm sóc.
Theo bà Hiên, hiện Ý Yên đang triển khai rất nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả như mô hình lạc, mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, nhà kính theo mô hình VietGAP ở các xã như Yên Cường, Yên Dương, Yên Lợi…
Hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột bao tử quy mô 5ha ở HTX Nam Cường, xã Yên Cường, năng suất đạt 1 tấn/sào, cho thu nhập 7 triệu đồng/vụ, được Công ty TNHH Minh Hiền bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên nông dân rất yên tâm đầu tư sản xuất.
Mô hình sản xuất cà chua vụ đông sớm ở HTX Phương Xá, xã Yên Lợi, cho lợi nhuận 143 triệu đồng/ha được nông dân trong vùng tham quan học tập và mở rộng sản xuất…” - Bà Nguyễn Thị Hiên cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ