Tin nông nghiệp Cây làm giàu của nông dân Quế Võ

Cây làm giàu của nông dân Quế Võ

Author Nguyễn Tuấn, publish date Monday. February 6th, 2017

Cây làm giàu của nông dân Quế Võ

Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với việc cơ cấu lại nguồn giống và có quy hoạch tổng thể nên cây khoai tây trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng vụ đông và là cây làm giàu của nông dân huyện Quế Võ.

Trong ảnh: Khoai tây đông ở xã Quế Tân đạt năng suất 7-8 tạ/sào.

Có dịp về Quế Võ vào thời điểm nông dân đang tập trung thu hoạch vụ khoai tây đông năm 2016-2017, chúng tôi được chứng kiến thành quả cũng như niềm vui về một vụ đông thắng lợi hiện hữu trên khuôn mặt của những nông dân nơi đây. Vừa thu hoạch xong hơn 5 sào khoai tây với năng suất xấp xỉ 7-8 tạ/sào, bà Nguyễn Thị Thành, nông dân ở xã Quế Tân phấn khởi cho biết: “Với năng suất và giá thành thu mua khoai tây tại ruộng từ 10.000-đến 12.000 đồng/kg, vụ đông năm nay gia đình tôi có thu nhập xấp xỉ 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. So với cấy lúa, trồng khoai tây có thu nhập cao gấp 3-4 lần. Trước đây trồng khoai tây chỉ để cải tạo đất cho vụ lúa tiếp theo chứ thu nhập không đáng kể, nhưng những năm trở lại đây, cây khoai tây đã cho thu nhập khá, nếu trồng một ha lúa thu nhập khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng thì trồng khoai tây lãi cả trăm triệu đồng/ha...”.

Do hiệu quả kinh tế từ cây khoai tây đã được khẳng định, nên từ chục năm trở lại đây dù ít hay nhiều 100% số hộ trong xã đều bố trí cây trồng này trong cơ cấu vụ đông. Trao đổi với ông Trần Đăng Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Tân được biết, vụ đông năm nay toàn xã gieo trồng 140 ha cây màu các loại, trong đó 100 ha khoai tây. Do lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, quy hoạch vùng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên diện tích khoai tây đã thu hoạch đều cho năng suất từ 5-6 tạ/sào, cá biệt có hộ đạt 7-8 tạ/sào. Với giá thu mua như hiện nay, mỗi sào khoai, nông dân thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Thực tế sản xuất cho thấy, đây là cây trồng chính trong cơ cấu cây trồng vụ đông của xã từ khoảng gần chục năm lại đây và trong những năm tới.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quế Võ, vụ đông năm 2016, toàn huyện gieo trồng hơn 2.500 ha cây màu các loại, trong đó khoai tây chiếm tỷ trọng lớn với hơn 1.300 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Bằng An, Nhân Hòa, Việt Hùng, Quế Tân, Bồng Lai, Đại Xuân. Để nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể tổ chức tập huấn cho người dân, cùng với UBND các xã chỉ đạo lịch nông vụ cho từng loại giống, hướng dẫn thời điểm tưới nước, bón phân, phun thuốc đúng kỹ thuật. Do tích cực tiếp thu, chuyển đổi cơ cấu giống từ các loại khoai truyền thống như: KT2, Trung Quốc sang trồng các giống khoai có năng suất, chất lượng cao như: Marabell, Solara… cùng với thời tiết diễn biến thuận lợi với biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng, phát triển. Diện tích khoai tây đã thu hoạch đều đạt năng suất cao, trung bình khoảng 18-20 tấn/ha. Như vậy, tổng sản lượng khoai tây của huyện ước đạt 25.000-26.000 tấn và với giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg thì chỉ riêng cây khoai tây đem lại thu nhập khoảng 260-270 tỷ đồng cho nông dân. Mặc dù trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng vẫn được huyện Quế Võ xác định là vụ sản xuất chính trong năm đem lại thu nhập cao, giúp nhiều nông dân trong huyện vươn lên làm giàu.

Cùng với Quế Tân, thu nhập từ cây khoai tây đã giúp nhiều hộ gia đình ở xã Việt Hùng thoát nghèo vươn lên làm giàu. Dù ít hay nhiều nhưng gần 2.500 hộ nông dân của xã đều trồng khoai tây, hộ trồng ít từ năm đến bảy sào, hộ trồng nhiều lên đến bảy, tám ha như hộ ông Nguyễn Đăng Hồi, Chủ nhiệm HTX thôn Lựa, xã Việt Hùng. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng xấp xỉ 10 ha khoai tây các loại. Mặc dù không đủ lao động, toàn bộ công việc đều phải thuê mướn nhưng trừ hết chi phí cũng thu lãi được 200-300 triệu đồng. Hiện gia đình ông đã có ôtô phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và mở rộng vùng trồng khoai lên các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng”.

Cũng theo Trưởng Phòng nông nghiệp & PTNT huyện, trước đây, Quế Võ là huyện thuần nông, hầu hết người dân chỉ biết làm nông nghiệp. Từ khi các khu công nghiệp hình thành trên địa bàn đã thu hút một lượng lớn lao động tham gia, một số diện tích đất bị bỏ hoang trong vụ đông mà chưa khai thác hết tiềm năng các loại cây màu. Tận dụng cơ hội đó, nhiều hộ nông dân dám nghĩ dám làm đã mượn lại đất bỏ không của nhiều hộ khác để tích tụ đất sản xuất. Hiện nay, những gia đình có diện tích sản xuất cây khoai tây lớn như gia đình ông Hồi không phải là ít. Khi có diện tích sản xuất lớn, người nông dân có điều kiện đầu tư phương tiện máy móc để cơ giới hóa trong sản xuất. Đối với cây lúa, một số địa phương ở Quế Võ đã cơ giới hóa gần như 100%, riêng khoai tây nhiều hộ gia đình đã cơ giới hóa đến 70%. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học rộng rãi cùng với quy hoạch bài bản giúp nông dân dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Hiệu quả từ cây khoai tây đã rõ, nhưng để cây khoai tây phát triển mạnh hơn nữa, huyện Quế Võ cần tranh thủ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức hội nghị đầu bờ để người dân tin tưởng và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất lớn, phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.


Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng chuối tiêu hồng Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng chuối… Học cách làm giàu của siêu nông dân Việt ở xứ Hàn Học cách làm giàu của siêu nông dân…