Cây Mắc Ca Bám Rễ Trên Cao Nguyên
Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đã bắt đầu thân thuộc với nông dân Lâm Đồng. Tại khắp nơi trong tỉnh, từ Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đơn Dương, diện tích mắc ca trồng xen với cây cà phê đã lên xanh và kết trái, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.
Một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc đưa cây mắc ca về Lâm Đồng là Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Trung tâm đang tiếp tục triển khai rộng hơn nữa, đưa cây mắc ca vào vườn của nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số. Với niên vụ 2014 này, Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng Công ty cổ phần XNK NLS Chế biến đưa cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê của 30 nông hộ thuộc hai huyện Lâm Hà và Di Linh với mong muốn giúp loài cây này bám chặt rễ thêm trên cao nguyên.
Trồng mắc ca thuận lợi hơn trồng cà phê
Với nông dân Lâm Đồng, cây cà phê là loài cây mang lại thu nhập khá cao, nhất là những vùng thuận lợi như Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc. Nhưng sau khi thử nghiệm với cây mắc ca, nhiều nông hộ đã phải thừa nhận, loài cây nhập nội này cho thu nhập cao hơn cà phê, đồng thời dễ chăm bón và tốn ít công sức hơn rất nhiều.
Thăm vườn mắc ca của gia đình anh Đỗ Văn Tiến, thôn 8, xã Tân Lâm, Di Linh, vùng đất vốn xưa nay thuận lợi cho cây cà phê mới thấy hiệu quả thực sự của cây mắc ca. Anh Tiến trồng 60 cây mắc ca xen trong vườn cà phê, nếu tính diện tích thì khoảng 3 sào. Niên vụ 2014 vừa qua, anh thu 8 tạ trái mắc ca, với giá bán trung bình 100 ngàn đồng/kg, anh thu 80 triệu đồng/3 sào đất. Riêng thu hoạch từ mắc ca đã cao hơn thu hoạch từ diện tích cà phê tương ứng. Không chỉ cho thu nhập cao, cây mắc ca còn rất dễ chăm sóc. Cây không đòi hỏi nhiều công lao động để làm cỏ, vặt chồi… như cà phê.
Với nhà anh Tiến, mắc ca được chăm “ké” với cà phê, khi bỏ phân thì cho cây ăn thêm. Cây mắc ca lại hầu như không có bệnh nên không tốn chi phí, tốn công phun thuốc. Hiện, anh Tiến đang tiếp tục chọn giống mắc ca tốt, trái to để thay bớt số cây năng suất thấp. Theo anh Tiến, trồng mắc ca có lợi hơn trồng cà phê rất nhiều, thu nhập cao hơn và chi phí bỏ ra ít hơn.
Cũng chính từ lợi ích nhìn thấy trước mắt của cây mắc ca, hiện diện tích mắc ca đang tăng lên theo mô hình xen mắc ca vào vườn cà phê. Hiện toàn tỉnh, diện tích cây mắc ca vào khoảng 500ha, riêng số diện tích do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chuyển giao cho bà con là 93ha với 125 nông hộ tham gia.
Số diện tích này đều phát triển rất tốt, cây sinh trưởng phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật. Năm 2014, một số nông hộ người dân tộc thiểu số tại huyện Di Linh tham gia trồng mắc ca xen vườn cà phê và với những vườn này, cán bộ kỹ thuật phải chú ý nhiều hơn tới chuyển giao kỹ thuật để cây có thể sinh trưởng tốt.
Đầu ra rộng mở
Một trong những băn khoăn của nông dân khi trồng cây gì, nuôi con gì là bán cho ai, bán như thế nào và giá bao nhiêu. Với cây mắc ca, có thể khẳng định đầu ra vô cùng rộng mở. Sản phẩm chính của cây mắc ca là hạt, một thực phẩm giàu dinh dưỡng và thơm ngon.
Ngoài các công ty thu mua hạt mắc ca của nông dân như Vina Macca, Mắt Đá… thì ngay tại Lâm Đồng, một số cơ sở đã thu mua hạt mắc ca để chế biến. Anh Lương Quốc Chính, thôn 3, xã Hòa Trung, huyện Di Linh đã lắp đặt một dàn máy chế biến hạt mắc ca.
Trái được rang chín, dập vỡ hạt khi đóng gói chân không, khi ăn chỉ khẽ tách vỏ ra là có được nhân hạt thơm, giòn. Sản phẩm của cơ sở hiện đã phân phối rộng rãi. Anh Chính khẳng định: “Chỉ cần bà con có bán, tôi sẽ tới tận nơi để thu mua với giá cả hợp lí. Hiện tại, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca ngay tại thị trường Việt Nam là rất lớn và chưa có đủ sản phẩm để đáp ứng”.
Tại thôn Tân Trung, Tân Hà, Lâm Hà, Công ty thực phẩm Thuận Bảo Khang cũng chuyên thu mua và chế biến hạt mắc ca. Công ty này là do một nhóm nông dân Tân Hà tiên phong trồng mắc ca lập ra, mục tiêu trước hết là chế biến mắc ca của chính gia đình, sau là thu mua và chế biến hạt cho nông dân. Sản phẩm của Thuận Bảo Khang đã có mặt rộng rãi trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện mô hình đưa mắc ca xuống nông dân cho biết, theo nghiên cứu, cây mắc ca càng lớn tuổi càng cho nhiều trái, trung bình có thể thu hoạch được 80 năm. Cây mắc ca là loài cây rừng, có thể dùng để phủ xanh diện tích đất rất hiệu quả. Vì vậy, trồng mắc ca vừa có lợi ích về kinh tế, vừa có lợi ích về môi trường.
Cây mắc ca lại chỉ sống ở một số vùng có độ cao nhất định và với Việt Nam, Lâm Đồng là vùng được đánh giá là thuận lợi, nhiều diện tích mắc ca đã cho năng suất 20 kg/cây. Hạt cây có giá trị dinh dưỡng cao, là thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trồng mắc ca không chỉ tính lợi ích hôm nay mà sẽ mang lại lợi ích lâu dài, giúp người nông dân có thêm một loài cây cho thu nhập tốt và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Khuyến cáo khi bà con trồng cây mắc ca
Mắc ca là giống cây lâm nghiệp mới, khi trồng cần chú ý những điểm sau: Cần trồng bằng giống cây ghép có nguồn gốc rõ ràng, trên diện tích cần trồng từ 2 giống trở lên. Cây mắc ca thích hợp với vùng có khí hậu mát, nhiệt độ bình quân 20-250C, nhiệt độ ban đêm thích hợp nhất để phân hóa mầm hoa là 17-200C (tháng 10-12 dương lịch).
Cây mắc ca có thân cây cao lớn, nhưng rễ nông, chống chịu gió bão kém, vì vậy cần đào hố lớn kích thước 80x80x80cm. Trong những năm đầu cần cắm cọc và cột cây mắc ca vào để không bị gió lay gốc, nên trồng những hàng cây chắn gió xung quanh khu vực trồng mắc ca.
Cây mắc ca trồng để thu hoạch quả, vì vậy cần chú ý tạo tán ban đầu để cây có một thân chính và bộ tán cân đối, sau này sẽ cho năng suất quả cao (cây mắc ca ra hoa, quả ở những cành từ 1 - 3 tuổi); phương pháp tạo tán phải tùy vào từng giống, với những giống có ưu thế sinh trưởng ở ngọn yếu không cần cắt ngọn thân chính, cây cũng tự phân cành. Đối với giống có ưu thế sinh trưởng ngọn mạnh thì cần cắt ngọn thân chính để xúc tiến phân cành; khi cây cao khoảng 0,8 - 1m bấm ngọn lần thứ nhất để tạo tán, giữ 3 cành khỏe phân đều các hướng; bấm ngọn lần 2, lần 3 khi các ngọn mới cao 0,5m.
Giai đoạn mới trồng cần chú ý phòng trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá, rệp, sâu kèn. Sau 2 đến 3 năm trồng (khi cây đã phát triển tốt), thì cần tỉa bỏ những cành nhánh ở thân chính độ cao từ 0,8 - 1m trở xuống để gốc thông thoáng giảm sâu bệnh hại; không nên tỉa sớm cành để cây phát triển tốt giúp bộ rễ phát triển mạnh ăn sâu vào đất, tăng khả năng chống chịu với gió bão.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ